Sau 32 giờ dốc sức tìm kiếm, không ngại gian khó, hiểm nguy, đến ngày 19/10 lực lượng tìm kiếm đã tiếp cận vị trí máy bay rơi, tìm thấy thi thể của 3 nạn nhân và đưa xuống núi.
Máy bay gặp nạn, hàng trăm người băng rừng tìm đồng đội
Sáng 18/10, sau khi nhận thông tin phi hành đoàn (gồm đại úy Dương Lê Minh, trung úy Nguyễn Văn Tùng, trung úy Đặng Đình Duy) cùng chiếc trực thăng EC-130T2 mang số hiệu 8632 đã mất tích tại khu vực núi Dinh (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), các lực lượng chức năng đã được điều động để tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Thời điểm này, UBND xã Kim Dinh, TP.Bà Rịa được sử dụng để làm địa điểm họp bàn phương án tác chiến, tìm ra hướng cứu hộ cứu nạn, tiếp cận vị trí máy bay rơi.
Ngoài các cán bộ, chiến sĩ thuộc Ban chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Ban chỉ huy quân sự TP.Bà Rịa, Ban chỉ huy quân sự huyện Tân Thành, còn có nhiều người dân tham gia công tác tìm kiếm máy bay rơi.
Chiều cùng ngày, Thượng tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cùng nhiều lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã đến hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ, điều tra vụ việc.
Tại hiện trường, theo chỉ đạo, công tác cứu hộ phải khẩn trương nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Song song đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện chỉ đạo, yêu cầu Bộ Quốc phòng tập trung tìm mọi biện pháp và huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tìm kiếm cứu nạn.
Do địa hình rất phức tạp và nguy hiểm, những người tham gia cứu hộ phải đi theo tổ khoảng 10 – 20 người, mỗi người được trang bị đầy đủ các dụng cụ như đèn pin, dao lớn. Ngoài ra, mỗi tổ cứu nạn cứu hộ sẽ có các ‘liên lạc viên’ đi chung để chỉ huy, nắm tình hình cụ thể.
Cũng do mưa lớn, đường rừng trơn trượt, nên công tác cứu nạn bị tạm ngưng vào 19 giờ 30 phút cùng ngày, tiếp tục vào sáng 19/10.
6 giờ sáng 19/10, dù núi Dinh bị che khuất bởi mây mù, trời âm u, che hẹp tầm nhìn nhưng hàng trăm chiến sĩ vẫn tiếp tục lên đường cứu nạn theo 4 hướng.
Khoảng 11 giờ 30 phút, lực lượng tìm kiếm chỉ cách khu vực máy bay rơi khoảng 50m. Đến 11 giờ 45 tin báo về, họ đã tìm thấy xác máy bay ở động Bao Quan và cạnh đó là thi thể của 3 sỹ quan còn nguyên vẹn. 12 giờ 30 phút nhiều quân chi viện tiếp tục đến hỗ trợ đưa các thi thể xuống núi.
15 giờ 20 phút cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã đưa thi thể 3 người xuống núi. Chỉ vài phút sau, xe của Bộ Quốc phòng đã đưa thi thể của 3 đồng chí này về bệnh viện 175 (TP.HCM).
Nghẹn ngào giây phút nhìn thấy xác máy bay
Trong đoàn người tìm kiếm cứu nạn vào sáng 19/10, chúng tôi khá ấn tượng với 3 người phụ nữ, vì không ngại gian khổ, băng rừng tìm kiếm máy bay gặp nạn. Trong 3 người phụ nữ ấy, có chị Trần Thị Thu (Bí thư chi bộ ấp 4, xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Trước khi lên núi tìm kiếm xác máy bay, chúng tôi có hỏi chuyện, tuy nhiên chị Thu nói thẳng “Đã làm được gì đâu mà nói, để chúng tôi lên núi đã rồi có gì xuống sẽ chia sẻ sau” và thế là chị hòa vào dòng người lên núi.
Được biết, chị Thu chính là một trong những người đầu tiên nhìn thấy chiếc máy bay gặp nạn ở đỉnh Bao Quan.
Chị Thu chia sẻ với báo chí: “Nhóm chúng tôi cũng khá thuộc địa bàn núi Dinh. Cả nhóm đi được đến lưng chừng núi thì rẽ sang hướng động Bao Quan. Tại khu vực Bao Quan mọi người chia nhóm nhỏ ra tìm vì đây được xác định là khu vực máy bay rơi. Nhưng do cây tốt, đường trơn trượt nên phải đi chậm. Bất ngờ tôi và một anh trong tổ phát hiện mảnh vỡ màu đỏ nghi của máy bay nên tiến lại xem thì đã phát hiện ra một thi thể”, chị Thu nhớ lại.
Theo chị Thu, chỉ huy nhóm của chị là thượng tá Trần Văn Cư, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Tân Thành, đang đứng cách chị khoảng 50m, khi nghe chị hét lớn nên đã chạy đến.
“Lúc này chúng tôi vẫn hi vọng, nhưng khi đội ngũ bác sĩ tiếp cận 3 phi công thì họ đã hi sinh rồi. Dù đã tìm thấy, nhưng nhiều giờ đồng hồ sau chúng tôi mới có thể đưa được các anh xuống núi do địa hình dốc, trơn, hiểm trở”, chị Thu nói thêm.
Nguyễn Nhâm