Trong khuôn khổ Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021-2030 và các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam” tổ chức ngày 16/11, các chuyên gia Tài chính đã đưa ra những đánh giá, nhận định về tình hình thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước về kinh tế giai đoạn 2011-2020 từ đó đưa ra những chiến lược phát triển trong tương lai.
Gặt hát nhiều thành tựu tích cực
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng nhấn mạnh, việc nghiên cứu xây dựng các giải pháp; trong đó các giải pháp về tài chính, ngân sách nhà nước trong bối cảnh dịch Covid-19 cho phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo thực hiện các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện nay là hết sức cấp thiết.
Đánh giá về Chiến lược Tài chính đến năm 2020 của Chính phủ được phê duyệt vào năm 2012, Thứ trưởng cho rằng sau gần 10 năm thực hiện, kết quả đạt được từ việc triển khai các nội dung của chiến lược là khá toàn diện, góp phần vào việc củng cố các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phân bổ các nguồn lực tài chính, củng cố tiềm lực tài chính quốc gia và cải thiện dư địa tài chính.
Theo đó, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) nhận định: “Kết quả chiến lược đặt ra trên chiến lược tài chính đến năm 2020 của chúng ta đã đạt được những thành tựu khá toàn diện và tích cực trên tất cả các mặt.
Mặc dù trong nước, những năm đầu thực hiện chiến lược tiềm ẩn nhiều rủi ro, lạm phát tăng cao, CPI luôn ở mức trên 18,1%, tỉ lệ nợ công gia tăng, nợ xấu chiếm tỉ lệ cao, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh gay gắt, độ mở của các nền kinh tế lớn còn nhiều hạn chế, diễn biến của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh rất phức tạp. Nhưng Việt Nam đã rất nỗ lực để vuợt qua khó khăn đạt được những thành tựu vượt bậc."
Cụ thể, ông cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2015 có tỉ lệ khoảng 5,9%/năm, giai đoạn 2016-2020 tỉ lệ khoảng 6%, đặc biệt lạm phát được kiểm soát ở mức thấp dưới 4%.
Tính chung trong giai đoạn 10 năm ta đã đạt được mức tăng trưởng 5,95%. Dù không đạt được mục tiêu đề ra là 7% đến 8% nhưng Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực cũng như trên thế giới. Giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt mức kế hoạch đề ra trung bình khoảng 11,7%, cao hơn mức mục tiêu 10% đề ra tại các văn kiện đại hội Đảng 12.
Về thể chế, TS. Nguyễn Như Quỳnh đánh giá cải cách thể chế đang dần hoàn thiện, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính và tiếp cận các thông lệ quốc tế tốt.
Cùng với đó, trong giai đoạn 2011-2020, ngành tài chính đã chủ trì soạn thảo trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua 21 luật, 11 nghị quyết, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 13 nghị quyết, trình Chính phủ ban hành 258 nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 151 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 1899 thông tư, thông tư liên tịch.
Bên cạnh đó, tiềm lực tài chính Nhà nước ngày càng được tăng cường, quy mô thu ngân sách Nhà nước giai đọan 2011-2020 cao gấp 3,8 lần so với giai đoạn 2001-2010, tỉ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2011-2020 đạt khoảng 24,5% GDP, vượt mục tiêu đề ra trước đó.
Tại diễn đàn, TS. Nguyễn Như Quỳnh cũng cho biết thu ngân sách đã được định hướng lại theo chiến lược cải cách thuế, các khoản thu nội địa chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong ngân sách. Tỉ trọng thu nội địa chiếm khoảng 76,7%/năm, vượt xa mục tiêu của chiến lược tài chính.
Ngoài ra, chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tỉ trọng chi ngân sách bình quân giai đoạn năm 2011-2015 có tỉ lệ 25,5%, giai đoạn 2016-2020 có tỉ lệ trên 28% GDP, tỷ trọng dự toán chi thường xuyên giảm dần nhưng vẫn đảm bảo thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Hơn nữa, nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA đều được sử dụng hợp lý cho các chương trình quốc gia, các dự án trọng điểm có tính lan tỏa, có ý nghĩa và các dự án bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng khung pháp lý về cơ chế tài chính của Việt Nam đã được xây dựng bài bản, vững chắc và sát với thực tế, tích cực tăng cường công khai, minh bạch.
Đặc biệt là đến năm 2020, Việt Nam đã vượt lên thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 37 trên thế giới, được đánh giá là một quốc gia phát triển kinh tế có chiều sâu.
Chiến lược Tài chính 2021-2030 cần phải linh động theo sát thực tiễn
Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng TS. Nguyễn Như Quỳnh cho biết tài chính Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Phân tích tại sự kiện, ông cho rằng kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo, khủng hoảng nợ công trầm trọng đang diễn ra ở nhiều quốc gia, nhiều nước trên thế giới đã tăng cường bảo hộ thương mại do thị trường tài chính, tiền tệ gia tăng.
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, thương mại Việt Nam cũng như toàn cầu. Cạnh tranh địa chiến lược giữa các quốc gia sẽ ngày càng gay gắt. Đi kèm đó là biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, an ninh, quốc phòng,.. tạo sức ép lớn về tài chính cho ngân sách.
Trên cơ sở nhận định rõ bối cảnh và những thách thức đặt ra, Bộ Tài chính đang tích cực đề ra các mục tiêu, giải pháp chính xác, thực tế đi sát theo 4 quan điểm.
Thứ nhất là hướng tới phát triển nền tài chính quốc gia toàn diện, cung cấp các dịch vụ phù hợp và thuận tiện với chi phí hợp lý cho mọi cá nhân và doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia.
Thứ hai là cải cách nâng cao chất lượng thể chế tài chính, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa, hội nhập với sự phát triển của Thế giới.
Thứ ba là cơ cấu lại ngân sách, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương. Theo đó, phát huy tối đa lợi thế vùng miền, phát triển hài hòa kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi đổi khí hậu.
Cuối cùng là tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính quốc gia. Trong đó cần phải chi hiệu quả, cơ cấu chi hợp lí, tiết kiệm, tăng cường dự trữ quốc gia, quản lý nợ công, đảm bảo an ninh tài chính.
Cũng tại sự kiện, TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, để xây dựng một thị trường tài chính lành mạnh và hiệu quả, hạn chế nguy cơ tổn thất từ các cuộc khủng hoảng hệ thống, Việt Nam phải tập trung cải cách khu vực tài chính dựa trên quan điểm khuyến khích, thiết lập một hệ thống các quy định và chế tài để các thành viên thị trường nhận thức đó là lợi ích tốt nhất trên cơ sở đó hành động một cách hiệu quả và thận trọng.
Về chiến lược tài chính 2021-2030, ông Sebastian Paust, Tham tán thứ nhất phụ trách hợp tác phát triển Đại sứ quán Đức, đánh giá cao chính sách quản lý nợ và tài khóa thận trọng của Việt Nam. Ông còn nhấn mạnh Việt Nam cần có chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển hạ tầng gắn với phát trển bền vững, huy động đầu tư tư nhân nhiều hơn, thúc đẩy đầu tư công, đồng thời, thực hiện cải cách về các chính sách thuế mới, thu ngân sách hiệu quả hơn... Như vậy, chính sách tài khoá phải linh hoạt, điều hành theo hướng phát triển bền vững.