Tiếng pháo rền và lá thư mệnh lệnh của bố
Vừa học xong cấp 3, chàng trai Ngô Thanh Sơn (SN 1960, quê Đình Xá, Phủ Lý, Hà Nam) khi ấy cũng như bao thanh niên khác ôm trong mình bao ước mơ, hoài bão của tuổi 18. Sẵn sàng gác lại dự định riêng của bản thân, chàng thanh niên trẻ làng Đình Xá nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ vào ngày 24/8/1978.
Lúc lên đường nhập ngũ, chàng thanh niên tuổi đôi mươi không hề biết mình sẽ phải đối mặt với sự khắc nghiệt của cuộc chiến tranh tàn khốc, với ông cũng như các đồng đội khi ấy chỉ có một quyết tâm duy nhất: “Dù có phải hy sinh cũng phải bảo vệ vẹn toàn từng thước đất quê hương, bảo vệ sự bình an của dân tộc”.
“Sau khi nhập ngũ, tôi được phân về trung đoàn 193, tỉnh đội Lai Châu, Quân khu III. Thời gian đầu, đơn vị đóng quân tại khu vực Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) rồi di chuyển lên Lai Châu. Lúc này vừa tham gia huấn luyện, các chiến sĩ trung đoàn 193 vừa giúp đồng bào dân tộc phát cỏ, dọn quang nền đất để lấy chỗ họp vừa giúp đồng bào chăm lo cuộc sống”, ông Sơn nhớ lại thời gian đầu nhập ngũ.
Xem video: Những ký ức không thể nào quên của người lính "già"
Trong ký ức của ông Sơn, có những lần hành quân đi bộ từ 50 - 100km từ Lai Châu đến tận Điện Biên, đi đến đâu mắc màn ngủ tại đó, vác trên vai mấy chục cân tư trang, đạn dược mà vẫn đi phăng phăng. Chuỗi thời gian huấn luyện yên bình chỉ kéo dài trong 3 tháng, sau khi thành thạo mọi kỹ năng chiến tranh như bắn đạn thật, hành quân,...thì tháng 11/1978, toàn đơn vị nhận được mệnh lệnh, ông Sơn và đồng đội bắt đầu hành quân để bảo vệ biên giới.
Ông Sơn nhớ lại: “Lúc đó chúng tôi cũng biết thế nước đang lâm nguy nhưng không hề biết Trung Quốc sẽ đánh Việt Nam. Đến nơi tập kết tại Phong Thổ, Lai Châu, mỗi tiểu đội đều được phân đào các hầm chữ A, gỗ ghép hầm phải có đường kính ít nhất 20cm, lấp đất trên cửa hầm 1,5m để tránh pháo của kẻ thù. Cứ cách 5m, 10m là phải có 1 hầm, miễn làm sao đủ cho trung đội của mình trú ẩn”.
Ông Sơn bồi hồi nhớ lại về giây phút cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ biên giới: “Rạng sáng ngày 17/2/1979 quân Trung Quốc ồ ạt tấn công vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Đồng chí tiểu đội trưởng và chính trị viên phát lệnh sẵn sàng chiến đấu. Tại cửa khẩu Ma Lù Thàng (Lai Châu) nơi chúng tôi đóng quân, đầu tiên là những đợt xả súng hàng loạt, dội thẳng vào các chiến sĩ tại đồn biên phòng vì bất ngờ nên những chiến sĩ ở đây không có sự chuẩn bị. Tiếp đến kẻ thù đánh, giết những người làm ở nông trường chủ yếu là phụ nữ. Địch đi đến đâu là oanh tạc đến đó. Sau này, những người còn sống sót ở nông trường đều trở thành các nữ thanh niên xung phong.
Ngày hôm sau, Trung Quốc tràn xuống điểm chốt của đơn vị chúng tôi. Trước mỗi trận chiến, Trung Quốc thường câu pháo trước nửa tiếng đồng hồ nên chúng ta dần nắm bắt được kế hoạch tấn công của Trung Quốc.
Pháo của Trung Quốc hướng điểm rất chuẩn vì trước đó, trong chiến tranh chống Mỹ, Việt Nam và Trung Quốc từng hợp tác rất chặt chẽ. Trung Quốc nắm rõ từng địa hình của ta. Nhận định được tình hình, chúng ta chặt hết những cây cao, phá hết những địa điểm có thể gây chú ý để kẻ thù không thể định vị được tọa độ mà nã pháo vào chúng ta.
Trong các trận đánh giáp lá cà với kẻ thù, bao chiến sĩ của ta đã ngã xuống. Có những đơn vị có 21 người mà hy sinh đến 20, thậm chí có những đơn vị “trắng chiến sĩ”. Cái cảnh tượng ấy sao mà xót xa, mà thương các đồng chí mình vô cùng. Sau thời gian đánh nhau với kẻ thù, quân ta lại lên chiến trường thu lại thi thể đồng đội và cố gắng an táng cho các anh đàng hoàng nhất. Thế nhưng, không vì vậy mà tinh thần quân ta xao động. Tất cả trên dưới một lòng, hừng hừng quyết tâm bảo vệ Tổ quốc”.
