Điêu đứng vì tỷ giá
Theo báo cáo tài chính được công bố, vay nợ của các tổng công ty phát điện trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục tăng cao. Kết thúc năm 2016, báo cáo tài chính tự lập của Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3) cho thấy vay nợ tài chính (cả ngắn và dài hạn) tới cuối kỳ ở mức 69.180 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với cuối năm 2015. Chiếm phần lớn là vay dài hạn (65.842 tỷ đồng).
Báo cáo tài chính kiểm toán 2015 thể hiện các khoản vay lại bằng ngoại tệ từ EVN (phần lớn được Chính phủ bảo lãnh) giữ tỷ trọng không nhỏ. Tới cuối năm 2016, Genco3 vay 28.758 tỷ đồng từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Korea Eximbank để thực hiện dự án Nhiệt Điện Mông Dương. Vay China Eximbank 17.169 tỷ đồng với dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Ở dự án Nhiệt điện Phú Mỹ, Genco3 vay Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) 5.278 tỷ đồng bằng đồng Yên Nhật và vay tiếp 2.993 tỷ đồng bằng USD từ China Eximbank để làm dự án Cảng than Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.
Vay nợ rất lớn, nhưng hiệu quả hoạt động của Genco3 chưa tương xứng. Mặc dù doanh thu tăng mạnh từ 28.167 tỷ đồng lên 35.942 tỷ đồng trong năm 2016, song chi phí tài chính (chiếm phần lớn là chi phí lãi vay), cũng bật từ 2.377 tỷ đồng lên 3.223 tỷ đồng, khiến lãi sau thuế của Genco3 chỉ khiêm tốn ở mức 281 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ ở mức 2,7% (vốn chủ sở hữu 10.562 tỷ đồng).
Ngoài ra, việc vay nợ rất lớn bằng ngoại tệ khiến Genco3 chịu ảnh hưởng tiêu cực từ biến động tỷ giá, với chênh lệch tỷ giá tiếp tục tăng từ 3.316 tỷ đồng cuối năm 2015 lên 3.435 tỷ đồng cuối năm 2016. Theo hãng kiểm toán KPMG, nếu Genco3 áp dụng đúng Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 10 (VAS 10) và Thông tư 200 của Bộ Tài chính năm 2014, thì khoản chênh lệch tỷ giá trên sẽ phải xác định là lỗ và lợi nhuận chưa phân phối sẽ giảm với số dư tương ứng.
Theo Genco3, nếu đồng USD mạnh thêm 1% thì tổng công ty này sẽ lỗ 482 tỷ đồng, con số đối với đồng Yên Nhật, Nhân dân tệ và đồng Won Hàn Quốc lần lượt là 56 tỷ đồng, 21 tỷ đồng và 6 tỷ đồng. Trong năm 2015, đồng USD mạnh thêm 5% và đồng Yên mạnh thêm 7% khiến doanh nghiệp chịu ảnh hưởng rất lớn khi đi vay bằng ngoại tệ.
Câu chuyện tương tự diễn ra tại Genco1. 6 tháng đầu năm 2016, tổng công ty này bất ngờ báo lỗ trước thuế 911 tỷ đồng, chi phí lãi vay tăng từ 597 tỷ đồng lên 1.015 tỷ đồng. Trước đó, năm 2015, Genco1 đã đẩy mạnh sử dụng đòn bẩy tài chính khi số dư nợ vay (cả ngắn và dài hạn) tăng từ 53.693 tỷ đồng lên 66.940 tỷ đồng, trong đó phần lớn là vay ngoại tệ (khoảng 60.000 tỷ đồng) từ China Eximbank, Ngân hàng Societe Generale hay JBIC. Với việc đồng USD và Yên Nhật mạnh lên, lỗ chênh lệch tỷ giá của Genco1 tăng từ 1.171 tỷ đồng lên 2.771 tỷ đồng trong năm 2016.
Còn tại Genco2, số dư vay nợ ít hơn 2 genco còn lại, tới cuối năm 2016 ở mức 42.032 tỷ đồng “giúp” tổng công ty phát điện này bớt thiệt hại hơn từ ảnh hưởng của tỷ giá, tuy nhiên vẫn phải ghi nhận chênh lệch tỷ giá ở mức âm 788 tỷ đồng tới cuối năm 2015. Năm 2016, lãi sau thuế của Genco 2 đạt 386 tỷ đồng, giảm mạnh so với 755 tỷ đồng năm 2015 và bằng ¼ kết quả năm 2014 (1.589 tỷ đồng), tỷ suất lợi nhuận trên vốn góp chủ sở hữu (11.164 tỷ đồng) ở mức 3,5%. Mặc dù vậy, như đã phân tích, con số lợi nhuận dương có được bởi Genco2 chưa hạch toán chênh lệch tỷ giá vào chi phí tài chính.
Dấu hỏi hiệu quả
Như vậy, dư nợ vay ngân hàng của 3 genco hiện xấp xỉ 180.000 tỷ, chiếm gần một nửa tổng nợ vay tài chính của cả tập đoàn EVN và bằng quy mô tổng tài sản của một ngân hàng cỡ vừa ở Việt Nam. Theo báo cáo thường niên năm 2016 của EVN, các genco có tổng công suất 15.858 MW, chiếm 2/3 quy mô của EVN và 41% trên phạm vi cả nước. Trong đó Genco3 có công suất 6.377 MW, với một số nhà máy lớn như điện than Vĩnh Tân 2 (1.244 MW), Mông Dương 1 (1.080 MW), điện khí Phú Mỹ 1 (1.108). Các Genco 1 và 2 xếp sau với tổng cộng 30 nhà máy các loại, có công suất lần lượt là 5.144 MW và 4.337 MW.
