Không ít kẻ xấu bụng đã buông lời đàm tiếu, dị nghị về việc làm được xem như “gàn dở” của ông. Nhưng mặc cho ai nói, ông vẫn chẳng quản ngại, khó khăn và vất vả để tìm lại niềm vui cho những con người kém may mắn hơn mình.
Chúng tôi ghé thăm ngôi nhà của ông Phạm Văn Nhẫn (SN 1963) nằm gọn bên QL1A thuộc thôn Chi Ngôn, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) vào một buổi sáng trời mưa tầm tã. Trong bộ áo quần loang lổ vết dầu mỡ, khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, người đàn ông ấy vẫn cần mẫn, tỉ mỉ sửa chiếc xe đạp cho khách hàng.
Duyên trời định
Sinh ra đã sớm mồ côi nên cậu bé Phạm Văn Nhẫn sống cùng ông bà ngoại. Lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương, cậu được ông bà thay cha mẹ chăm bẵm và cho ăn học. Hết lớp 7, Nhẫn tình nguyện đi bộ đội. Mãi đến năm 1981, ông được về phép và cưới người con gái làng bên cùng cảnh ngộ tên là Đào Thị Lam (SN 1960). Lam lũ, vất vả quanh năm nhưng cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ ở vùng quê chiêm trũng cũng chẳng khấm khá được gì. Hai năm sau, để dễ bề làm ăn, ông cùng vợ chuyển lên cạnh QL1A và làm thêm nghề sửa xe đạp. Không ngờ, sự thay đổi này cũng là cơ duyên của ông với những người lang thang, cơ nhỡ.
Và cái duyên của ông với việc làm “gàn dở” này cũng chỉ là sự tình cờ mà ông trời sắp đặt. Đó là một buổi chiều năm 1984, lúc hai vợ chồng ông đang phơi rơm thì thấy có đứa bé chừng 5 tuổi vừa đi vừa khóc ngoài đường. Không đắn đo, ông vội chạy ra dỗ dành, đưa vào nhà tắm rửa sạch sẽ, cho ăn uống rồi dò hỏi đường để đưa về. Mấy ngày ròng rã, ông bỏ công việc, chở đứa bé đi những vùng lân cận nhưng không có kết quả. Không nản chí, ông tiếp tục đưa lên xã trên gần khu vực Cầu Khuất cách đó khoảng 10km thì bắt gặp một ông già đang khóc gọi cháu. Hai ông cháu gặp nhau mừng mừng, tủi tủi và rối rít cảm ơn ông Nhẫn.
Ngẫm thấy mình làm được một việc có ý nghĩa, người đàn ông này thấy vui vui. Rồi ngay buổi sáng hôm sau, như duyên định, ông lại gặp một người đàn bà đầu tóc rũ rượi, lúc khóc lúc cười như điên dại. Thấy bà ta đi thất thần trên đường quốc lộ dễ nguy hiểm, ông đưa về nhà bảo vợ tắm rửa rồi cho ăn uống. “Khi ấy, trông người phụ nữ kia yếu ớt, mặt xanh như tàu lá, tôi phải đi gọi y tá tới truyền nước và cưu mang. Mãi hai tháng sau, tôi mới liên hệ được gia đình tới đón. Họ có cảm ơn và xin hậu tạ nhưng tôi từ chối, chỉ nhận tiền thuốc men”, ông Nhẫn trầm ngâm nhớ lại.
Ông Nhẫn (ở giữa) cùng vợ và người đàn ông điên “nhặt” được.
Từ đó trở đi, như duyên số trời định, số người điên, dở hơi ông gặp ngày càng nhiều. Hễ đi đường gặp hay ai báo tin có người điên, lang thang ở đâu, ông lại đến đón đưa về nhà cưu mang, chăm sóc và giúp họ tìm lại người thân, gia đình. Những người được ông cứu giúp không chỉ trong tỉnh Hà Nam mà khắp trong Nam, ngoài Bắc. Ông cho biết, những người lang thang nhiều nhất là ở Thanh Hóa, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Lạng Sơn,... có trường hợp tận TP. Hồ Chí Minh.
Thương người hơn chính bản thân
Chồng sửa xe đạp, vợ làm mấy sào ruộng và chăn nuôi, ba đứa con lại đang tuổi ăn học nên chuyện bỏ công, bỏ việc để đi “nhặt” những người điên, lang thang về nuôi khiến không ít người xung quanh đàm tiếu, dị nghị. Có người còn bảo ông là “Nhẫn gàn”. Ông mặc kệ. Với ông, còn hạnh phúc nào bằng khi “làm phúc cứu người”. Ông tâm sự: “Ngày xưa tôi cũng nghèo, cũng khổ, cũng thiệt thòi vì không có được tình thương của cha mẹ nhưng cuộc sống của những người lang thang, cơ nhỡ còn khổ hơn mình gấp nhiều lần. Cuộc sống của gia đình tôi cũng chẳng dư giả gì nhưng tôi sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ họ được tìm về mái ấm gia đình”.
Theo lời kể của ông, trường hợp khiến bản thân thấy trăn trở, xót xa và nhớ nhất là ông Trần Văn Cường ở thị trấn Vôi (Bắc Giang), người hiện nay vẫn sống cùng gia đình ông đã 4 năm. Ngậm điều thuốc suy tư, ông Nhẫn nói: “Hôm ấy là một đêm hè oi nóng, vợ chồng tôi đang yên giấc bổng nghe tiếng chai lọ vỡ từ bên ngoài dội vào. Biết có chuyện không hay, tôi liền cầm đèn soi ra đường quốc lộ thì thấy một người đàn ông đang cầm chiếc chai vỡ, máu me bê bết và vừa đi vừa chửi bới. Biết là người điên, tôi liền ra dùng lời nhỏ nhẹ khuyên nhủ, dìu ông ấy vào nhà lau chùi, băng bó vết thương cho ông ta rồi bảo vợ lấy cơm nguội cho ăn uống.
