30 năm đón Giao thừa nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Trường Chinh

30 năm đón Giao thừa nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Trường Chinh

Thứ 4, 06/02/2013 11:41

Đến thăm nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Trường Chinh tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định vào một ngày cuối năm, tôi may mắn được tiếp chuyện với ông Nguyễn Thế Hiệp (SN 1952) - người trông coi nhà lưu niệm suốt 30 năm. Trong không khí ấm áp, vui tươi chào đón một mùa xuân mới sắp đến, lòng đầy cảm xúc, ông Hiệp kể cho tôi nghe về những lần cố Tổng bí thư Trường Chinh về thăm đất mẹ và những kỷ niệm sâu sắc ông từng trải qua trong suốt 30 năm đảm nhận nhiệm vụ quản lý nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Trường Chinh.

30 năm đón Tết... ở “nhà người khác”

Ông Hiệp gọi cố Tổng bí thư bằng cách gọi thân mật "bác Trường Chinh". Cảm phục nhân cách  và cuộc đời của vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, ông Hiệp tôn vinh vị Tổng bí thư quê nhà như một thần tượng của cuộc đời mình. Và có lẽ cơ duyên ấy cũng đưa ông đến với vị trí người trông coi khu di tích nhà lưu niệm của Tổng bí thư Trường Chinh trong suốt 30 năm.

Ông Hiệp là bộ đội, từng tham gia chiến trường Tây Nguyên, trực tiếp tham gia chiến đấu diệt đồn địch tại Đắc Tô, Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum), Đức Cơ, Chư Nghé (tỉnh Gia Lai). Đến năm 1974, bị thương nên ông được chuyển về chăm sóc tại Trại thương binh I Hà Nam Ninh. Khi sức khỏe ổn định, ông về quê lập gia đình, tích cực tham gia các công tác xã hội ở địa phương. Với phẩm chất của một người lính, ông Hiệp không ngừng học tập và trau dồi kiến thức để nâng cao hiểu biết và phục vụ cho công cuộc xây dựng quê hương.

Xã hội - 30 năm đón Giao thừa nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Trường Chinh

Đầu năm 1981, ông vinh dự được có tên trong danh sách các lãnh đạo địa phương đi đến nhà đón bác Trường Chinh về thăm quê. Hơn 20 năm sau ngày xa nơi chôn nhau cắt rốn, bác Trường Chinh vô cùng vui mừng và xúc động khi gặp lại bà con họ hàng. Lúc ấy, để giúp bác hiểu hơn về quê hương sau bao năm xa cách, ông Hiệp mạnh dạn giới thiệu cho bác nghe. Phần giới thiệu khiến bác Trường Chinh và các thành viên trong đoàn vô cùng hài lòng. Và thế là ngay khi lãnh đạo địa phương đề xuất xây dựng nhà bác Trường Chinh thành khu lưu niệm, bác đã tin tưởng giao ngay cho ông Hiệp cương vị coi giữ và quản lý ngôi nhà. Bác căn dặn: "Đồng chí này là thương binh lại còn trẻ khỏe nên để đồng chí quản lý và trông nom nhà". Đối với ông Hiệp, đó là lời căn dặn mà ông vô cùng trân trọng và coi đó là vinh dự lớn của đời mình.

Không phụ lòng tin của bác Trường Chinh, ông Hiệp không ngừng trau dồi những kiến thức về lịch sử, văn hóa quê hương, truyền thống lâu đời của dòng họ Đặng Xuân (cố Tổng bí thư Trường Chinh có tên thật là Đặng Xuân Khu - PV). Trong suốt 30 năm trông coi khu nhà lưu niệm, ngoài những đoàn khách là nhân dân, cán bộ khắp các vùng miền, khách nước ngoài, ông Hiệp có vinh dự đón tiếp rất nhiều các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa... Những vị khách tới đây dường như ai cũng ấn tượng về vốn kiến thức văn hóa cũng như sự am hiểu về chữ Hán chữ Nôm của ông Hiệp. Với những kiến thức đó, ông Hiệp đã khéo léo giới thiệu và truyền đạt truyền thống của gia đình bác Trường Chinh cũng như vùng quê Nam Định đến với du khách khắp nơi.

Trong suốt 30 năm làm công tác coi giữ nhà cho bác Trường Chinh, dường như là 30 năm ông không ở nhà mình. Gia đình ông cách nhà lưu niệm chừng 1km nên chỉ đến bữa mới về nhà ăn cơm. Ông vắng nhà suốt, nhất là những khi mưa gió bão bùng, vợ ông cũng chỉ một thân một mình ở nhà cùng các con nhỏ. Đã thế, khi lễ tết, để giữ cho ngôi nhà của bác Trường Chinh luôn ấm cúng, ông cũng thường xuyên có mặt vào những thời khắc quan trọng nhất như Giao thừa, mùng một. Ông chu đáo lo hương khói, đồ thờ lễ những ngày Tết rồi tiếp khách đến thăm nhà bác Trường Chinh. Khi tôi hỏi, 30 năm ông không ngủ ở nhà, 30 năm không đón Giao thừa cùng gia đình, vợ ông có trách không?. Ông mỉm cười nói: "Thời gian đầu vợ tôi cũng buồn lắm, nhưng tôi động viên bà ấy, đây không chỉ là công việc mà còn là vinh dự của gia đình ta. Dần dần bà ấy cũng quen và coi đó là niềm vui và trách nhiệm".

Xã hội - 30 năm đón Giao thừa nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Trường Chinh (Hình 2).

Ngôi nhà lưu niệm hơn 100 tuổi của cố Tổng bí thư Trường Chinh còn giữ được nhiều nét cổ truyền.