Với đặc thù cần rất nhiều vốn xây dựng cơ bản của ngành điện lực trong khi nguồn nội lực còn chưa mạnh, không khó hiểu khi các genco phải phụ thuộc rất lớn vào đòn bẩy tài chính. Bản thân tập đoàn mẹ - EVN cũng không thoát khỏi cảnh lệ thuộc “nhà băng”, khi vay tới gần 400.000 tỷ đồng tính tới cuối tháng 6/2016, trong đó chiếm phần nhiều là nợ do Chính phủ bảo lãnh. Do đó, nếu EVN hay các công ty thành viên không trả được nợ, thì ngân sách nhà nước sẽ phải đứng ra thanh toán, bởi vậy tính hiệu quả từ những khoản vay hàng chục nghìn tỷ của EVN và các công ty con là vấn đề phải được đặt ra và giám sát chặt chẽ.
Trong buổi làm việc ngày 21/6 vừa qua giữa Tổ công tác của Thủ tướng với EVN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh EVN đang dẫn đầu về nợ vay so với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với dư nợ được Chính phủ bảo lãnh năm 2015 tăng thêm 2 tỷ USD lên mức 9,7 tỷ USD. Cũng trong buổi làm việc, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục đã yêu cầu EVN cần tăng hiệu quả sử dụng vốn, đa dạng hóa ngoại tệ đi vay để giảm rủi ro tỉ giá. EVN cũng cần báo cáo về giải pháp tái cơ cấu, giảm chi phí trực tiếp, gián tiếp, tăng hiệu quả đầu tư. Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016, EVN lỗ sau thuế 717 tỷ đồng, với chi phí tài chính tăng từ 7.681 tỷ đồng lên 15.460 tỷ đồng.
Ì ạch cổ phần hóa
Quyết định 58/2016 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định sẽ thoái vốn nhà nước tại Genco 1,2,3 xuống dưới 50%. Thực ra, chủ trương thoái vốn tại các tổng công ty phát điện nhằm giảm gánh nặng nợ vay của EVN đã có từ lâu, tuy nhiên tiến độ thực hiện lại khá chậm chạp.
EVN từ tháng 7/2014 đã có công văn gửi Bộ Công thương về kế hoạch cổ phần hóa (CPH) 3 genco. Bộ trưởng Bộ Công thương cuối tháng 10/2014 có quyết định CPH Công ty mẹ Genco3. Theo đó, thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (XĐGTDN) để CPH là 1/1/2015, mục tiêu của EVN là thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 3/2016 và tổ chức đại hội đồng cổ đông lần đầu vào tháng 5/2016.
Genco3 là đơn vị tiên phong trong số 3 genco của EVN được lựa chọn để tiến hành CPH. Sau khi thí điểm CPH Genco 3 sẽ tiếp tục triển khai với Genco1 và Genco2. Tuy nhiên trên thực tế, phải tới tháng 2/2016, EVN mới trình lên Bộ Công thương phương án CPH Công ty mẹ Genco3 để rồi cơ quan này tháng 5/2016 có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tháng 11/2016, EVN đã gửi Kiểm toán Nhà nước hồ sơ XĐGTDN của Genco3.
Đầu năm 2017, Bộ Công thương tiếp tục có công văn xin Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời hạn công bố giá trị doanh nghiệp đối với Genco3 sau khi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán XĐGTDN và xử lý các vấn đề tài chính, gia hạn thời gian thực hiện IPO không quá 3 tháng kể từ thời điểm phương án CPH Genco3 được phê duyệt. Theo EVN, hiện Thủ tướng Chính phủ đang xem xét, quyết định trước khi Kiểm toán Nhà nước thực hiện.
Tại Genco1, mặc dù EVN đã lựa chọn và báo cáo Bộ Công thương 2 đơn vị tư vấn XĐGTDN và đơn vị tư vấn lập phương án CPH, đồng thời được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương xử lý tài chính. Tuy nhiên việc CPH tổng công ty phát điện này vẫn diễn ra rất khó khăn. Quá trình CPH Genco1 đã kéo dài hơn 14 tháng, vượt quá quy định 6 tháng kể từ thời điểm XĐGTDN. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng chưa có kế hoạch làm việc tại Genco1.
Do vậy, EVN tháng 3/2017 đã có công văn đề nghị Bộ Công thương cho phép điều chỉnh thời điểm XĐGTDN để CPH Công ty mẹ Genco1 là 1/1/2017. Hiện Genco1 vẫn đang ở bước chuẩn bị hồ sơ tài liệu, hoàn thiện dự thảo phương án CPH. Còn ở Genco2, quá trình CPH ở đây chỉ mới dừng lại ở bước EVN thành lập được ban chỉ đạo CPH, phê duyệt dự toán chi phí CPH và tổ chức phát hành hồ sơ mời thầu để chọn đơn vị tư vấn XĐGTDN.
Theo EVN, các genco chỉ mới được thành lập từ đầu năm 2013, năng lực tài chính có hạn, có nhiều khoản nợ đầu tư lớn, kinh doanh kém hiệu quả, thậm chí có khả năng thua lỗ, nên không hấp dẫn nhà đầu tư. Ngoài ra, một khó khăn lớn khác trong quá trình CPH của các đơn vị thành viên của EVN là khó chọn tư vấn định giá để hỗ trợ tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Hiện nay, 3 genco đang gặp nhiều khó khăn trong CPH do không lựa chọn được đơn vị tư vấn nước ngoài phù hợp vì quy định giới hạn trần chi phí thuê tư vấn. Vì vậy, EVN phải lựa chọn đơn vị tư vấn trong nước cho Genco 3 và Genco 1.
Nghi Điền