Phát biểu đầu cuộc họp về dịch bệnh thế giới ngày 5/10, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hiện tại số ca nhiễm/nghi nhiễm Ebola ở Uganda đã lên tới 63 người và có 29 người đã tử vong. Chỉ có 4 bệnh nhân được xác định là trong tình trạng "đã hồi phục và đang được theo dõi".
Trong số những người nhiễm bệnh có 10 nhân viên y tế và 4 người đã tử vong. Đây là tình trạng đáng báo động bởi hiện tại các nhân viên y tế ở Uganda đang phải chiến đấu với căn bệnh bùng phát khắp nơi này mà không hề được bảo vệ bởi vắc-xin.
Trước đó, ngày 1/10, Uganda đã báo cáo trường hợp nhân viên y tế thiệt mạng đầu tiên do dịch bệnh. "Tôi rất tiếc phải thông báo rằng chúng tôi đã mất bác sĩ đầu tiên của mình - bác sĩ Mohammed Ali, quốc tịch Tanzania, 37 tuổi", Bộ trưởng Bộ Y tế Uganda Jane Ruth Aceng viết trên Twitter hôm 1/10.
Theo Bộ trưởng - bác sĩ Aceng, bác sĩ Ali đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Ebola vào ngày 26/9 và qua đời khi đang được điều trị tại bệnh viện ở Fort Portal, một thị trấn cách thủ đô Kampala của Uganda khoảng 300 km về phía Tây.
"Bác sĩ Ali là bác sĩ đầu tiên và nhân viên y tế thứ hai không thể chống lại Ebola. Người đầu tiên là một nữ hộ sinh từ Phòng khám St Florence, một trường hợp nghi nhiễm, vì cô ấy đã chết trước khi xét nghiệm", The East Afican dẫn lời bác sĩ Aceng.
Uganda công bố sự bùng phát dịch Ebola vào ngày 20/9 vừa qua sau khi ca bệnh đầu tiên được xét nghiệm khẳng định sau khi đã có hàng chục ca nghi nhiễm và nhiều người tử vong.
Chủng Ebola gây nên đợt dịch mà WHO mô tả là "bùng phát trong chớp mắt" này là chủng Sudan, hiện chưa có vắc-xin để phòng ngừa. Cũng theo WHO, tỉ lệ tử vong do Ebola chủng Sudan đã tăng lên từ 41% đến 100% trong các đợt bùng phát gần đây nhất.
Đáng lo ngại là các vắc-xin ngừa Ebola được sản xuất dựa trên các đợt bùng phát trước đó ở Congo (gây ra bởi chủng Congo) hoàn toàn không có tác dụng với chủng "tử thần" này.
Tổng Giám đốc WHO cho biết hiện có một số vắc-xin đang trong các giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm khác nhau, 2 trong số đó có thể được thử nghiệm lâm sàng ở Uganda trong vài tuần tới khi chính phủ nước này phê duyệt.
WHO cũng đã giải phóng 2 triệu USD từ Quỹ dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp và đang làm việc với các đối tác để tìm thêm các nguồn lực, bao gồm vật tư y tế và sự hỗ trợ của các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm khắp thế giới.
Hiện Ebola vẫn đang được coi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hàng đầu thế giới bởi tỉ lệ tử vong cực kỳ cao. Đây cũng là căn bệnh duy nhất khiến WHO phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) đến 2 lần.
Ebola chủ yếu lây lan qua tiếp xúc với chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh. Bệnh do virus gây ra có các triệu chứng bao gồm suy nhược dữ dội, đau cơ, đau đầu và đau họng, nôn mửa, tiêu chảy và phát ban.
Minh Hoa (t/h theo Người Lao Động, TTXVN)