Sức sống diệu kỳ
Cách thành phố Đông Hà 12km về phía nam, theo quốc lộ 1A, chúng tôi tim đến thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Hỏi thăm nhà bà Hoàng Thị Lý ngay từ đầu phố ai cũng biết. Ông bạn dẫn đường cho tôi thỉnh thoảng ngoái đầu lại nói trong sự thán phục: “Sống với hàng trăm mảnh bom đạn găm sâu trong cơ thể như bà Hoàng Thị Lý thì tôi thấy quả là hiếm từ trước tới nay”.
Bà Hoàng Thị Lý cùng những mảnh đạn được lấy ra từ cơ thể sau những lần phẫu thuật
Tiếp chúng tôi tại căn nhà của mình là người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn, bình dị nhưng ánh mắt luôn sáng ngời. Nâng tay rót nhẹ chén trà nóng mời khách, bà Lý kể về quá khứ của mình:
Đầu năm 1972, theo tiếng gọi của Tổ quốc, bà gia nhập vào hàng ngũ thanh niên xung phong (TNXP) nông trường Bình-Trị-Thiên. Một ngày khoảng cuối năm 1972, cả đội thanh niên xung phong 12 người trong đó có bà đang tải đạn cho bộ đội ở chiến khu Ba Rền (Quảng Bình) thì bất ngờ bị máy bay địch oanh tạc dữ dội. 9 người bị bom sát hại tại chỗ, bà cùng hai người nữa được các đơn vị quanh đó tới cứu nhưng rồi hai người này cũng hi sinh trên đường đưa đến trạm quân y.
Riêng bà, sau khi sơ cứu, các bác sỹ cũng xác định là đã tắt thở nên được chuyển vào nhà xác cùng với một số chiến sỹ khác đã hi sinh. Nhưng chuyện hi hữu đã xảy ra, sáng hôm sau khi người ta vào nhà xác để đem bà đi chôn thì nghe thấy tiếng rên khe khẽ.... Biết được bà vẫn còn sống nên các bác sỹ vội vàng đưa vào phòng cấp cứu.
Ca mổ được tiến hành ngay sau đó, từ trong cơ thể của bà người ta đã gắp ra gần 30 mảnh bom đạn quái ác. Nhưng đó chỉ là một phần trong hàng trăm mảnh to nhỏ khác nhau còn nằm lại trong cơ thể của bà, đặc biệt là ở những vùng nhạy cảm như đỉnh sọ, thái dương, lồng ngực, phổi, gân bàn chân mà y học hồi đó chưa thể lấy ra được.
40 năm qua bà vẫn phải sống trong sự đau đớn, hành hạ của vô số mảnh đạn chiến tranh đang từng ngày như đội thịt nhô lên khắp cơ thể. Năm 1999, sau ca mổ kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ, các bác sỹ giỏi bậc nhất của Bệnh viện chỉnh hình Bộ Lao động -Thương binh -Xã hội tiếp tục lấy ra từ cơ thể của bà 12 mảnh kim loại đen, sắc cạnh. Vì sức khỏe của bệnh nhân không cho phép thực hiện những ca mổ liên tục nên bà đã được nghỉ phép để phục hồi sức khỏe.
Gần 8 năm sau (năm 2007), qua hai lần “xẻ thịt” tại Bệnh viện Lê Lợi, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và Bệnh viện Quân y 108, 15 mảnh bom đạn nhỏ ly ty từ khắp các cơ quan như: Hộp sọ, gáy cổ, mu bàn tay, gót chân.. của bà tiếp tục được gắp ra.
Lục trong tủ lấy ra 2 chiếc lọ đựng đầy mảnh bom, là những kỷ vật sau nhiều lần mổ đau đớn, bà Lý tâm sự trong nước mắt: “Mặc dù các bác sỹ đã lấy ra ngần này rồi đây nhưng hiện tại trong cơ thể của tôi còn lại nhiều lắm chú ạ! Qua những vệt đen to bằng hạt ngô trên nhiều tấm phim chụp X-quang ở các bệnh viện, các bác sỹ cho tôi biết đó là những mảnh kim loại còn nằm lại trong cơ thể mà họ đành bó tay bởi nếu lấy ra thì sợ sức khỏe của tôi không cầm cự được. Không còn cách nào khác, 40 năm nay tôi đành sống chấp nhận sống chung, mặc cho chúng hành hạ vậy”.
Một số mảnh đạn gắn vào phần đầu của bà Lý
Thiêng liêng thiên chức làm mẹ
Với hàng trăm mảnh bom đạn còn găm đầy cơ thể, bà sống trong nỗi đau đớn hành hạ của một cựu binh bị thương nặng phải liên tục điều trị ở trạm quân y chiến khu Ba Rền.
Cho đến cuối năm 1973, điều kỳ diệu đã xảy ra: Bà đã mang thai đứa con đầu lòng. Nhớ đến những ngày con mang thai ở quá khứ, bà nói trong hai dòng nước mắt: “Được làm mẹ là một điều hạnh phúc và vô cùng thiêng liêng nhưng vì bị thương nên lúc đó tôi vừa mừng vừa lo, bởi không biết có đủ sức khỏe để sinh con ra không nữa”.
Nhưng rồi những vết thương của bom đạn chiến tranh không thể ngăn được ý chí của người phụ nữa này. Với nghị lực phi thường có được từ trái tim khát khao làm mẹ, bà đã chiến thắng, vượt lên hoàn cảnh đau đớn. Từ lúc mang bầu thai nặng có khi phải bò lết từng bước dưới đất cho đến ngày vượt cạn. Đó quả là một quá trình vươn lên để sống vì thiên chức làm mẹ thiêng liêng của người nữ thương binh.
Hồi đó, các phương tiện để mổ đẻ không đủ, bà gần như kiệt sức nằm thiếp trên giường. Không có bình ô-xy, người ta phải ghé miệng vào để tiếp hơi cho bà rặn đẻ. Chỉ khi tiếng khóc oe oe của đứa trẻ mới chào đời mới phá tan không khí ngột ngạt căng thẳng. Thay vào đó là niềm reo hò hạnh phúc vô bờ bến: “Con gái, bốn ký rưỡi, xinh lắm chị Lý ơi!”. Cuộc vượt cạn đã thành công khiến các y bác sỹ phải lắc đầu thán phục.
Những tháng ngày chăm con của bà Lý cũng đầy cực nhọc. Hai bầu vú của bà con nhiều mảnh đạn nên rất ít sữa và mỗi lần con bú là mỗi lần bà đau trào nước mắt. Bà nghe con khóc ngằn ngặt mà không cho bú được thì đau đớn lắm, còn đau hơn cả nỗi đau thể xác mà vết thương cùng những mảnh đạn trong cơ thể hành hạ bà mấy chục năm qua.
“Rất may trong nông trường hồi đó có chị cũng đang nuôi con nhỏ nên bèn xin chị đem bé sang cho chau bú nhờ”, bà nói, mắt đẫm lệ. Bây giờ người con gái Nguyễn Thị Hoài Thanh ấy đã khôn lớn. Chị hiện là sỹ quan của Đoàn T42, tỉnh đội Quảng Trị.
Các năm 1978 và 1982 bà tiêp tục sinh thêm hai cô con gái khỏe mạnh, xinh xắn là Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Hoài Vân. Những lần vượt cạn ấy đều là những lần dường như bà phải ngừng thở để có thể nghe được tiếng khóc chào đời của các con.
Hiểu Anh