Trong lĩnh vực ngoại giao, sự thay đổi về chính sách của mỗi quốc gia không phải là điều gì quá bất thường trong bối cảnh tình hình thế giới biến động liên tục trong thời điểm hiện tại.
Người ta có thể nhìn thấy rõ điều này ở Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, thông qua những tuyên bố "bỏ rơi" đồng minh lâu năm Washington và tìm kiếm một mối quan hệ gần gũi hơn Bắc Kinh - quốc gia vốn có tranh chấp gay gắt về mặt lãnh thổ.
Trong chuyến thăm cấp cao gần đây tới Trung Quốc, nhà lãnh đạo mới của Manila thẳng thắn tuyên bố rằng ông đã hòa mình với "dòng chảy ý thức hệ" của Trung Quốc và "tách khỏi" quan hệ về kinh tế và quân sự với Washington.
Về phía mình, Bắc Kinh tỏ rõ sự háo hức trong việc đưa Philippines về cùng một "nhà", nhằm tăng cường thêm vị thế về mặt ngoại giao giữa bối cảnh sự cạnh tranh về ảnh hưởng quyền lực trong khu vực với Washington đang leo thang.
Giới quan sát cho rằng, câu nói của ông Duterte trong chuyến thăm Trung Quốc không chỉ giúp "phá băng" quan hệ giữa hai nước sau phán quyết của Tòa Trọng tài hôm 12/7, mà còn phá vỡ thế cô lập về mặt ngoại giao của Bắc Kinh sau khi gây ra quá nhiều căng thẳng với các nước láng giềng khác.
Bắc Kinh đang hy vọng Manila có thể sử dụng vai trò chủ tịch luân phiên của mình vào năm tới để giúp tình hình tranh cãi bớt nóng trong trong các chương trình nghị sự của ASEAN.
Điều này có thể giúp cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN, hoặc ít nhất là với 4 thành viên có tranh chấp lãnh thổ trực tiếp.
Và đặc biệt hơn, việc Philippines hờ hững với quan hệ chiến lược quân sự với Mỹ sẽ giảm đi phần lớn quyền lực của Washington trong khu vực - điều sẽ giúp Trung Quốc dễ thở hơn trong việc đối phó với chiến lược "xoay trục châu Á" của Tổng thống Barack Obama.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà quan sát hoài nghi về sự chuyển hướng trong chính sách đối ngoại của Philippines, bất chấp sự nồng nhiệt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Duterte trong việc hoan nghênh mối quan hệ mới được thể hiện rất rõ ràng.
Các nhà phân tích cho rằng thái độ của ông Duterte giống như một nỗ lực dung hòa hai cường quốc lớn, mà trong đó ông coi viện trợ kinh tế từ Trung Quốc là điều vô cùng cần thiết. Thực tế Duterte đã thành công khi trở về từ Trung Quốc với những thỏa thuận thương mại trị giá lên tới 17 tỷ USD.
Còn với Mỹ, có nhiều lý do khác nhau khiến Philippines không thể "dứt tình" hoàn toàn. Bình luận viên Cary Huang từ SCMP cho rằng, điều này xuất phát từ 4 lý do.
Thứ nhất, mối quan hệ Mỹ-Philippines đã được bồi đắp sâu sắc suốt gần 70 năm qua, sau khi hai nước ký kết một hiệp ước phòng thủ chung.
Liên minh này bảo đảm cho Mỹ được phép hoạt động tại năm căn cứ quân sự ở Philippines, điều mà với ông Duterte không thể loại bỏ bằng quyền lực của mình.
Thứ hai, trong khi nguồn lực tài chính và đầu tư vào Philippines từ Trung Quốc đang gia tăng, quan hệ thương mại với Mỹ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Philippines.
Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ ba của Philippines chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc. Là một cựu thuộc địa của Mỹ, có khoảng bốn triệu công dân Mỹ là người gốc Philippines và mang lại 1/3 con số 17,6 tỷ USD từ lượng kiều hối hàng năm.
Thứ ba, hơn bất cứ quốc gia nào ở châu Á, người Philippines luôn dành cho Mỹ cảm tình đặc biệt. Do đó, dưới chế độ dân chủ, gần như tất cả các chính trị gia Philippines đều có một sự "trung thành bản năng" đối với Washington. Việc rũ bỏ liên minh này sẽ nhanh chóng vấp phải sự phản đối gay gắt từ công dân Philippines và giới quân đội.
Một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy có 76% trong số người dân được hỏi cho biết họ có sự "tin tưởng lớn" đối với Mỹ, trong khi với Trung Quốc con số này chỉ là 22%.
Và lý do cuối cùng, dù có thay đổi chính sách ngoại giao thế nào, người Philippines cũng không thể từ bỏ lòng yêu nước của họ.
Gắn kết với Trung Quốc không có nghĩa là Philippines sẽ từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình trong các tranh chấp với quốc gia này trên Biển Đông.
Quốc Vinh