Vào sáng sớm ngày này cách đây 2 năm, truyền thông phương Tây đồng loạt đưa tin về tiếng nổ lớn được nghe thấy ở Kiev, Odessa, Kharkov và Donbass sau bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin trên kênh truyền hình nhà nước về việc khai màn “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Hiện cuộc chiến trên bộ ngay giữa lòng châu Âu đã bước sang năm thứ 3. Sau sự chật vật trước các cuộc tấn công ban đầu, tiếp theo là hy vọng tăng cao về một sự “lật ngược tình thế” nhanh chóng, giờ đây thực tế trên tiền tuyến đang báo hiệu một năm bế tắc ở phía trước.
Điều quyết định quỹ đạo xung đột
Binh lính Ukraine đã kiệt sức và Quân đội Ukraine đang thiếu đạn pháo và tên lửa phòng không, trong khi các loại vũ khí như chiến đấu cơ F-16 và hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân MGM-140 (ATACMS) do Mỹ sản xuất vẫn chưa được cung cấp với số lượng đáng kể.
Năm nay sẽ là một năm “phục hồi và chuẩn bị cho cả 2 bên, giống như năm 1916 và 1941-1942 trong các cuộc Thế chiến I và II”, ông Marc Thys, người đã nghỉ hưu với tư cách là Thứ trưởng Quốc phòng Bỉ vào năm ngoái với cấp bậc Trung tướng, nói với trang Politico EU hôm 22/2.
Không ai có thể đưa ra lộ trình chính xác cho năm 2024, nhưng các chuyên gia và quan chức đều đồng ý rằng 3 điều cơ bản sẽ quyết định quỹ đạo của cuộc chiến trong những tháng tới.
Đầu tiên, cuối tháng 3 sẽ là thời điểm đặc biệt quan trọng đối với số phận của Quân đội Ukraine. Kiev sẽ không có đủ trang thiết bị cần thiết để tiến hành một cuộc phản công đúng nghĩa nếu Quốc hội Mỹ không thông qua dự luật viện trợ mới.
Một quan chức Mỹ nói với tờ National News có trụ sở tại UAE rằng sẽ khó xác định chính xác khi nào tình hình của Quân đội Ukraine có thể xấu đi, nhưng lưu ý rằng tình trạng thiếu hụt nguồn lực dự kiến sẽ còn nghiêm trọng hơn trong mùa xuân.
Thứ hai, Nga đã giành được ưu thế về pháo binh, và cùng với các cuộc tấn công trên bộ không ngừng, đang đánh vào các vị trí của Ukraine. Tình hình sẽ càng tệ hơn cho Ukraine khi Nga sử dụng nhiều hơn sức mạnh không quân của mình, bao gồm cả việc ném nhiều bom lượn dẫn đường bằng vệ tinh như đã làm ở thành phố Avdiivka thuộc khu vực tiền tuyến Donbass.
Thứ ba, nếu không có hệ thống phòng không và tên lửa tầm xa cũng như đạn pháo của phương Tây, Kiev sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng một hệ thống phòng thủ bền vững và đáng tin cậy.
Các quan chức Mỹ dự đoán những kịch bản tương tự sẽ xảy ra ở những nơi khác ở Ukraine khi chính quyền buộc phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về nơi đặt các lực lượng phòng không ít ỏi còn lại của mình.
“Những thứ được bảo vệ ngày hôm nay – họ sẽ không thể bảo vệ tất cả những địa điểm này trong tương lai nếu nguồn cung thiết bị đánh chặn không được duy trì”, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói. Và nếu Nga giành được quyền kiểm soát bầu trời, “nó sẽ thay đổi hoàn toàn bản chất của cuộc chiến này”.
“Mục tiêu chính của chúng tôi là ngăn chặn hàng không Nga. Nếu chúng tôi không thể làm được điều đó thì đã đến lúc phải thu dọn đồ đạc”, một quan chức Ukraine nói thêm.
“Năm nay sẽ khó khăn. Không ai có thể đoán trước được Nga sẽ đi theo hướng nào, hay liệu chúng tôi có thể tiến lên trong năm nay hay không”, ông Taras Chmut, một nhà phân tích quân sự Ukraine và Trung sĩ thuộc Lực lượng Dự bị Thủy quân lục chiến của Lực lượng Hải quân, cho biết. Tuy nhiên, rõ ràng Ukraine đang ở thế yếu.
