Nôm na là các “ông đồng bà cốt” được xem là có khả năng làm “giao liên” giữa người sống với người chết, trong những buổi “lên đồng”.
Vào các năm bầu cử ở Hàn, các “mudang” nổi tiếng đều kín “lịch lên đồng”. Các chính khách dù theo đạo Phật hay đạo Thiên Chúa đều đến nhờ cậy họ, ví dụ nhờ cải táng mộ người thân để có thể trúng cử. Các “mudang” không bác bỏ tôn giáo nào, kết hợp các tín ngưỡng và rất mau thích hợp với sự thay đổi của xã hội. Quản thủ Yang Jong Sung của Bảo tàng dân gian Hàn Quốc nói ngay cả tín đồ Thiên Chúa cũng lên núi ban đêm, để “kính xin” thần thánh ban ơn cho con họ đậu đại học, chồng họ trúng được hợp đồng làm ăn lớn…
Ngay tại Seoul có khoảng 300 “am” của các “ông đồng bà cốt” này trên những ngọn đồi chỉ cách trung tâm thành phố chưa đầy 1 giờ xe. Theo Hiệp hội cúng bái Hàn (tổ chức của các mudang) thì hiện có khoảng 300.000 pháp sư hoặc cứ 160 người dân thì 1 là “mudang”. Đa số là nữ, hoạt động độc lập, tin những vị thần khác nhau, nhưng sử dụng chung những câu bùa chú. Họ cũng thích ứng với thời hiện đại như lập các địa chỉ web để “cung cấp dịch vụ bói toán qua mạng”. Nhiều mudang trẻ cũng có trang blog!
Pháp sư Jin Sun-mi làm lễ.
Làm lễ cầu an
Mỗi thứ bảy, khoảng 20 “đồng cốt” gặp nhau tại một điểm gần Tòa thị chính để làm lễ cầu an cho hồn các phụ nữ mà lúc còn sống bị buộc làm nô lệ tình dục cho lính Nhật Bản thời Thế chiến 2. Họ treo tấm bảng ghi tên 181 nạn nhân đã chết thời gian gần đây. Trên bàn thờ là mâm quả và những cây nhang tỏa khói nghi ngút. Các lễ hay những buổi “lên đồng” này gọi là “gut”, thường do tín chủ “đặt hàng”, và “đồng cốt” thường dâng cúng một con heo quay cho các vị thần thánh, cầm những khẩu súng đồ chơi để an ủi linh hồn một đứa trẻ chết yểu, và họ “hù” quỷ sứ bằng cách đi chân trần trên những lưỡi dao nhọn hoắt… trước sự chứng kiến của các thân chủ. “Ông đồng” Kim Sang-soon, thành viên Hiệp hội bảo tồn Gut tỉnh Hwanghae (HGPA) cho biết: ngày nay, lễ này tập trung vào việc cầu an cho các nạn nhân, chứ không tha thứ cho kẻ gây tội ác cho người chết và “đâm một mũi lao vào tim người còn sống”.
HGPA là một tổ chức tư nhân muốn bảo tồn “gut” ở tỉnh Hwanghae (nay thuộc CHDCND Triều Tiên) hằng năm đều cầu an cho các nô lệ tình dục kể từ năm 1990. Trong lần “lên đồng” đầu tiên ngày 13.7 năm ấy ở Seoul, 8 “đồng cốt” đã mơ thấy những cô gái đau khổ và họ cho rằng đó là hồn những nạn nhân vẫn còn luyến lưu cõi trần vì lúc còn sống, họ không được cơ hội sống đời thiếu nữ tỏa hết nét xuân thì.
Pháp sư Yang Soon-im luôn có khách
Đảm nhận “nhập vong”
“Bà cốt” Yang Soon Im cùng hai “cộng sự” mất hàng giờ “lên đồng”, để giúp một thân chủ là nữ y tá 51 tuổi muốn ly dị ông chồng ưa thói lăng nhăng. Nhưng bà Yang lại hứa giúp cặp này hòa giải, với giá 5 triệu won (5.400 USD). Khi Yang “lên đồng” - hay gọi là “nhập vong” tức hồn người chết nhập vào xác đồng - Yang phán: ông chồng đã “hóa thành một con bướm ngựa hút tủy sống của vợ”, hai vợ chồng gấu ó vì vợ bị đứa con “ám” từ khi bị mẹ phá thai, một người chú cũng “ám” sau khi tự sát và còn do… một cái giếng bị vợ chồng bà y tá lấp từ nhiều năm trước…”. Bà cốt” hét vào mặt bà khách: “Bà dám dùng súng hãm thanh giết chồng nữa đấy. Nhưng hãy nhớ: cái con vật gọi là người luôn trở về với vợ, cũng như con chó đi hoang vẫn quay về nhà. Các linh hồn nói lần này sẽ giúp bà”. Sau đó hai người phụ nữ ôm nhau khóc, khi người mẹ quá cố của bà khách “hiện về nói chuyện”, trong lúc “cộng sự” Chung Joon Ha 42 tuổi (cựu trung sĩ quân đội Hàn) múa chân trần trên những lưỡi dao bén, miệng ngậm một tảng thịt heo sống. Khi “lai tỉnh”, ông này nói: “Chúng tôi như một cái bệnh viện, chữa trị sự xui rủi cho người ta”…
Yang khoe từ lúc 7 tuổi đã tiếp xúc với những vị sơn thần hoặc hồn ma những người lính. Nhưng bà chỉ thật sự trở thành “mudang” để làm “cầu nối” giữa người chết với người sống hồi 25 năm trước, khi đứa con trai của bà vẫn sống sau lần bị đâm dao tưởng chết. Bà kể hồi nhỏ thường nói “nhăng cuội”, gia đình chẳng ai hiểu nổi, nên bố mẹ bà không cho đi học nữa, nhốt trong nhà. Cô bé trốn lên đồi để “nói một mình” cũng bị đánh, cho đến khi một mudang nói Yang “có số làm mudang”. Bà nội liền xây cho cháu gái một cái “am”, Yang dần nổi tiếng và thường được “cõng” qua các làng khác xem bói. Cô bé được trả công bằng lúa hoặc kẹo nhưng ông bố vất hết.
