Đậu mùa khỉ là bệnh virus nhẹ thường xảy ra ở Trung và Tây Phi nhưng đợt bùng phát gần đây tại nhiều khu vực khác đã gây lo ngại. Tính đến ngày 25/5, Mỹ đã phát hiện 9 ca bệnh tại 7 tiểu bang trong khi Canada cùng ngày xuất hiện thêm 10 ca, nâng tổng số ca lên thành 26. Phần Lan ngày 27/5 cũng phát hiện ca bệnh đầu tiên. Hôm 28/5 (giờ Việt Nam), Argentina xác nhận 2 ca đầu tiên bệnh đậu mùa khỉ ở khu vực Mỹ Latinh.
Khoảng 200 ca nhiễm và hơn 100 ca nghi nhiễm đậu mùa khỉ đã được phát hiện ngoài khu vực truyền thống của bệnh này, Reuters dẫn thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Trong bối cảnh số ca mắc đậu mùa khỉ tiếp tục gia tăng, người dân cần nắm được những thông tin cơ bản cũng như cảnh giác trước một số thông tin sai lệch liên quan đến căn bệnh này. Dưới đây là một số hiểu nhầm phổ biến liên quan đến căn bệnh này:
Đậu mùa khỉ là virus mới
Virus đậu mùa khỉ thuộc chi Orthopoxvirus trong họ virus Poxviridae. Virus đậu mùa khỉ lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1958 khi 2 ổ dịch giống với đậu mùa xảy ra ở khỉ trong phòng thí nghiệm nghiên cứu. Do đó, tên gọi đậu mùa khỉ của căn bệnh cũng bắt nguồn từ đó.
Đến năm 1970, mới ghi nhận các ca nhiễm ở người tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Căn bệnh này sau đó tập trung tại các quốc gia ở Trung và Tây Phi như Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Gabon, Liberia, Nigeria, và Sierra Leone. Ngoài ra, có một số ít trường hợp tại Israel, Singapore, Anh và Mỹ. Do đó, thông tin liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ cũng rất nhiều.
Theo WHO, vắc-xin ngừa bệnh đậu mùa cũng có hiệu quả trước bệnh đậu mùa khỉ. Hiện cũng đã có phương thuốc kháng virus cho căn bệnh này.
Đậu mùa khỉ là bệnh lây qua đường tình dục
Mặc dù đậu mùa khỉ thường lây qua tiếp xúc gần với người mắc bệnh, song đây không phải là bệnh lây qua đường tình dục (STD).
Theo Tiến sỹ Joseph Osmundson, nhà sinh học phân tử, giáo sư sinh học của Đại học New York (Mỹ), tác giả nghiên cứu, quan hệ tình dục chỉ là một hình thức tiếp xúc gần có nguy cơ làm lây nhiễm virus. Các hành động tiếp xúc gần khác như nắm tay, ôm, hôn đều có thể khiến bệnh lây lan.
Bạn cũng có thể nhiễm virus do vết cắn hay vết cào xước từ động vật nhiễm đậu mùa khỉ, do ăn thịt sống, tiếp xúc với người nhiễm virus hoặc chạm vào ga trải giường hay quần áo nhiễm virus. Virus thâm nhập vào cơ thể qua tổn thương da, đường thở và niêm mạc (mắt, mũi hoặc miệng).
Keith Neal, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Nottingham, cho biết lây truyền có thể không xảy ra trong hoạt động tình dục mà chỉ là "sự tiếp xúc gần gắn với hoạt động tình dục".
Đậu mùa khỉ sẽ là đại dịch tiếp theo sau Covid-19
Dù cũng đáng lo ngại song bệnh đậu mùa khỉ khác Covid-19 rất nhiều. Đây không phải là căn bệnh về hô hấp. Virus lây lan qua việc tiếp xúc gần hoặc hít phải giọt bắn từ người bệnh trong không khí.
Theo nhà nghiên cứu bệnh dịch Jo Walker của Trường Y tế công cộng Yale, virus gây bệnh này ít lây lan hơn nhiều so với virus SARS-CoV-2. Ông cho biết từ khi bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện, phần lớn các dự báo cho rằng hệ số lây nhiễm cơ bản (R0) của căn bệnh này là chưa tới 1. Điều này có nghĩa là có thể xuất hiện các ổ dịch, thậm chí bùng phát thành dịch bệnh, song bệnh cuối cùng có thể tự biến mất. Đây là lý do giới chức y tế công cộng, trong đó có WHO tin rằng số ca mắc sẽ không tăng vọt bất ngờ.
Đây cũng không phải căn bệnh tấn công hệ hô hấp như Covid-19. Do virus đậu mùa khỉ nằm trong họ đậu mùa, nên vắc-xin ngừa đậu mùa cũng hiệu quả phần nào trước căn bệnh này.
Vắc-xin phòng bệnh đậu mùa có tác dụng phòng ngừa 85% đối với bệnh đậu mùa khỉ, dù hiệu quả của vắc xin giảm dần theo thời gian. Một số nước, trong đó có Mỹ, đã tích trữ vắc xin phòng đậu mùa trong trường hợp bệnh này xuất hiện trở lại, nay có thể sử dụng vắc-xin này để phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ.
Đậu mùa khỉ chỉ ảnh hưởng đến người tại châu Phi
Nhiều người dùng trên Twitter đã chia sẻ hình minh họa cho bệnh đậu mùa khỉ mà các hãng tin hay sử dụng là người da màu. Mặc dù đây là xu hướng phổ biển, song bất cứ ai cũng đều có thể nhiễm virus. Dù căn bệnh này phổ biến tại Trung và Tây Phi, song điều này không đồng nghĩa chỉ những người dân từ khu vực này mới bị ảnh hưởng.
Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, trước nguy cơ dịch có thể lây lan, Bộ Y tế đã khuyến cáo 6 cách phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ gồm: Không tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ; che miệng khi ho, hắt hơi; tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn.
Người có triệu chứng nghi mắc cần nhanh chóng khám bệnh, chủ động tự cách ly đến khi khỏi. Trong khi đó, người đến các nước có dịch đậu mùa khỉ nên tránh tiếp xúc với các động vật mắc bệnh như: nhóm gặm nhấm, thú có túi, không ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, thịt động vật chưa chín kỹ hoặc thịt từ động vật nhiễm bệnh.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Sức khỏe và Đời sống)