Một nguồn tin an ninh Algeria nói với Reuters trong số những người thiệt mạng có tám người Algeria, hai người Nhật Bản, hai người Anh và một người Pháp. Quốc tịch của những người còn lại chưa rõ.
Ngoài ra, ít nhất 11 phần tử vũ trang đã bị tiêu diệt.
Chính phủ các nước Mỹ, Na Uy, Romania và Áo cũng đã xác nhận có công dân của họ bị bắt giữ ở nhà máy này.
Các nguồn tin chính thức nói trong số 11 tay súng bị tiêu diệt, chỉ có hai người Algeria, bao gồm thủ lĩnh nhóm. Những người còn lại mang quốc tịch Tunisia, Libya, Mali và Pháp. Thủ lĩnh nhóm được cho là Taher Ben Cheneb, một người Algeria và là thủ lĩnh phiến quân Hồi giáo có tiếng hoạt động ở vùng Sahara.
Chiến dịch tấn công đã kéo dài tám tiếng đồng hồ được mở sau khi Algeria từ chối yêu cầu của những kẻ bắt cóc được mang con tin rời khỏi nước này. Những kẻ bắt cóc chiếm giữ nhà máy khí đốt nằm sâu trong sa mạc trước bình minh ngày 16-1 cũng yêu cầu Pháp ngưng các cuộc tấn công vào lực lượng Hồi giáo nổi dậy ở Mali.
Tổng thống Pháp Francois Hollande nói việc bắt giữ con tin cho thấy ông đã đúng khi đưa hơn 1.000 quân Pháp vào Mali để hỗ trợ chính phủ đất nước Tây Phi này chống lại lực lượng vũ trang nổi dậy.
Cơ sở khai thác dầu khí In Amenas ở Algeria là nơi xảy ra vụ không kích - Ảnh: Reuters
Việc nhóm Hồi giáo vũ trang xâm nhập dễ dàng vào nhà máy khí đốt, một trong những cơ sở sản xuất quan trọng nhất nước sản xuất khoảng 10% khí đốt thiên nhiên cho Algeria, nêu ra những câu hỏi về tình trạng an ninh không được bảo đảm. Các công ty nước ngoài nói họ sẽ rút các nhân viên không phải là trọng yếu ra khỏi nước này. Algeria cũng mới ổn định được vài năm nay sau một thập kỷ bất ổn vì xung đột.
Chính quyền Algeria, vốn có quan hệ không mấy thân thiện với mẫu quốc cũ Pháp và các nước phương Tây, có thể cũng phải trả lời một số câu hỏi về chiến dịch giải cứu kết thúc với thiệt hại quá lớn về người.
Thủ tướng Anh David Cameron nói người dân nước này nên chuẩn bị sẵn tâm lý đón nhận tin xấu về các con tin. Trước đó, ông đã gọi cho người đồng cấp Algeria bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình.
Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg nói ông đã nhận được thông báo từ Algeria về chiến dịch giải cứu và nỗ lực tìm một giải pháp suốt đêm 16-1, nhưng không đi tới kết quả. “Thủ tướng Algeria nói họ cảm thấy không còn lựa chọn nào khác”, ông Stoltenberg cho biết. Mỹ cho biết chắc chắn có công dân nước này ở nhà máy, nhưng không rõ bao nhiêu người.
“Tình hình đang diễn biến và chúng tôi đang cố gắng xác minh mọi việc”, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói với các phóng viên.
Công ty Na Uy Statoil, vận hành nhà máy này cùng Hãng BP của Anh và Công ty dầu khí quốc gia Algeria, nói họ không có tin tức gì về chín nhân viên Na Uy làm việc ở đây, nhưng ba nhân viên người Algeria của họ đã được giải thoát. BP cũng nói một số nhân viên của họ bị bắt làm con tin, nhưng không cho biết cụ thể số lượng và quốc tịch.
Truyền thông Nhật Bản cho biết có năm công nhân người Nhật làm cho Công ty JGC bị bắt giữ.
Theo TT