Kịch bản dễ xảy ra nhất
Các nhà phân tích tại Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) thuộc Tập đoàn The Economist có trụ sở tại London, Anh, nhận định cuộc chiến ở Ukraine rất có thể sẽ phát triển thành một “cuộc chiến kéo dài nhưng ít khốc liệt hơn” trong năm thứ 3 này.
Các nhà phân tích cho rằng giao tranh kéo dài trong năm nay sẽ khiến công cuộc tái thiết Ukraine bị trì hoãn và khiến việc huy động số tiền cần thiết, ước tính lên tới gần 1.000 tỷ USD, trở nên khó khăn hơn.
“Điều tốt nhất có thể hy vọng là cuộc chiến sẽ trở thành một cuộc xung đột có cường độ thấp hơn và cục bộ hơn, ngăn ngừa thiệt hại thêm ở những khu vực cho đến nay chưa bị ảnh hưởng bởi chiến sự”, EIU cho biết trong một báo cáo nhân kỷ niệm dấu mốc 2 năm xung đột.
Trong số 4 kịch bản mà các chuyên gia của EIU đưa ra, thì kịch bản dễ xảy ra nhất là một năm “hai bên đều thua” nhưng “tiền tuyến không có thay đổi gì đáng kể”.
Một kịch bản như vậy – có xác suất 60% – có thể khiến kho vũ khí của cả 2 bên thêm cạn kiệt, nhưng được xây dựng dựa trên giả định rằng viện trợ phương Tây cho Ukraine sẽ không suy giảm đến mức có thể dẫn đến lợi thế cho Nga.
Ukraine vẫn không ngừng vận động hành lang để đảm bảo thêm viện trợ cho nỗ lực chiến tranh của nước này nhằm chống lại các lực lượng Nga.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của The Economist nhận thấy có 30% khả năng việc ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng sẽ khiến nguồn tài trợ của Mỹ giảm mạnh, dẫn đến việc Ukraine buộc phải đình chiến.
Trong kịch bản này, Kiev sẽ phải đàm phán “từ thế yếu” và sẽ có một thỏa thuận hòa bình “chính thức hóa quyền kiểm soát của Nga đối với một số vùng của Ukraine”, báo cáo dài 10 trang của EIU cho biết.
Sức hút của ông Trump đối với nền chính trị Mỹ đã làm đình trệ sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine tại Quốc hội “xứ cờ hoa” trước khi cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào tháng 11. Quan điểm của cựu Tổng thống là phản đối cung cấp viện trợ mới.
Các nhà phân tích cũng tin rằng bất kỳ lợi ích quân sự nào của Nga, chẳng hạn như ở miền Đông Ukraine, sẽ gây ra phản ứng từ Mỹ và châu Âu, khiến khả năng xảy ra sự sụp đổ hoàn toàn của sự hỗ trợ của phương Tây ít hơn.
“Chúng tôi tin rằng cả Mỹ và EU sẽ tìm ra cách để duy trì dòng viện trợ vì những gì xảy ra ở Ukraine có ý nghĩa địa chính trị to lớn”, EIU cho biết.
Kịch bản thứ ba của EIU, trong đó Nga giành thêm quyền kiểm soát ở miền Nam và miền Đông Ukraine trong một cuộc tấn công mùa hè, có khả năng xảy ra là 20%.
Điều này có thể thúc đẩy Mỹ và các đồng minh vội vã thông qua các gói viện trợ bổ sung, hoặc nó cũng có thể “gieo rắc sự chia rẽ về logic của việc duy trì một cuộc chiến lâu dài mà Ukraine khó có thể giành chiến thắng”.
Các chuyên gia của EIU chỉ nhìn thấy 10% cơ hội Ukraine có thể giành được lợi ích đáng kể, do các vấn đề kinh tế và bất đồng nội bộ cản trở nỗ lực đánh bật các lực lượng Nga.
Kịch bản này cũng có thể có nghĩa là Ukraine chiếm ưu thế trong việc hàn gắn sự chia rẽ ở phương Tây và dẫn đến nỗ lực hướng tới viện trợ bổ sung.
Dù giới phân tích bi quan về cơ hội đột phá của Ukraine nhưng bế tắc kéo dài “không phải là không có rủi ro cho Nga”, các chuyên gia tại EIU cho biết, đề cập đến các vấn đề như tình hình chính trị trong nước và lạm phát gia tăng.
Minh Đức (Theo National News, ABC News, Politico EU)