Thông tin trên Người Lao Động, trong buổi báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Trụ sở Chính phủ ngày 10/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết hiện đã có 37/63 tỉnh, thành phố đã chọn xong SGK lớp 4, 8, 11. Còn 26 địa phương đang đợi thẩm định giá từ Bộ Tài chính để quyết định lựa chọn.
Theo Hà Nội Mới, năm học 2023-2024 là năm học đầu tiên Chương trình giáo dục phổ thông được áp dụng với học sinh lớp 4, lớp 8 và lớp 11 trên cả nước. Từ tháng 12-2022, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa mới của các khối lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Căn cứ danh mục này, các địa phương tổ chức cho cán bộ, giáo viên các nhà trường tìm hiểu và lựa chọn sách từng môn cho phù hợp với điều kiện thực tế ở từng trường học, từng địa bàn. Các địa phương đều bảo đảm thực hiện quy trình chọn sách theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Bộ GD&ĐT nhận định, những khó khăn, bỡ ngỡ, lúng túng ban đầu trong việc chọn sách đã cơ bản được tháo gỡ. Việc lựa chọn sách giáo khoa công khai, minh bạch, đúng pháp luật, quy trình chặt chẽ. Trên cơ sở đề xuất từ tổ chuyên môn nhà trường, các sở GD&ĐT tổng hợp, chuyển hội đồng danh mục sách giáo khoa được các trường đề xuất lựa chọn. Hội đồng tổ chức lựa chọn sách giáo khoa được UBND tỉnh thành lập họp, thảo luận, đánh giá trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các trường đề xuất và bỏ phiếu kín lựa chọn.
Theo Vietnamnet, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã báo cáo về phương án điều chỉnh học phí năm học 2023-2024. Dự kiến đầu tháng 7, HĐND các địa phương sẽ thông qua mức học phí cho năm học mới. Đối với giáo dục đại học, các trường phải quyết định mức thu học phí, thông báo trước khi thí sinh đăng ký dự tuyển.
Phó thủ tướng đồng ý với phương án các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Đối với bậc học mầm non, phổ thông, việc điều chỉnh học phí do HĐND các tỉnh, thành phố quyết định theo điều kiện của địa phương.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT cần đánh giá rõ tác động xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến nhóm đối tượng chính sách, yếu thế, thậm chí không thể đi học do học phí tăng, từ đó, có phương án hỗ trợ cụ thể, "bảo đảm mục tiêu nhất quán trong thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông".
"Ở những khu vực có điều kiện kinh tế, cần thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích tự chủ đối với các cơ sở giáo dục công lập trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí giáo dục, dành ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng chính sách, yếu thế, ở vùng sâu, vùng xa", Phó thủ tướng nói và nêu rõ nguyên tắc "không giảm ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục".
Bộ GD&ĐT cũng cần tiếp tục nghiên cứu chính sách học phí toàn diện, bài bản, đảm bảo mục tiêu thực hiện xã hội hóa cũng như phổ cập giáo dục phổ thông.
Trúc Chi (t/h)