Ký ức những lần bác Trường Chinh về thăm quê

Ông Hiệp kể lại, năm 1960, khi ông đang còn nhỏ, bác Trường Chinh có về thăm quê và gặp mặt họ hàng. Lần ấy, đứng trong nhóm các em thiếu niên ra đón bác, ông còn nhớ như in bác Trường Chinh ân cần hỏi từng cháu nhỏ về Năm điều Bác Hồ dạy và căn dặn kỹ: Các cháu đã nhớ được lời Bác Hồ dạy thì phải làm theo đúng được những lời ấy. 21 năm sau đó, vào ngày 3/3/1981, bác Trường Chinh lại có dịp về thăm quê. Lần ấy dân làng kéo đến đông lắm. Ai cũng mong được hỏi thăm sức khỏe bác, được bác ân cần bắt tay. Vì lượng khách đến quá đông mà ngôi nhà quá nhỏ nên bác Trường Chinh dặn mọi người chia từng tốp khách ra. Mỗi đoàn vào chỉ có số lượng vừa đủ với số ghế trong nhà. Thế rồi bác đến từng người hỏi han sức khỏe, căn dặn những điều hay lẽ phải. Dù mỗi người chỉ được vào thăm bác vài phút nhưng ai cũng phấn khởi và hạnh phúc.

Đó cũng là lần đầu tiên khai bút cuốn sổ lưu bút tại nhà của Tổng bí thư. Người đầu tiên khai bút chính là bác Trường Chinh. Tại trang đầu tiên của cuốn sổ, cố Tổng bí thư viết: "Hai mươi mốt năm nay, trở lại quê nhà, tôi vô cùng phấn khởi thấy cuộc sống của bà con nhiều đổi mới và có nhiều tiến bộ. Đó là do đồng chí, đồng bào xã ta ra sức thi hành Chỉ thị của Trung ương và Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ. Tôi ít khi về quê, vì bận công việc chung của cả nước. Tuy vậy, lòng tôi luôn luôn bên cạnh bà con và theo dõi từng bước tiến của quê hương. Chân thành chúc bà con xã nhà và đồng bào cả nước mạnh khoẻ và thu được nhiều thành tích trong sự nghiệp Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc". Phía dưới, cố Tổng bí thư ghi ngày 3/3/1981 và ký tên Trường Chinh.

Đến năm 1987, bác Trường Chinh mới có dịp về thăm quê và đó cũng là lần cuối cùng Bác về quê hương. Lần ấy, vì đã nghỉ hưu nên bác dành trọn thời gian để thăm quê và ngủ lại nhà mình. Ông Hiệp còn nhớ như in những lời bác dặn trong lần cuối gặp mặt: "Bác động viên tôi cố gắng giữ sức khỏe và làm tốt công việc mà địa phương tin tưởng, đã làm tốt rồi thì cần làm tốt hơn. Ngoài ra, chú cần trau dồi, cập nhật những kiến thức mới để giới thiệu cho du khách về truyền thống của quê hương làng xóm. Lần ấy, bác cũng trò chuyện rất lâu với các vị cao niên trong làng".

Một kỷ niệm đặc biệt trong cuộc đời của ông Hiệp đó là có lần ông vinh dự được cố Tổng bí thư Trường Chinh mời lên thăm nhà ở Hà Nội. Lần ấy, ông càng cảm nhận thêm được cuộc sống giản dị và nhân cách của vị Tổng bí thư kính yêu. Ngôi nhà bác sống ấm cúng và chỉ trang bị những vật dụng cần thiết. Khi ra về, ông được bác Trường Chinh cho một gói chè, hai tấm vải và một ít đồng bạc. Bác bảo: Gói chè thì chú đem về pha nước mời bà con, tấm vải chú mang về may áo còn mấy đồng bạc là vừa công tiền trả thợ may. Lần ấy khi ra về, bác Trường Chinh còn đưa cho ông một bọc quần áo trẻ em đồ đã cũ và nói: "Đây là quần áo của cái Bích nhà tôi, nó lớn rồi nên không mặc vừa nữa. Nếu chú không chê thì mang về cho con bé Thủy nó mặc. Chắc là cháu nó mặc vừa. Bà nhà cũng đã giặt giũ thơm tho rồi". Nghe bác nói thế, tôi vui mừng nhận bọc áo quần và vô cùng xúc động về sự chu đáo của bác.

Đầu năm 2012, vì vấn đề sức khỏe, ông Hiệp không còn đảm nhiệm công việc trông coi nhà cố Tổng bí thư nữa. Tuy vậy, ông vẫn thường xuyên ghé thăm và chỉ dạy thêm cho người phụ trách mới. Một mùa xuân nữa đang đến gần, Tết đang về trên mọi nẻo đường. Năm nay, ông sẽ vẫn giữ thói quen sang thăm nhà bác Trường Chinh ngày Tết.

Một tấm gương sáng về đạo đức

Đối với ông Hiệp, cố  Tổng bí thư Trường Chinh không chỉ là một vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước mà còn là một tấm gương đạo đức cả đời ông luôn phấn đấu học tập và noi theo. Kể lại những kỷ niệm với bác Trường Chinh, đôi mắt người đàn ông đã ngoại lục tuần vẫn ngân ngấn lệ. Ông xúc động nói: "Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, bác Trường Chinh luôn đau đáu nỗi nhớ về quê hương. Vì việc nước, việc dân nên bác cũng có ít thời gian về thăm quê. Mỗi lần về thăm quê, dù rất ngắn ngủi nhưng bao giờ bác cũng để lại ấn tượng và niềm cảm mến vô bờ với đồng bào quê hương".

Phạm Hạnh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.