Ban ngày đạp xe, đêm trải ni lông ngủ tạm vỉa hè
Vào 13h ngày 22/7, chuyến tàu SE chở 4 người trong gia đình bà Nguyễn Thị Hương (50 tuổi, trú xóm 6, xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) từ ga Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận đã về đến ga Vinh, tỉnh Nghệ An.
Vừa bước xuống mảnh đất quê hương, mặc dù vô cùng mệt mỏi khi trải qua chặng đường dài nhưng các thành viên đều rất vui vẻ. Họ đã có một kỷ niệm không thể nào quên trong mấy ngày qua.
4 người trong nhà gồm bà Nguyễn Thị Hương, con gái lớn là Võ Thị Thanh Thanh (30 tuổi), con trai Võ Thanh Bình (28 tuổi) và người cháu gái Võ Thanh Trinh (12 tuổi).
Nhiều năm trước, cả nhà vào làm thuê cho một công ty tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, 3 tháng qua, do dịch Covid-19 nên mọi người đều không có việc làm.
Trụ lại tỉnh Đồng Nai một thời gian nhưng cũng không tìm được việc, tiền tích trữ dần cạn kiệt, vì vậy mọi người bàn với nhau trở về quê. Tuy nhiên, khi ra quốc lộ đón xe thì không có xe khách nào chạy. Cả nhà quyết định mua 2 chiếc xe đạp cũ với giá 700.000 đồng đạp về quê.
Ngày 9/7, 4 người xuất phát từ huyện Trảng Bom, bắt đầu hành trình vượt hơn 1.000 km trở về quê hương. “Con trai chở tôi, con gái chở cháu. Cả nhà cứ đi như vậy, mệt thì ghé vào bóng râm nghỉ. Đêm đến tìm góc phố, vỉa hè rồi trải tấm ni-lông nằm ngủ tạm”, bà Hương kể.
Đôi lúc mệt quá, cả nhà cũng định tìm nhà nghỉ ngủ một đêm, tắm rửa chút nhưng không có chỗ nào mở cửa. Thậm chí mua cơm ăn cũng rất khó vì đang mùa dịch. Tuy nhiên, nghĩ đến việc được trở về nhà nên 4 người vẫn tiếp tục đi. Mệt ở đâu thì nghỉ ở đó, hết mệt lại đi tiếp.
Trong vòng 10 ngày đạp xe, 4 mẹ con bà đã đi được quãng đường khoảng 282km (theo Google Maps) từ huyện Trảng Bom đến huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Trung bình mỗi ngày đi được khoảng 25.6km.
Vào ngày 19/7, gia đình bà chủ động khai báo y tế tại chốt kiểm soát Covid-19 Chung Mỹ (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Khi biết được hoàn cảnh của gia đình, những người trực chốt và dân địa phương đã hỗ trợ thực phẩm, nước uống.
Thông tin này cũng nhanh chóng được đăng lên mạng xã hội và nhận được nhiều sự đồng cảm. Biết tin, một số nhà hảo tâm tìm đến tận nơi, đề nghị mua vé tàu giúp họ trở về quê.
Điều xe đến ga tàu đón 4 mẹ con về nhà
Sau khi xuống ga Vinh, 4 người trong gia đình thực hiện việc khai báo y tế. Trước khi về, cả nhà đã xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 sau khi được test nhanh tại một trạm y tế ở TP. Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Chiếc xe của UBND huyện Nghi Lộc điều đến đón cũng đã chờ sẵn từ 1 tiếng trước để đón gia đình về cách ly tại trạm y tế xã Nghi Xá. Hai chiếc xe đạp cũng được tháo từng bộ phận để đưa lên tàu nay được nhân viên ga Vinh hỗ trợ đưa ra xe. Đây là vật kỷ niệm cho chặng đường gian khổ vừa rồi của gia đình.
“Đi tàu mệt lắm, nhưng nghĩ đến việc sắp được về nhà thì chúng tôi vui lắm. Cảm ơn các nhà hảo tâm và cơ quan chức năng đã giúp gia đình tôi về đến quê hương”, bà Nguyễn Thị Hương nói.
Nếu đạp xe với tốc độ như những ngày qua, cả nhà sẽ phải mất thêm gần 40 ngày nữa mới về đến quê nhà. Thế nhưng giờ đây, bà Hương đã đặt chân về đến tỉnh Nghệ An và chỉ khoảng 1 giờ nữa sẽ về đến nhà.
Khi được hỏi về dự định sắp tới, bà Hương cho hay: “Hiện giờ tôi cũng chưa có kế hoạch, được trở về nhà là hạnh phúc rồi, nhưng có lẽ tôi sẽ không đi đâu nữa”.
Được biết, sau khi hình ảnh và hoàn cảnh đáng thương của 4 mẹ con bà Hương được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người đã liên hệ để được giúp đỡ, hỗ trợ mẹ con bà một số tiền để chia sẻ khó khăn.
Tuy nhiên 4 mẹ con đã từ chối rất nhiều người giúp đỡ. Mẹ con bà Hương chỉ nhận một số tiền hỗ trợ nhỏ từ những người đồng hương và một số người thân quen.
Bà Hương nói: “Gia đình dù khó khăn nhưng vẫn còn được đạp xe về quê. Trong khi nhiều người còn phải ở lại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam trong khi dịch Covid-19 phức tạp và đang phải ở trong các khu phong tỏa. Chúng tôi xin nhường lại cho những người khác”.
Bà Trần Thị Ánh Tuyết - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết: “Sau khi huyện đưa ô tô đón về, chúng tôi sẽ kiểm tra sức khỏe và tổ chức cách ly 4 người trong gia đình tại trạm Y tế xã Nghi Xá. Trước mắt thì ưu tiên công tác phòng, chống dịch. Còn sau đó, căn cứ vào tình hình thực tế của gia đình, chính quyền địa phương sẽ có chính sách hỗ trợ tiếp theo”.