Chính phủ Nhật hôm 24/10/2013 ra thông báo như vậy. Các lực lượng hải quân và không quân nước này sẽ tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn nhằm tăng cường khả năng bảo vệ biển đảo.
Tàu đổ bộ JS Hyuga vừa hạ thủy năm 2011 sẽ tham gia cuộc tập trận
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật cho biết, cuộc tập trận sẽ bắt đầu từ ngày 01/11 đến ngày 18/11. Các lực lượng tham gia tập trận gồm hải quân và không quân sẽ có các bài tập đổ bộ lên đảo Okidaitojima, cách đảo chính Okinawa 400 km về phía đông nam. Các máy bay chiến đấu F-2 và khu trục hạm cũng sẽ thực hiện các bài tập bắn đạn thật.
Theo các giới chức quốc phòng Nhật, cuộc tập trận lớn này nhằm “duy trì và nâng cao khả năng tác chiến của Lực lượng Phòng vệ Nhật” trong trường hợp bị tấn công.
Năm 2011, Nhật Bản cũng đã tổ chức một cuộc tập trận lớn với sự tham gia của 35.000 quân, nhưng trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền biển đảo với Bắc Kinh không căng thẳng như hiện nay.
Máy bay chiến đấu F-2 trong biên chế Không quân Nhật Bản
Quan hệ Tokyo và Bắc Kinh trở nên căng thẳng từ tháng 9/2012, khi các tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku bùng phát dữ dội, đặc biệt sau khi Nhật quốc hữu hóa một số đảo trong quần đảo do Tokyo quản lý, nhưng Trung Quốc vẫn đòi chủ quyền. Từ đó đến nay, Trung Quốc vẫn thường xuyên đưa tàu tuần duyên hay thi thoảng cả máy bay vào khu vực có tranh chấp chủ quyền này.
Từ khi lên nắm quyền cuối tháng 12/2012 tại Nhật, Thủ tướng Shinzo Abe đã nhiều lần tỏ thái độ cứng rắn, kiên quyết không nhượng bộ trên vấn đề chủ quyền biển đảo, đặc biệt là đối với Bắc Kinh trong tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Ngoài Bắc Kinh, Tokyo còn có những tranh chấp chủ quyền với Seoul trên hòn đảo nhỏ được Nhật gọi là Takeshima và Hàn Quốc gọi là Dokdo, hiện do Seoul kiểm soát.
Để tỏ rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chính phủ Abe liên tục tìm cách tăng cường tiềm lực quốc phòng. Lần đầu tiên từ hơn một thập kỷ qua, chính phủ Nhật đã thông qua tăng ngân sách quân sự lên 52 tỷ USD. Ngoài ra, Tokyo cũng thông báo ý định thành lập một đơn vị đặc biệt gồm 600 người và 12 tàu chiến chuyên giám sát bảo vệ quần đảo Senkaku.
Những căng thẳng giữa hai cường quốc láng giềng Châu Á, kéo theo cuộc chạy đua vũ trang khiến nhiều nước không khỏi lo ngại khả năng xảy ra xung đột vũ trang.
Phong Nhĩ