Theo Vietnamplus, tàu không gian Soyuz (Liên hợp) MS-13 của Nga mang theo 3 nhà du hành Alexander Skvortsov của Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos), Andrew Morgan của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Luca Parmitano của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã tới Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) sáng 21/7.
Tàu Soyuz MS-13, được phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur của Kazakhstan vào tối 20/7 (giờ địa phương, 0h18 ngày 21/7 giờ Việt Nam), đã kết nối với module Zvezda (Ngôi sao) của ISS sau 6 giờ bay.
NASA đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của chuyến bay này khi nó diễn ra đúng vào ngày kỷ niệm 50 năm con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng.
Theo kế hoạch, 3 nhà du hành sẽ tham gia nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của ISS cùng với 3 đồng nghiệp đã ở trên ISS từ trước là Nick Hague, Christina Koch của NASA và Alexey Ovchinin của Roscosmos.
Nhóm phi hành gia gồm 6 người này sẽ tiến hành khoảng 250 nghiên cứu khoa học trong thời gian hơn 3 tháng, trong đó có nghiên cứu về việc thiết lập điểm kết nối thứ 2 với ISS cho các tàu vũ trụ thương mại Crew Dragon của Tập đoàn công nghệ thám hiểm không gian SpaceX và Starliner của Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing.
Báo Lao Động cho hay thế giới đang kỷ niệm 50 năm ngày con người lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng giữa lúc cuộc đua trở lại nơi này đang diễn ra nóng bỏng.
Ngày 20/7/1969, hai phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin đã đặt chân lên mặt trăng sau chuyến đi kéo dài 3 ngày trên tàu Apollo 11 của Mỹ, đánh dấu thành tựu lớn trong cuộc đua không gian giữa Washington và Liên Xô khi đó. Trên tàu Apollo 11 khi đó còn có phi hành gia Michael Collins.
Năm thập kỷ sau, Nga và phương Tây đang hợp tác trong dự án Trạm Không gian quốc tế (ISS) dù sự cạnh tranh không vì thế mà mất đi. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) hiện không còn thực hiện các chuyến bay đưa người lên ISS mà để sứ mệnh này cho chương trình Soyuz của Nga. Gần đây, một số công ty tư nhân như SpaceX, Boeing bắt tay với NASA trong nỗ lực chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga đối với các chuyến bay này.
Đào Vũ (Tổng hợp)