“Thập diện mai phục” từ cây ATM…
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) mở màn đầu tiên khi thông báo từ ngày 12/5, các khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ nội địa để rút tiền mặt tại ATM của nhà băng này sẽ phải chịu mức phí 1.650 đồng/giao dịch (sau thuế), tăng 550 đồng so với mức phí cũ là 1.100 đồng/giao dịch.
Ngoài ra, phí chuyển khoản liên ngân hàng qua E-Mobile Banking cũng tăng lên mức 0,05% số tiền chuyển, tối thiểu là 8.000 đồng mỗi giao dịch.
Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng điều chỉnh mức phí rút tiền mặt tại ATM áp dụng từ 5/5/2018.
Theo đó, đối với thẻ ghi nợ dòng C-Card và S-Card, mức phí tăng từ 1.100 đồng lên 1.650 đồng/giao dịch. Dòng Gold và Pink-Card, mức phí rút tiền mặt tại ATM là 2.200 đồng.
Cùng với đó, phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ATM của VietinBank được thông báo là 11.000 đồng.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng vừa thông báo tăng phí rút tiền ATM nội mạng thêm 500 đồng, lên mức 1.650 đồng/giao dịch (sau thuế), ngang với mức tăng của Agribank.
Trước đó, ông lớn ngân hàng này cũng đã tăng phí dịch vụ chuyển khoản từ 15/4/2018, với mức phí 2.000 đồng – 5.000 đồng/giao dịch nội mạng, mức 7.000 đồng/giao dịch dưới 10 triệu đồng hoặc 0.02% tổng số tiền chuyển với giao dịch trên 10 triệu đồng khi chuyển khoản ngoại mạng.
Cuối cùng, không thể đứng ngoài cuộc nhìn 3 ngân hàng cùng nhóm tăng phí kiếm lời, ngân hàng cuối cùng trong nhóm “Big 4” gốc Nhà nước là BIDV cũng vừa thông báo tăng phí.
Cụ thể, ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố biểu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa mới áp dụng từ ngày 4/5/2018, cho biết nhà băng này sẽ thu với mức phí 1.650 đồng trên mỗi giao dịch rút tiền mặt tại ATM của ngân hàng (nội mạng).
So sánh biểu phí rút tiền nội mạng tại ATM trong nhóm 4 ngân hàng có gốc Nhà nước này thì hiện nay BIDV, VietinBank và Agribank cao nhất, ở mức 1.650 đồng/giao dịch. Còn lại Vietcombank 1.100 đồng/giao dịch.
Tăng phí trong khi chất lượng dịch vụ còn nhiều vấn đề
Lý giải về việc tăng phí lần này, phía Agribank cho biết mức trần phí rút tiền mặt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 3.300 đồng/giao dịch. Trong khi đó, thời gian qua nhiều ngân hàng, trong đó có Agribank, đã hỗ trợ cho khách hàng khi chỉ thu phí rút tiền mặt ở mức 1.100 đồng/giao dịch.
Theo đó, Thông tư 35 ban hành năm 2012 cho phép các ngân hàng được thu phí ATM nội mạng kể từ tháng 3/2013 với mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng từ năm 2015 được NHNN cho phép là 3.300 đồng/ giao dịch.
Động thái tăng phí dịch vụ ngân hàng được các chuyên gia kinh tế đánh giá là bình thường đối với hoạt động kinh doanh của các ngân hàng bởi dịch vụ là một trong những nguồn thu chủ yếu để bù đắp chi phí và mang lại lợi nhuận.
Tuy nhiên, vấn đề khách hàng đang băn khoăn hiện nay là trong khi chất lượng dịch vụ của nhiều ngân hàng còn chưa đáp ứng yêu cầu khách hàng, việc tăng phí dồn dập khiến khách hàng cảm thấy chưa được đối xử sòng phẳng.
Cụ thể là gần đây, sự cố xảy ra vào lúc 21h40 ngày 25/4/2018, một số khách hàng của Agribank bị trừ tiền dù không thực hiện giao dịch. Kết quả kiểm tra xác minh xác định có 12 khách hàng bị ảnh hưởng. Ngân hàng đã tiến hành hoàn tiền cho 12 khách hàng này.
Trước đó, một vài sự cố liên tiếp xảy ra đối với khách hàng của Vietcombank vào năm 2016. Sáng ngày 16/8/2016, anh Vũ Thành Phương (quận 9, TP HCM) thức dậy và kiểm tra điện thoại, thấy có 14 tin nhắn báo về việc thẻ Vietcombank Master Card Debit của anh bị quẹt ở TOKYO DISNEY RESORT CHIBA JPN, MARRIOTT HTL và BOOKHAVEN NY. Trong số đó, có tất cả 5 giao dịch chuyển tiền thành công và tổng số tiền anh Vũ Thành Phương bị mất trong một đêm là khoảng 17 triệu đồng.
Ngày 19/8/2016, chị Lê Thị Quỳnh Nga (phường Tân Tiến, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) nhận được tin nhắn từ Vietcombank thông báo thẻ Mastercard của chị sử dụng dịch vụ RSW ESERVICE SINGAPORE và bị trừ 592 đôla Singapore trong khi chị đang chạy xe và thẻ vẫn ở trong ví”.
Nghiêm trọng hơn là trường hợp của chị Hoàng Thị Na Hương (phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội) có tài khoản Vietcombank chi nhánh Trần Quang Khải bị mất 500 triệu bằng 7 lần giao dịch, mặc dù chị không hề giao dịch gì… Điều đáng nói là sau 7 giao dịch như thế, tài khoản của chị bị trừ 500 triệu đồng nhưng chỉ nhận được tin nhắn từ ngân hàng báo số dư tài khoản qua email mà không báo bằng tin nhắn mã OTP như bình thường.
Ngoài ra là các tình trạng như ATM "đình công" mỗi dịp giáp tết, nghỉ lễ cũng là vấn đề băn khoăn của khách hàng khi ngân hàng chưa giải quyết triệt để đã tính đến chuyện tăng phí liên tục.