Trời đã khuya nên tôi thu xếp cho ông ta chỗ ngủ rồi tiếp tục lên giường chợp mắt để mai tính tiếp. Nào ngờ, sáng tỉnh dậy thì chẳng thấy ông ấy đâu. Trời mưa to, tôi lo sợ có chuyện gì không hay xảy đến với ông ấy nên vội vã đi tìm. Sau đó, phát hiện ra ông ấy đang co ro trong bụi chuối và lại đưa về nhà chăm”.
Bốn năm qua, đôi vợ chồng tốt bụng này đã xem ông Cường như người thân trong gia đình. Có bữa, ông Nhẫn bảo ngồi xuống ăn cơm cùng gia đình nhưng ông Cường không chịu và bê tô cơm ra chỗ khác ngồi. Giờ thì hằng ngày, ông Cường có thể làm những việc vặt trong nhà như quét sân, làm bạn cùng đàn gà, bồ câu...
Nếu ngày trước còn những lời gièm pha về việc làm của ông thì giờ đây họ cũng phải nể phục vì tấm lòng nhân ái của ông. Vì thế, chuyện ông “Nhẫn gàn” đi nhặt và cưu mang người điên càng vang xa. Hễ có người điên dại, lang thang ngoài đường thì người dân quanh vùng, thậm chí cả những người ngoại tỉnh cũng gọi điện báo cho ông Nhẫn. Bất kể ngày hay đêm, mùa hè hay đông giá, ông cũng không ngần ngại tới đưa họ về nhà, cứ như đi đón người thân trong gia đình.
“Đến bây giờ tôi cũng không nhớ nổi mình đã gọi bao nhiêu cuộc điện thoại qua tổng đài 1080 của các tỉnh để dò tìm địa chỉ, cung cấp thông tin những người bị thất lạc, từ đó có thể biết được địa chỉ gia đình của họ. Thấy người ta hạnh phúc, mình cũng phấn khởi vì lại giúp thêm một người, một gia đình lại được sum vầy”, ông Nhẫn khề khà nói.
Hiện giờ, trung bình mỗi tháng có 3 đến 4 trường hợp được ông cưu mang. Không những giúp người điên dại tìm được mái ấm gia đình, ông Nhẫn còn nhận cấp cứu những trường hợp bị tai nạn giao thông khác trên tuyến đường quốc lộ này.
Chắc con dưới suối vàng cũng hiểu và cảm thông
Khi được hỏi: “Có bao giờ bác tính chuyện sẽ từ bỏ việc làm cưu mang, giúp đỡ người điên chưa?”, thì giọng ông Nhẫn chợt chùng xuống. Ông kể, cậu con trai cả của ông đã ra đi mãi mãi trong một lần giúp ông tìm một người điên bỏ nhà đi. Đó là một kỷ niệm đau thương mà đã lâu lắm rồi, vợ chồng ông vẫn chưa thể nào nguôi ngoai được.
Năm 2004, khi con trai vừa xuất ngũ trở về, ông đang tính cho con học nghề sửa chữa xe máy thì tai họa ập đến. Ngày đó, có đứa trẻ 10 tuổi đang được ông cưu mang thì bỗng dưng bỏ đi trước khi được gia đình từ Quảng Ngãi ra đón về. Cả nhà ông vội vã chia nhau đi tìm. Đến tối hôm đó, khi vừa tìm được đứa trẻ cũng là lúc ông phải chứng kiến cái chết thương tâm của người con trai dưới bánh xe taxi. Lúc ấy, có người độc miệng còn bảo: “Nếu không làm việc đó thì đâu mất con”, khi đó ông đã có ý định từ bỏ công việc “điên khùng” này. Nhưng cứ ra đường lại thấy những trường hợp lang thang, cơ nhỡ, ông lại không thể bỏ mặc. Và trong thâm tâm của mình, ông tin rằng cậu con trai dưới suối vàng cũng sẽ thông cảm và ủng hộ cho ông tiếp tục làm công việc đầy ý nghĩa nhân văn này.
Hơn 30 năm “làm phúc cứu người”, ông đã có những niềm vui nho nhỏ khi cậu bé ngày nào đã đưa ông đến với việc làm này, đã có gia đình riêng với hai đứa con kháu khỉnh và nhận ông làm bố nuôi. Ông khoe rằng giờ ông có con ở khắp trong Nam, ngoài Bắc. Dù vậy, ông chỉ đau đáu một điều: “Mong muốn lớn nhất của tôi lúc này là em gái của ông Cường trong miền Nam sớm ra nhận anh về, còn nếu không được thì cũng làm thủ tục pháp lý để tôi nhập khẩu vào gia đình tôi”.
Được nhận giấy khen của Chủ tịch tỉnh vì hành động cao cả Việc làm của người bộ đội Cụ Hồ - Phạm Văn Nhẫn đã được các cấp, chính quyền địa phương ghi nhận. Đầu năm 2013 vừa qua, ông đã vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam vì: “Đã có thành tích trong hoạt động nhân đạo và từ thiện”. |
Duy Ngợi - Khánh Ly