PV: Tính đến thời điểm này, đã có gần 50 người chết và mất tích do lũ. Phải chăng, tình hình mưa lũ mấy ngày qua có diễn biến rất bất thường, thưa ông?
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Phải đến 30 năm mới xuất hiện những trận mưa trên diện rộng, kéo dài và lũ lớn như vậy. Đa số các sông như sông Hoàng Long ở Ninh Bình, nhánh sông Mã và sông Chu nhiều vùng vượt báo động 3. Thậm chí, sông Hoàng Long đã vượt mức phải mở cửa để tràn vào vùng phân lũ. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại lớn về người và của tại các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa…
Thiệt hại mấy ngày vừa qua rất lớn, nguyên nhân là do lũ, lũ quét- thách thức trong những năm gần đây mà chúng ta chưa có biện pháp khắc phục thực sự hiệu quả. Chúng tôi đang thị sát ở Hòa Bình, sạt lở đất rất khó để dự báo được. Đây là vấn đề lớn mà trong thời gian tới chúng ta phải tập trung để giảm nhẹ các rủi ro thiên tai lũ quét, lũ ống, sạt lở đất…
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, việc các hồ thủy điện đồng loạt xả lũ khiến rất nhiều gia đình ở vùng hạ lưu ngập nặng, người dân bị thiệt hại. Ông đánh giá như thế nào về công tác xả lũ?
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Công tác chỉ đạo xả lũ của chính quyền địa phương, các cơ quan Trung ương hết sức quyết liệt. Tôi khẳng định quyết định xả lũ tại các địa phương là chuẩn.
Chúng ta đã cân nhắc rất kỹ lưỡng giữa việc xả và ảnh hưởng đến người dân như thế nào. Trong khi chuẩn bị xả lũ, chính quyền địa phương đã tiến hành di dân khá tốt. Việc xả lũ được cân nhắc kỹ lưỡng với việc ngập lụt hạ du, thậm chí trong lúc lũ lên, hồ sông Mực ở Thanh Hóa vẫn đóng, chưa xả. Đó là việc làm hết sức trách nhiệm.
Có hai nguyên tắc cơ bản trong công tác phòng chống lụt bão đó là an toàn đập và đảm bảo tối đa về tính mạng, tài sản của người dân. Nếu mất an toàn đập thì vùng hạ du sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Như ở Ninh Bình đã vượt mức bắt buộc phải xả lũ nhưng chính quyền địa phương đã cân nhắc, có biện pháp kiên quyết chống tràn đê và quyết định không xả lũ.
PV: Giải pháp để giảm nhẹ thiệt hại cho những đợt mưa lũ nghiêm trọng như hiện nay là gì?
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Để giảm nhẹ thiên tai ở các vùng này, theo tôi phải đồng bộ rất nhiều giải pháp nhưng cấp bách trước mắt, chúng ta phải xác định được những vùng có nguy cơ, cố gắng cảnh báo sớm về mưa.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền vận động người dân - quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng. Cần bàn bạc với người dân những tình huống có thể xảy ra để nâng cao năng lực tự ứng phó của người dân cũng như chính quyền địa phương.
Điều quan trọng, chúng ta phải làm sớm việc phân loại những vùng có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở và nâng cao mức độ dự báo, đo mưa phân tán để có những công cụ để ra quyết định hoặc thông tin đến người dân.
Việc di dân ra khỏi vùng nguy cơ cao cũng là vấn đề lớn do liên quan đến kinh phí và phải phân loại được vùng đặc biệt nguy hiểm để ứng phó kịp thời. Hiện có hơn 10.000 điểm nguy cơ cao lũ quét, sạt lở nên khó triển khai cùng một lúc. Ở những vùng nguy hiểm cao phải giám sát và cảnh báo sớm cho người dân.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Đây là đợt mưa lớn bất thường trong nhiều năm qua vì hiếm khi mưa trên diện rộng, kéo dài và lớn vào tháng 10. Điều lo ngại nhất trong đợt mưa lũ này là gần 3.000 hồ đập thủy lợi mức nước đã ở ngưỡng cao nhất. Theo đó, các địa phương cần theo dõi sát diễn biến của mưa lũ, đồng thời các bộ, ngành cần phối hợp thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng về các phương án đối phó với mưa lũ lần này. Đảm bảo an toàn các hồ đập, di dời người dân đến nơi an toàn không được chậm trễ, chủ động và phối hợp để đảm bảo an toàn hồ đập và người dân vùng hạ du". |
|