Khoản 1 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014 quy định, bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc do Nhà nước tổ chức thực hiện, được áp dụng đối với các đối tượng do luật định để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận.
Bảo hiểm y tế (BHYT) được quản lý theo 02 hình thức: BHYT bắt buộc (áp dụng với người lao động trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức; học sinh, sinh viên…) và BHYT tự nguyện (áp dụng với người không thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc).
Theo quy định tại Điều 16, Luật Bảo hiểm y tế 2008, thẻ bảo hiểm y tế được cấp cho người tham gia bảo hiểm y tế và làm căn cứ để được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế theo quy định của Luật này.
Mỗi người dân khi tham gia BHYT sẽ được cấp 01 thẻ bảo hiểm y tế dùng làm căn cứ để xác định các quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia khi đi khám, chữa bệnh BHYT theo quy định. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, thẻ BHYT sẽ bị thu hồi hoặc tạm giữ khi có hành vi vi phạm.
Điều 20 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế 2014 quy định thu hồi, tạm giữ thẻ bảo hiểm y tế như sau:
1. Thẻ bảo hiểm y tế bị thu hồi trong trường hợp sau đây:
a) Gian lận trong việc cấp thẻ bảo hiểm y tế;
b) Người có tên trong thẻ bảo hiểm y tế không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế;
c) Cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế.
2. Thẻ bảo hiểm y tế bị tạm giữ trong trường hợp người đi khám bệnh, chữa bệnh sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người khác. Người có thẻ bảo hiểm y tế bị tạm giữ có trách nhiệm đến nhận lại thẻ và nộp phạt theo quy định của pháp luật.
Điều 84 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm quy định về sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám bệnh, chữa bệnh
1. Phạt tiền đối với hành vi cho người khác mượn thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám bệnh, chữa bệnh theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ bảo hiểm y tế;
b) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại đến quỹ bảo hiểm y tế.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc hoàn trả số tiền đã vi phạm vào tài khoản thu của quỹ bảo hiểm y tế (nếu có) đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.
Như vậy, thẻ bảo hiểm y tế sẽ bị thu hồi, tạm giữ trong trường hợp nêu trên. Còn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người khác để khám bệnh, chữa bệnh có thể bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Những người được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh
Theo Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, chỉ một số nhóm đối tượng chính sách được hưởng mức 100% chi phí khám chữa bệnh như: người có công với cách mạng; cựu chiến binh; người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; hộ gia đình nghèo, dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; thân nhân của người có công với cách mạng (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ); người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; trẻ em dưới 6 tuổi…
Một số nhóm khác được hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh như: người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; thân nhân của người có công với cách mạng (trừ các đối tượng thuộc diện hưởng 100% ở trên); hộ gia đình cận nghèo…
Những nhóm đối tượng còn lại chỉ được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh khi đi khám chữa bệnh BHYT đúng quy định.
Nhóm đối tượng còn lại này chỉ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh trong 3 trường hợp sau: thứ nhất là khi khám chữa bệnh tại tuyến xã; thứ hai là khi chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở; thứ ba là khi có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
Minh Hoa (t/h)