Bộ phim Tây Du Ký 1986 được quay bằng 1 máy quay duy nhất
Thời đó, do kinh phí ít, nên đoàn chỉ đủ tiền thuê một máy quay và một quay phim. Nhiều thành viên trong đoàn vẫn cảm thấy đây là điều không thể. Tuy nhiên, bằng sự tìm tòi và "thiên biến vạn hóa", cuối cùng Tây Du Ký 1986 vẫn cho ra đời những thước phim đẹp mắt và ghi dấu ấn tới bây giờ.
Một kỷ niệm mà mọi người không bao giờ quên chính là vào tháng 8/1986, thời tiết ở Kiến Đức oi bức đến 40 độ, Dương Khiết cùng vài cộng sự đã đến tìm hiểu động, nằm ngay lưng chừng núi. Khi lên tới cửa động, gió từ trong động lùa ra mát lạnh cả người, càng đi sâu vào trong động, cái lạnh càng khắc nghiệt khiến đoàn làm phim không chịu nổi bởi nhiệt độ ngoài trời và trong hang chênh lệch tới hơn 30 độ. Khi máy móc, diễn viên đều đã ổn định và chuẩn bị quay thì máy ghi hình quay sang dở chứng không hoạt động.
Nhân viên kỹ thuật cho rằng máy quay có vấn đề và lập tức cho sửa. Thế nhưng đến gần trưa mà vẫn không tìm ra nguyên nhân hỏng hóc. Cứ đem máy ra ngoài cửa hang thì máy hoạt động bình thường, còn sau khi đem vào thì máy lại “tậm tịt”.
Lúc mang máy ra ngoài kiểm tra, đội kỹ thuật thấy bên trong có nước đọng, nguyên nhân giờ đã rõ là do chênh lệch nhiệt độ quá lớn. Để quay trọn vẹn các cảnh quay trong động, nhân viên trong đoàn cứ phải lôi máy quay ra ra vào vào động mệt đến phờ phạc.
Dương Khiết bực bội cho rằng có thể do máy đã quá cũ nên dở chứng dở nết như vậy. Khi gọi về xưởng phim yêu cầu máy mới thì được biết không có máy nào khác. Vì vậy, cả đoàn làm phim cứ thay phiên nhau bê máy ra bê máy vào hàng trăm lần.
Ngày hôm sau, đoàn phải mang theo cả một cái chăn để ủ cho máy quay. Đoàn phim đã bố trí chuẩn bị đâu vào đấy rồi mới dám mang máy vào quay. Khi thấy máy chuẩn bị có triệu chứng lại tức tốc lôi ra bên ngoài nơi nhiệt độ giao nhau gần cửa hang cho máy nghỉ.
Việc này cũng ảnh hưởng không hề nhỏ đến tiến độ quay phim, nhưng có gấp gáp cũng không giải quyết được vấn đề gì, chỉ thương anh em quay phim.
Đạo diễn Dương Khiết và quay phim là vợ chồng
Nữ đạo diễn Dương Khiết và quay phim duy nhất của Tây Du Ký 1986 là vợ chồng ở ngoài đời. Cùng chung công việc sản xuất bộ phim Tây Du Ký, hai vợ chồng đạo diễn Dương Khiết đã phải đi rất nhiều nơi để thực hiện các cảnh quay. Trong 6 năm, họ không có thời gian để chăm cô con gái nhỏ tên Nha Nha lúc đó mới 12 tuổi.
Ông Vương kém vợ 14 tuổi, hai người làm đám cưới năm 1969. Theo Sina, trên trường quay Tây du ký, người tranh luận nhiều nhất với Dương Khiết là Vương Sùng Thu. Hai người có lúc tranh cãi đến đỏ mặt tía tai nhưng lần nào Vương Sùng Thu cũng phải phục tùng đạo diễn.
Có thông tin, sau này khi vừa lập tài khoản Weibo, trạng thái đầu tiên là video ông và Dương Khiết khi trẻ đến về già. Ông thổ lộ: "302 ngày qua rồi, tôi rất nhớ bà ấy".
Trong một bài viết ngày cuối năm 2018, ông chia sẻ dần thoát khỏi nỗi bi thương mất đi bạn đời. 2018 là năm ý nghĩa với ông. Nhà quay phim nhận ra còn rất nhiều việc đang chờ. "Cho dù thế nào, trong cuộc sống, luôn cần tiến về phía trước", ông viết.
Nhân vật đóng Sa Tăng kiêm thêm 8 vai khác trong phim
So với các nhân vật Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, nhân vật Sa sư đệ được đánh giá ít đất diễn và không bộc lộ nhiều cá tính. Tuy nhiên, theo đạo diễn Dương Khiết, đây lại là tuyến vai khó thể hiện bởi tính cách nhân vật cần cù, điềm đạm đòi hỏi người diễn viên phải có sức diễn tốt. Và kết quả, hình ảnh Sa Tăng chất phác, trung hậu luôn hết lòng vì sư phụ được Diêm Hoài Lễ thể hiện xuất sắc.
Diêm Hoài Lễ từng chia sẻ: “Trong phim tôi vào vai đệ tử thứ 4 của Đường Tăng, luận vai vế là nhỏ nhất. Nhưng khi đóng phim này tôi đã 46 tuổi, lớn nhất trong 5 thầy trò. Tôi phải thực sự cảm ơn đạo diễn Dương và các đồng nghiệp đã cho tôi một vai diễn truyền hình đầu tiên và ấn tượng như thế”.
Đặc biệt hơn, trong Tây Du Ký, Diêm Hoài Lễ còn đảm nhận thêm 9 vai khác như: Ngưu Ma Vương, Tây Hải Long Vương, Thái Thượng Lão Quân, Thiên Lý Nhãn, hòa thượng, Giám Thừa - giám quan trông coi ngựa trên thiên đình, ông lão và Quyển Liêm đại tướng.
Do hoàn cảnh thiếu thốn của đoàn phim, các vai diễn trên hoàn toàn không được trả thêm bất cứ đồng thù lao nào. Điều này càng khiến nhiều người khi biết chuyện thêm cảm phục tinh thần làm việc chuyên nghiệp, hết lòng vì nghệ thuật của tài tử quá cố.
Lam Anh (Tổng Hợp)