Cuối giờ chiều ngày 21/7, Viện VSDT T.Ư đã có buổi làm việc với Sở Y tế tỉnh Quảng Trị về vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine vào ngày 20/7. Tại buổi làm việc, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã báo cáo lại toàn bộ diễn biến sự việc với Viện VSDT T.Ư
Sáng 21/7, đoàn Viện VSDT T.Ư trực tiếp lên làm việc với bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa để tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.
Anh Nguyễn Đình Đạo và gia đình đau buồn trước cái chết của con em mình
Vào 14h chiều nay (22/7) Viện VSDT T.Ư sẽ có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị và các ban ngành có liên quan để thông báo kết quả điều tra ban đầu về nguyên nhân dẫn đến cái chết của 3 trẻ sơ sinh.
Trong một diễn tiến khác, bà Nguyễn Thị Hằng-phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã yêu cầu ngừng sử dụng vaccine viêm gan B trên toàn tỉnh Quảng Trị.
Cùng ngày, Đoàn công tác Bộ Y tế đã khẩn cấp vào Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) để tìm hiểu nguyên nhân khiến 3 trẻ sơ sinh tử vong tại bệnh viện ngay sau khi tiêm mũi phòng viêm gan B trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trước đó, ngày 20/7, ba trẻ sơ sinh vừa được sinh 1 ngày đã tử vong ngay sau khi được tiêm vaccin phòng viêm gan B. Các cháu bé cũng đã được mổ tử thi, kết luận ban đầu là do sốc phản vệ. Còn nguyên nhân do vaccine hay quá trình tiêm chủng thì cần phải được xem xét tỷ mỉ và đưa ra kết luận sau.
Dự kiến vào 14h hôm nay, sẽ có kết quả điều tra ban đầu về nguyên nhân dẫn đến cái chết của 3 trẻ sơ sinh.
Theo bà Hằng, đầu tuần tới, Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế để kết luận về ba trường hợp tử vong này. Vaccine được tiêm cho 3 trẻ là do Việt Nam sản xuất. Hiện chưa có thông tin vaccine viêm gan B này đã được sử dụng ở Việt Nam như thế nào, đã tiêm cho bao nhiêu trẻ và có bao nhiêu trẻ bị phản ứng.
GS-TS Nguyễn Khắc Mẫn – chuyên gia Trung tâm nghiên cứu và sản xuất vaccine sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) nhận định, vaccine viêm gan B rất ít khi gây ra phản ứng nặng. Việc 3 trẻ tử vong ngay sau tiêm ngay tại một nơi, trên cùng một lô vaccine, là rất đáng lo ngại.
Còn GS.TS Nguyễn Đình Bảng - nguyên viện trưởng Viện Kiểm định vaccine và sinh phẩm y tế quốc gia, cho rằng: cần xem lại quy trình tiêm chủng và cân nhắc việc thay đổi lịch tiêm vaccine viêm ban B cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh.
“Tôi lo ngại về việc thực hiện tiêm chủng đối với vaccine này chưa hợp lý chứ không nghi ngờ về chất lượng vaccine. Lọ vaccine được bảo quản trong tủ lạnh, vì vậy, cần phải làm ấm trước khi tiêm cho trẻ, nếu không trẻ có thể bị sốc vì lạnh, nhất là với trẻ vừa sinh” - GS Bảng phân tích.
Ông Bảng cũng cho rằng, không nên tiêm vaccine cho trẻ trong vòng 1 tháng sau sinh mà nên thực hiện mũi tiêm đầu tiên khi trẻ đã được 2- 3 tháng tuổi để tránh những tác động lạ khi đứa trẻ mới chào đời.
Một chuyên gia y tế khác cũng cho biết, vaccine viêm gan B ít khi gây biến chứng nhưng không nhất thiết phải tiêm ngay sau sinh vì khi đó, chưa biết trẻ có bị bệnh gì không, có khả năng xảy ra phản ứng sau tiêm không. Nên khám tổng quát cho các bé xem có tiềm ẩn bệnh tật gì không trước khi tiêm thay vì “cứ thấy chào đời là đè ra tiêm”.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, viêm gan B là một trong những vaccine an toàn, không có chống chỉ định, kể cả trẻ sinh non, thiếu cân vẫn có thể tiêm. Việc khuyến cáo tiêm sau sinh 24h giúp trẻ có miễn dịch bảo vệ cao hơn.
Tiêm vaccine viêm gan B có thể gây các phản ứng thông thường như đau tại chỗ, sốt trên 37,7 độ C và số phản vệ nhưng chỉ với tỷ lệ khoảng 1/600.000 liều.
Theo Dân Việt