“Được nhiều hơn mất”
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, GS. TSKH Nguyễn Mại (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư, một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng cơ chế thu hút FDI của Việt Nam) cho rằng sau 30 năm thu hút nguồn lực FDI, chúng ta được nhiều hơn mất.
Cụ thể, FDI đã tạo ra khoảng 22 – 25% tổng vốn đầu tư xã hội tính từ năm 1991 đến 2017, tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng 161 tỉ USD. FDI chiếm khoảng 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Những công trình lớn nhất của chúng ta từ điện nước, sắt thép, hóa dầu… đều của FDI hết.
Cái được thứ hai, theo GS Nguyễn Mại, FDI tạo ra các ngành nghề mới trong xã hội, nâng cao tay nghề năng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam. Rõ ràng từ dầu khí cho đến điện tử thì đến giờ FDI chiếm tỉ trọng lớn, đặc biệt những ngành nghề có công nghệ hiện đại.
Cái được thứ ba là FDI tạo ra sự dịch chuyển các ngành nghề trong xã hội. Ví dụ như trước đây Bắc Ninh chủ yếu sản xuất nông nghiệp thì từ hồi có Samsung và một số DN FDI thì đã có sự dịch chuyển ngành nghề: hiện nay 82% ngành nghề của Bắc Ninh là công nghiệp và dịch vụ.
Cái được thứ tư là FDI tạo ra phương thức sản xuất, phương thức phân phối, phương thức tiêu dùng hiện đại trong xã hội. Bây giờ chúng ta ngồi một chỗ có thể được thụ hưởng dịch vụ ngân hàng, dịch vụ chuyển nhà trọn gói… như ở Mỹ ở Pháp.
“Còn về cái mất thì tôi thừa nhận cũng có, nhưng không nhiều bằng cái được. Ví dụ như sự cố Vedan “đầu độc” sông thị Vải, sự cố Formosa làm ô nhiễm biển miền Trung thời gian qua… Nhưng tôi nghĩ gây tác động môi trường thì không chỉ doanh nghiệp nước ngoài mà cả doanh nghiệp trong nước cũng có. Vấn đề môi trường là vấn đề toàn cầu, nó phản ánh cuộc đấu tranh của Nhà nước để hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích cộng đồng. Chừng nào nhà nước không đủ sức giám sát thì sự cố môi trường còn xảy ra, đây không phải là câu chuyện riêng của FDI mà là câu chuyện chung của kinh tế thị trường” – GS Nguyễn Mại nói
Nhìn lại để điều chỉnh
Hiện nay FDI chiếm đến 70,2% kim ngạch xuất khẩu, thị phần xuất khẩu của DN trong nước là 29,8%.Từ con số này, có một số luồng ý kiến còn cho rằng FDI đang chèn ép doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng GS Nguyễn Mại cho rằng nhận định này là không có cơ sở.
Ông Nguyễn Mại cho rằng,hiện nay mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là hàng chế tạo, trong đó bao gồm hàng điện tử, điện thoại thông minh, máy tính bảng… mà chúng ta xuất khẩu nguyên liệu là chủ yếu.
“Như vậy có thể thấy không doanh nghiệp trong nước nào có thể làm thay cho Samsung. Samsung hiện nay xuất khẩu khoảng 50 tỉ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, họ chẳng chèn ép ai và cũng chẳng ai chèn ép được họ về mặt này. Hay nói cách khác, nếu không có Samsung xuất khẩu 50 tỉ USD thì không có 50 tỉ USD này. Dệt may cũng vậy, nếu không có Nike, thì làm gì có xuất khẩu dệt may năm nay khoảng 30 tỉ USD? Doanh nghiệp dệt may trong nước chỉ gia công thì chắc chắn không thể có con số này?
8 tháng đầu năm chúng ta có 2 con số quan tâm: FDI xuất siêu 14 tỉ USD nhưng nhập siêu 16 tỉ USD và như thế 8 tháng đầu năm chỉ xuất siêu 2 tỉ USD. Nếu như không có 14 tỉ USD xuất siêu thì lấy đâu 16 tỉ USD nhập siêu của DN trong nước? Và không có nhập siêu thì lấy đâu máy mcó thiết bị hiện đại để sản xuất mà xuất siêu? Như vậy theo tôi FDI chẳng những không chèn ép mà còn hỗ trợ DN trong nước rất nhiều” – ông Nguyễn Mại nói..
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài cũng cho rằng hiện nay FDI chưa thật sự trở thành nguồn lực bền vững do công nghiệp hỗ trợ trong nước còn kém phát triển. Để khắc phục điều này, ông cho rằng chúng ta nên có một đánh giá tổng quát xem DN Việt Nam có thể tham gia những khâu nào trong chuỗi giá trị toàn cầu để từ đó có định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Cho rằng hiệu ứng lan tỏa của công nghệ FDI còn chưa cao tuy nhiên GS Nguyễn Mại cũng phản đối quan điểm cho rằng FDI không đem lại công nghệ nào đáng kể, phần lớn là công nghệ trung bình, chỉ có 5-6% là công nghệ hiện đại…
“Tôi không hiểu những con số đó người ta lấy ở đâu. Ai đưa ra con số thống kê 85% là công nghệ trung bình, chỉ 5% là công nghệ hiện đại? Theo tôi không có con số thống kê công nghệ chung chung mà chỉ có công nghệ trong từng ngành, trong lĩnh vực. Ví dụ lĩnh vực dầu khí, ai đó có thể nói công nghệ khai thác thăm dò dầu khí của ta thua Trung Quốc chứ tôi thì không đồng ý. Bởi vì ngay từ khi các nhà đầu tư đưa Shell, BP… vào Việt Nam là đã đưa những công nghệ thăm dò khai thác hàng đầu thế giới vào thềm lục địa Việt Nam và Petro Việt Nam đã được thừa hưởng những công nghệ ấy và hiện nay Petro Việt Nam là một nhà thầu bắt đầu xuất hiện ra thế giới. Không có FDI làm sao sao có công nghệ khai thác dầu khí như vậy.
Trong lĩnh vực viễn thông, trước đây công nghệ viễn thông của ta lạc hậu, cước phí đắt vào bậc nhất thế giới, bây giờ đã khác trước nhiều. Công nghệ 4G, chuẩn bị 5G Việt nam đi rất nhanh trong ASEAN…
Trong lĩnh vực dịch vụ, dịch vụ ngân hàng của ta phát triển như hiện nay là do cán bộ ngân hàng được đào tạo từ ngân hàng nước ngoài và công nghệ hiện đại nhẩ của ngân hàng thế giới, người VN hiện nay được sử dụng dịch vụ ngân hàng không thua kém gì thế giới - ông Mại nói.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia hàng đầu về FDI, bất cập lớn nhất của chúng ta hiện nay là thay đổi định hướng còn chậm. Ví dụ như thời gian vừa qua có những dự án FDI có giá trị khoảng 1 – 2 triệu USD (khoảng 23 tỉ đồng) là quá nhỏ, doanh nghiệp trong nước thừa sức làm, không cần phải thu hút FDI. Việt Nam hiện nay hơn 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng vay vốn ngân hàng quy định chủ yếu vẫn phải dựa vào bất động sản là một quy định không hợp lý...