Khác với thái độ “dò mìn” từ phía Samsung, đại diện truyền thông hãng Asus lại khẳng định chắc nịch về sự an toàn ở các dòng smartphone của mình tại Việt Nam.
Theo đó, hiện tại Asus Việt Nam cũng như đại diện từ các nước khác cũng chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía khách hàng hay đơn vị về việc máy bị cài mã độc hoặc những vấn đề tương tự. Vì vậy, hãng cũng chưa thể đưa ra phản hồi xung quanh vấn đề này.
“Về lý thuyết, việc các dòng sản phẩm được phân phối tại Việt Nam chính hãng rất khó để có thể có một bên thứ 3 can thiệp vào phần mềm vì các sản phẩm đều được phân phối trực tiếp từ nguồn trụ sở”, đại diện của Asus Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh.
Asus cũng khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng sản phẩm được phân phối chính hãng để được hỗ trợ tốt nhất khi có những nghi vấn liên quan đến sự an toàn, bảo mật của máy cũng như những vấn đề có liên quan đến thiết bị. “Quan điểm của Asus là hỗ trợ khách hàng tối đa. Tuy nhiên, khách hàng cũng không nên mua những sản phẩm xách tay không rõ nguồn gốc. Với những sản phẩm này, Asus không đảm bảo rằng hoàn toàn không có vấn đề”, vị đại diện này cho biết thêm.
Trong cùng diễn biến liên quan đến sự kiện, mới đây, đại diện của hãng di động Oppo cũng đã chia sẻ thông tin với báo Người Đưa Tin. Đại diện hãng này tỏ ra thắc mắc về độ tin cậy của thông tin 36 thiết bị smartphone bị cài mã độc.
Đại diện hãng dẫn chứng, trong bài viết nguồn của hãng bảo mật Check Point có nói các sản phẩm bị nhiễm mã độc được phân phối bởi 2 công ty lớn chưa được tiết lộ (which are being distributed by two unidentifies companies). “Công ty đó là công ty nào? Chưa xác định thì làm sao biết công ty đó có uy tín và không liên quan đến vấn đề này? Vì sao sản phẩm qua tay công ty đó mới dính mã độc? Như vậy, có thể sau khi đến tay một bên thứ 3, 4 thì máy mới bị cài thêm vì ROM gốc không có bất kỳ yếu tố nào về mã độc”, đại diện Oppo đặt câu hỏi.
Người này cũng cho biết thêm, mã độc ảnh hưởng đến thiết bị và dữ liệu cá nhân chắc chắn sẽ khiến người dùng hoang mang. Tuy nhiên, bài viết gốc cũng không đưa được đầy đủ thông tin ngoại trừ tên các sản phẩm và tên 2 phần mềm. Báo cáo của Check Point cũng có nhiều nghi vấn và thiếu sót như số lượng máy nhiễm (nếu chỉ có 1/1 triệu máy ra thì con số này sẽ không có ý nghĩa), máy ở quốc gia, khu vực nào, lô hàng nào, đã qua tay các công ty khác (phân phối, nhà mạng, đại lý…) nào chưa?
“Và cũng như thông tin trong bài viết đề cập, đây chỉ là nghi vấn chứ chưa có kết luận điều tra của cơ quan có thẩm quyền liên quan”, đại diện Oppo chia sẻ, đồng thời từ chối trả lời các câu hỏi có liên quan về việc liệu sản phẩm của Oppo trên thị trường Việt Nam có khả năng bị cài mã độc hay không?
Trước đó, như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, hãng bảo mật Check Point vừa công bố bảng danh sách 36 mẫu smartphone bị nghi án cài sẵn mã độc trước khi đến tay người tiêu dùng. Theo đó, mã độc được cài sẵn trong quá trình phân phối của các sản phẩm chứ không được cài sẵn trong khi sản xuất. Check Point hiện cũng chưa công bố 2 công ty phân phối lớn có liên quan đến việc cài sẵn mã độc này.
Xem thêm:<<36 smartphone Android cao cấp 'dính án' bị cài sẵn phần mềm độc hại<<
Xem thêm:<<36 smartphone 'dính án' cài sẵn phần mềm độc hại: Khó gỡ, khó xử lý<<
Xem thêm: <<36 mẫu smartphone cài sẵn mã độc: Chiêu 'bẩn' của các nhà cung ứng<<
Đ.H