Pháp sư Kim Myung-soon làm lễ cúng heo dâng thần thánh.
Khi Yang lấy chồng hồi 38 năm trước, bà cũng muốn thôi làm mudang, nhưng con bò trong nhà lăn ra chết rồi ngôi nhà bị sụp một cách bí ẩn. Thế là hai vợ chồng quyết định lên thủ đô. Tại Seoul, Yang phải đi rửa chén cho các nhà hàng ăn, nhưng bà thường thức và khóc lúc rạng sáng: “Các linh hồn không từ bỏ tôi”. Chồng bà là Choi Jong Sam 62 tuổi, kể chuyện vợ ông lúc 4 giờ sáng thường lên mái nhà “hát” ông ổng, cầm 4 gói thuốc lá vái tứ phương là cách để bà “cảm ơn” các sơn thần ban phép lạ cứu sống đứa con trai. Ông phải “vả” vào mặt vợ để bà “lai tỉnh” nhưng “Lúc đó mắt mụ vợ tôi tóe lửa như một con chó dại sắp cắn người”. Điều chẳng cản Yang 60 tuổi đang là “bà cốt” nhiều thân chủ nhất Seoul. Một ngày bà có thể “bận lên đồng” ba lần, ở những nơi kín đáo vì thân chủ chẳng muốn cho người thân biết. Mỗi tháng bà chỉ “ngơi” 3 ngày.
Hầu hết các “cầu nối” âm- dương khẳng định họ tự phát hiện khả năng từ sau khi trải qua một căn bệnh nặng. Họ cho rằng các linh hồn - của những người thân qua đời hoặc hồn một con cáo ẩn mình trong vùng núi sau ngôi làng, hoặc là một gốc cây cổ thụ, thậm chí hồn của một lò gốm - hiện diện khắp nơi, “giao lưu” với người sống và tác động đến số phận người sống. Vì thế, khi người Hàn có nếp nghĩ cổ hủ bị bệnh hoặc bị xui xẻo trong chuyện làm ăn hoặc con gái ế chồng, họ đều “tư vấn” các “mudang”. Kim Hong Kyung 33 tuổi là “khách mối” của Yang, nói: “Nếu tôi tiếp xúc với một người đàn ông bị ung thư dạ dày, tôi bị đau bụng suốt nhiều ngày. Nếu tôi gặp một bà chết lúc đẻ con, bụng tôi cũng phình như có chửa”. “Bà cốt” Kim Myung Soon 41 tuổi vừa tay không bứt đầu một con gà sống để tế, vừa khàn giọng: “Thiên nhiên giờ bị phá nhiều quá. Hồn cây hồn đá đều mất chỗ ở nên ám người sống. Thế mới hiểu vì sao đất nước nay loạn quá”.
Trò “ông đồng bà cốt” ở Hàn có nguồn cội từ thế kỷ 19, nhưng rồi bị các nhà truyền giáo đạo Thiên Chúa phá, rồi phải “hoạt động chui” thời bị Nhật đô hộ. Sau đó các chế độ quân sự Hàn gọi trò này là mê tín dị đoan, cấm hoạt động và đốt các “am”. Nhưng ngày nay, cả người xem là mê tín dị đoan cũng thừa nhận trò này giữ một phần quan trọng trong việc tái lập bản sắc văn hóa Triều Tiên, do nó bảo tồn được các dạng thức âm nhạc, điệu múa và trang phục truyền thống. Seoul gần đây cũng tổng hợp các tài liệu và xem những lễ nghi là “các tài sản văn hóa phi vật thể”, nên mudang lại nổi lên thành một bản sắc văn hóa của cả Hàn và CHDCND Triều Tiên. Theo giáo sư Hong Tea Han của Đại học Chung Ang ở Seoul chuyên nghiên cứu về mudang, các pháp sư thờ khoảng 273 vị thần thánh, từ Đức Jesus, Bà Maria của đạo Thiên Chúa cho đến cố độc tài quân sự Park Chung Hee hoặc… tướng Mỹ Douglas MacArthur. Khi ông tướng này “nhập” vào họ, các mutang cũng đeo kính mát, ngậm tẩu và nói “xì lô xì là” gì đó nhưng “khách tin như sấm” rằng “ông tướng đang nói tiếng Anh” với họ. Một mudang kể 10-15 năm trước còn có vài “đồng nghiệp” đến lạy tượng MacArthur ở thành phố cảng Incheon. |
Theo Dòng đời