Sau hai ngày nhận được 95 ý kiến của các ĐBQH về tình hình kinh tế xã hội, sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Mục tiêu của Đề án được xác định nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa.
Đề án được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.
Đến năm 2025, Đề án đề ra mục tiêu phấn đấu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp 2,0 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3% đến 5%. Tất cả các xã có đường ô tô đến trung tâm, theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Giao thông Vận tải; 70% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 80% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. 70% số hộ di cư tự phát, số hộ đang sinh sống trong rừng đặc dụng, khu vực xung yếu nguy hiểm được sắp xếp ổn định. 70% số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, còn ở nhà tạm được hỗ trợ so với cuối năm 2020…
Theo chương trình, ngày 18/11, các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Thảo luận tại hội trường sáng 1/11, ĐBQH Lê Quân (đoàn Hà Nội) đưa ra 3 vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay.
Thứ trưởng bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phân tích vấn đề đầu tiên về nguồn nhân lực: "Chúng ta có hơn 8 triệu đồng bào - chiếm 14-15% lực lượng lao động toàn quốc. Tuy nhiên tại các vùng này chủ yếu là lao động nông nghiệp nông thôn, tỷ lệ lao động qua đào tạo rất thấp, chỉ khoảng 6% - thấp bằng 1/3 mặt bằng chung cả nước. Các việc làm đều ngắn hạn, có tính chất rủi ro cao nhưng thu nhập thấp, không ổn định".
"Nếu chúng ta không giải quyết tốt công tác dạy nghề và sắp xếp việc làm cho đồng bào thì đó là vấn đề an sinh xã hội chúng ta phải đối mặt sau này", ĐB Lê Quân nêu vấn đề.
Thứ hai là tình trạng bất bình đẳng trong việc làm. Hiện nay Việt Nam đang trong tình trạng già hoá dân số, khan hiếm cả lao động phổ thông. Thứ trưởng bộ LĐ-TB&XH nêu ra thực tế hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động trong các lĩnh vực nặng nhọc, độc hại nên có xu hướng tìm đến các thanh niên ở khu vực miền núi, đồng bào dân tộc. Không khó để tìm thấy đồng bào dân tộc tại các công trường xây dựng ở thành phố lớn.
Vấn đề thứ ba, Đề án đã đề cập nhưng chưa nói sâu đến vấn đề di dân. chúng ta mới chỉ quan tâm nhiều đến vấn đề di dân tự do và di dân giữa các vùng nông thôn, nhưng hiện nay thị trường lao động phát triển, việc di dân giữa các vùng đồng bào dân tộc miền núi đến các thành phố lớn là đáng được xem xét.
ĐBQH đoàn Hà Nội đưa ra kiến nghị xây dựng phương án đào tạo việc làm cho 8 triệu lao động đồng bào dân tộc thiểu số, cung ứng nhân lực cho khu vực thành phố.
"Muốn giảm nghèo thì phải có việc làm và phải đưa dân ra khỏi khu vực đói nghèo để có việc làm, có thu nhập. Một người có thu nhập thì một hộ gia đình có khả năng thoát nghèo", ông Lê Quân nhấn mạnh.
Hoa Liên - Công Luân