Theo Báo cáo kinh tế - xã hội quý I/2024 vừa được Cục Thống kê Nghệ An công bố, trong quý I, tỉnh Nghệ An đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) cho 18 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 12.200 tỷ đồng.
Điều chỉnh 39 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 14 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng hơn 2.300 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh hơn 14.600 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, tổng vốn đầu tư cấp mới tăng 2,48 lần.
Năm nay, Nghệ An đặt mục tiêu tiếp tục vào top 10 địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước. Năm 2023 là lần đầu tiên ghi nhận tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Nghệ An vượt mốc 1,6 tỷ USD và xếp vị trí thứ 8 những địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất cả nước.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ Dự án nhà máy Radiant Opto-Electronics Việt Nam Nghệ An tại khu công nghiệp VSIP. Trong đó có dự án đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng.
Theo Nông nghiệp Việt Nam, doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống toàn tỉnh ước đạt hơn 4.000 tỷ đồng (tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023). Ngoài ra, doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành toàn tỉnh ước đạt gần 54 tỷ đồng (tăng hơn 76% so với cùng kỳ năm 2023).
Hoạt động thương mại và dịch vụ đang trên đà tăng trưởng, nhiều chương trình kích cầu, kết nối, xúc tiến thương mại được triển khai. Nhờ vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2024, Nghệ An đặt mục tiêu GRDP tăng trưởng 9-10%, con số này cao hơn 1-2 điểm phần trăm so với năm 2023. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã đề ra nhiều kế hoạch, giải pháp quyết liệt và đồng bộ.
Hiện nay cơ sở hạ tầng của Nghệ An nói chung, Tp. Vinh nói riêng phát triển mạnh nhờ tập trung nguồn lực cho loạt dự án thiết yếu như: dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh; dự án đường Nguyễn Sỹ Sách kéo dài nối trung tâm Tp. Vinh với đường ven sông Lam.
Bên cạnh đó, dự án cầu Bến Thủy 3 có điểm đầu tại xã Hưng Hòa, Tp. Vinh; điểm cuối thuộc huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) được đưa vào trong danh mục được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 cũng góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng và dịch vụ xã hội.
Cụ thể, theo danh mục ưu tiên đầu tư, dự án cầu Bến Thủy 3 nằm trong nhóm dự án vốn ngân sách Nhà nước. Dự án được kỳ vọng sẽ tiếp thêm động lực phát triển cho khu vực trung tâm đô thị lớn nhất tỉnh Nghệ An, góp phần mở rộng kết nối giao thương, liên kết khu vực Bắc Trung Bộ; đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân 2 tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh, giảm bớt tải trọng cho các cầu Bến Thủy 1 và 2.
Trao đổi với BĐT Chính phủ, ông Hoàng Phú Hiền, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An cho biết, cầu Bến Thủy 3 nằm trong quy hoạch định hướng, các bên liên quan sẽ tham mưu, sau đó sẽ xác định số vốn, hạng mục phụ và thời gian triển khai. Như vậy, hiện nay, tổng cộng có 5 cây cầu đường bộ bắc qua sông Lam nối Nghệ An và Hà Tĩnh, gồm Bến Thủy 1 và 2, Cửa Hội, Yên Xuân, Hưng Đức (thuộc cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt đang xây dựng).
Cũng theo Cục Thống kê tỉnh Nghệ An, việc kinh tế-xã hội phát triển trong đó đặc biệt về hạ tầng, khiến Tp. Vinh và tỉnh Nghệ An trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư. Mặt khác, nhờ có cơ sở hạ tầng về giao thông phát triển, các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đặc biệt là thành phố Vinh mở rộng càng trở nên đắt giá.
Trên địa bàn tỉnh, nhiều dự án lớn, tầm cỡ đã góp phần thay đổi diện mạo địa phương, trong đó phải kể đến dự án WB đầu tư 130 triệu USD xây dựng hạ tầng đô thị thích ứng biến đổi khí hậu tại Tp. Vinh hay đại đô thị Eco Central Park của nhà sáng lập Ecopark.
Minh Hoa (t/h)