Tại buổi họp báo phát động cuộc thi “Tôi khỏe đẹp hơn” diễn ra tại Bộ Y tế sáng 11/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi cho biết, hiện nay dù điều kiện kinh tế tốt hơn, nhưng chúng ta đang phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn về sức khỏe.
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng, tại Việt Nam, trung bình cứ mỗi năm sẽ có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp; 3,5 triệu người bị đái tháo đường; 2 triệu người mắc bệnh tim; gần 165.000 ca mắc ung thư mới… Theo thống kê, hàng năm tỉ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 74% số ca tử vong ở Việt Nam.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nhấn mạnh, lối sống không khoa học, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý và ít hoạt động thể lực là 3 nguyên nhân chính làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư và tim mạch…
“Mới đây 5/1/2022, Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu tổng quát của chiến lược là thực hiện dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng, miền, dân tộc. Từ đó, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam.
Tôi mong rằng người dân sẽ cùng nhau thực hiện lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng phù hợp và tập thể dục thể thao góp phần hình thành thói quen, nâng cao thể chất, tinh thần”, ông Thuấn cho hay.
Ths.Trần Văn Mạnh, Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Namcho rằng dinh dưỡng và sự vận động chính là hai trong những giải pháp sức khỏe quan trọng nhất. Người dân nên có một kế hoạch lâu dài để nâng cao thể chất, tầm vóc của mình và hướng tới có một cơ thể đẹp hơn, khỏe hơn.
Mặt khác, theo các chuyên gia y tế và thể thao cho biết dinh dưỡng và vận động chính là hai loại “vắc-xin” tự nhiên vô cùng có giá trị đối với sức khỏe con người.
“Điều đặc biệt là chúng ta có thể tự tạo ra những loại “vắc-xin” này, nhưng thực tế hiện nay, số lượng người dân ở Việt Nam quan tâm và sử dụng chúng còn chưa nhiều. Việc sử dụng dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp cơ thể con người luôn khỏe mạnh, không bị thiếu chất, phòng tránh được nhiều loại bệnh "thời đại" như béo phì, cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường... và vận động một cách thường xuyên sẽ giúp nâng cao sức khỏe, tinh thần, tăng cường sự sản xuất các nội tiết tố có lợi cho cơ thể, góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh tật”, ông Mạnh khẳng định.
Trao đổi thêm với Người Đưa Tin bà Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, những năm gần đây tỉ lệ béo phì tại Việt Nam có xu hướng gia tăng.
Nếu trước những năm 1990 hầu hết nguyên nhân tử vong là do các dịch bệnh truyền nhiễm thì hiện nay chủ yếu lại là do thói quan ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh.
Bà Lâm cũng cho rằn, hiện nay việc tập thể dục tại Việt Nam chưa được chú trọng. Đặc biệt là ở lứa tuổi trẻ em. Để tăng cường sức khỏe và cải thiện thể lực cho trẻ, cha mẹ cần chú ý cho trẻ vận động. Cuối tuần có thể cho trẻ đi chơi nơi công cộng, công viên, khu vui chơi. Nếu không, thời gian rảnh dỗi cũng nên chơi các trò vận động cùng trẻ.
Ngoài ra, nhiều người thường đưa ra lý do cuộc sống quá bận rộn nên không có thời gian để tập thể dục. Theo các chuyên gia, việc vận động không nhất thiết phải tập luyện bài bản, chơi thể thao mà tập luyện ngay chính trong cuộc sống hàng ngày từ những việc như: đi bộ cầu thang, dọn dẹp nhà cửa, vận động đi lại trong phòng. Tuy nhiên, để rèn luyện sức khỏe tốt nhất vẫn nên dành thời gian 30 phút/ngày để tập luyện và duy trì thói quen này.
Thông tin về cuộc thi “Tôi khỏe đẹp hơn”
Cuộc thi gồm 3 vòng, mỗi vòng kéo dài 1 tháng, bắt đầu từ 11/8/2022 đến hết 20/11/2022 dành cho mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên (trừ các trường hợp đặc biệt cần lưu ý về sức khỏe).
Người tham gia thực hiện thử thay thay đổi tích cực về thể chất cho bản thân trong 3 tháng dựa trên những kiến thức về dinh dưỡng đã tiếp thu. Cụ thể, những người tham gia được yêu cầu trả lời các câu hỏi về dinh dưỡng, phương pháp luyện tập thể dục thể thao, tương tác với các chuyên gia và chia sẻ các bài tập đã áp dụng để đạt được sự thay đổi tích cực cho cơ thể.
Cơ cấu chấm điểm để chọn những người chiến thắng gồm: Trắc nghiệm kiến thức, Sự thay đổi về các chỉ số cơ thể (BMI, WHR); Khả năng chia sẻ truyền cảm hứng của người tham gia.