Trong trận chiến bảo vệ tổ quốc ác liệt ấy, ông Sơn cùng đồng đội nhận được nhiều chi viện rất lớn từ hậu phương và động viên từ gia đình. Bố của ông có gửi cho ông một lá thư mà đến giờ ông vẫn luôn mang theo bên mình với lời dặn khắc cốt ghi tâm: “Thời cơ đã đến, nay con ra trận bảo vệ Tổ quốc, đã là người thanh niên thời đại Hồ Chí Minh thì một là xanh cỏ, hai là đỏ lửa”. Chính lời dặn dò của bố trong lá thư đã tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho người thanh niên trẻ khi ấy hoàn thành nhiệm vụ.
Nghĩa tình đồng đội
Trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến tranh biên giới từ ngày bắt đầu đến tháng 7/1979, ông Sơn được cử đi học sĩ quan. Sau đó 3 năm, ông Sơn tiếp tục quay về phục vụ tuyến 2 đến tận ngày chiến tranh kết thúc (1989). Trải qua những năm tháng chiến đấu gian khổ bảo vệ non sông đất nước, người lính già Ngô Thanh Sơn mang trong mình một kho ký ức.
Khi được hỏi về những kỷ niệm về những người đồng đội, mắt ông đỏ hoe nhớ lại: “Ở những ngày đầu cuộc chiến, trung đội trưởng hy sinh, anh Tình (lúc bấy giờ là Trung đội phó) lên thay đội trưởng đã anh dũng chiến đấu. Anh Tình bị một phát súng vào giữa trán, một vết rách đằng sau gáy. Khi ấy không biết phải làm gì, tôi chỉ biết lấy một tấm gạc băng đầu anh lại, từ từ chứng kiến đồng đội hy sinh. Không dám cõng vì sợ kẻ địch phát hiện, tôi đành xốc tay, lê anh Tình theo đường rãnh vào đến hào với mong muốn bảo toàn thân thể đồng đội. Máu thấm đẫm thân áo nhưng tôi không còn cảm giác, thứ duy nhất tôi cảm nhận được lúc này là cảm phục trước tinh thần chiến đấu đến hơi thở cuối cùng của người tiểu đội phó. Nhìn thi thể đồng đội, tôi cảm thấy xót xa cho chàng thanh niên còn quá trẻ tạm gác giấy gọi của trường Đại học Bách khoa, theo tiếng gọi thiêng liêng lên đường nhập ngũ vì quê hương.
Nhưng chiến tranh mà, những mất mát, đau thương là không thể tránh khỏi. Với tôi và những đồng đội khi ấy, chỉ cần đất nước được vẹn toàn thì sự hy sinh không bao giờ là vô nghĩa”.
Ngoài nhiệm vụ bảo vệ cứ điểm được giao, đôi khi ông Sơn còn kiêm thêm cả cơ động chiến. Khi lương thực không vận chuyển đến kịp, ông và các đồng đội nhịn đói, cầm súng chiến đấu là chuyện thường ngày.
Nói đoạn, bỗng giọng kể của ông có gì đó hơi nghèn nghẹn lại nơi cổ họng: “Gian khổ là vậy, nhưng chẳng ai nản chí, ai cũng hừng hực khí thế sẵn sàng ra trận”.
May mắn trở về lành lặn sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ông Sơn hiện là Phó chủ tịch hội cựu chiến binh phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn đang cùng những người đồng đội học tập, noi gương theo anh bộ đội cụ Hồ.
Mỗi khi có cơ hội là ông Sơn cùng đồng đội ghé qua chiến trường xưa, lên nghĩa trang thắp nén hương cho các đồng đội cũ, gặp lại tri ân những gia đình đã cưu mang ngày ấy hay tổ chức cho anh em trong đơn vị họp mặt. Trong buổi gặp ấy những câu chuyện, những kỷ niệm về chiến tranh biên giới phía Bắc được các nhân chứng kể lại theo từng mảnh ghép, tuy mỗi người một hình chẳng ai giống ai nhưng lại tạo nên bức tranh hào hùng mang hơi thở tự hào dân tộc. Trong những cuộc gặp ấy, em trai anh Tình cũng được mời đến tham dự thay người anh đã khuất. Với họ, anh Tình hay các anh, các chị đồng đội dù đã nằm lại nơi chiến trường nhưng vẫn luôn sống mãi, chiến tranh Biên giới phía Bắc năm 1979 là trận chiến không thể nào quên.
Hoàng Bích - Phạm Hằng