Một liên minh gồm 35 tổ chức phi chính phủ (NGO) hôm 14/9 đã gửi thư ngỏ đề nghị Ngân hàng Trung Quốc (BoC), một nhà đầu tư toàn cầu hàng đầu vào các nhà máy điện than, phải chấm dứt cấp vốn cho các dự án như vậy bên ngoài Trung Quốc, và thay vào đó hỗ trợ các dự án năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.
Lá thư ngỏ gửi tới Chủ tịch của BoC Liu Liange có chữ ký của các NGO từ 13 quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Âu, nêu bật sự chỉ trích ngày càng tăng đối với Trung Quốc về việc tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài, đặc biệt khi đó là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của nước này.
Trung Quốc đã cam kết sẽ tôn trọng quyền của các cộng đồng địa phương trong việc quyết định loại năng lượng mà họ cần.
Tuy nhiên, bức thư ngỏ, có chữ ký của các tổ chức từ một số quốc gia tham gia BRI của Trung Quốc, cho thấy sự phản đối ngày càng tăng đối với than đá ngay cả ở các quốc gia đang phát triển.
Tổng tài trợ của Ngân hàng Trung Quốc (BoC) ở nước ngoài cho các dự án nhiệt điện chạy bằng than, kể từ khi Thỏa thuận Paris ra đời năm 2015, đạt hơn 35 tỷ USD. Như vậy, BoC là nhà đầu tư than đá lớn nhất toàn cầu, và đang "lạc nhịp với tham vọng chống biến đổi khí hậu của Trung Quốc", bức thư viết.
Bức thư cho biết hơn 130 tổ chức tài chính đã quyết định hạn chế đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và thúc giục BoC làm theo.
BoC từ chối bình luận về vấn đề này.
Chủ tịch BoC cho biết hồi cuối tháng Tám rằng, Ngân hàng sẽ "giảm dần" tỉ trọng của tổng tín dụng cho các dự án điện than trong giai đoạn 2021-2025, nhưng cũng sẽ phát hành thêm các khoản vay cho nâng cấp kỹ thuật trong lĩnh vực này.
Hành động mới là quan trọng
Julien Vincent, Giám đốc điều hành của Market Forces, một tổ chức của Úc chuyên vận động chống lại việc tài trợ cho các dự án về nhiên liệu hóa thạch, cho biết hàng chục nhà máy nhiệt điện than trên khắp thế giới sẽ không thể tiếp tục hoạt động nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng.
Ông nói với Reuters: “Có sự thay đổi rõ rệt trong các phát ngôn của những người đứng đầu các tổ chức kinh doanh và tài chính của Trung Quốc. Nhưng điều thực sự quan trọng là hành động”.
Các tổ chức tài chính của Trung Quốc đang dần chuyển đổi khỏi than đá. Ngân hàng Công thương Trung Quốc, ngân hàng lớn nhất thế giới về tài sản, đã cam kết vạch ra một "lộ trình" để chuyển đổi khỏi các khoản đầu tư vào than đá.
Các khuyến nghị được công bố gần đây cũng kêu gọi Trung Quốc "hạn chế và dần dần chấm dứt" việc sử dụng công quỹ để đầu tư vào điện than ở nước ngoài, đồng thời khuyến khích các ngân hàng nhà nước của nước này thực hiện các cam kết tương tự.
Theo nghiên cứu do Tổ chức tư vấn châu Âu E3G công bố hôm 14/9, 44 quốc gia đã cam kết "không tài trợ cho các dự án than mới", với 1.175 GW công suất điện than bị hủy bỏ kể từ năm 2015.
Nghiên cứu cũng cho biết, nếu Trung Quốc đưa ra một cam kết tương tự, khoảng 55% trong tổng số các dự án nhiệt điện than mới được đề xuất trên thế giới sẽ bị hủy bỏ.
Minh Đức (Theo Reuters)