40 năm tình nguyện... nhặt rác

40 năm tình nguyện... nhặt rác

Thứ 5, 27/12/2012 23:50

Nghề nấu ăn cũng giỏi, nghề may cũng tài, nghề làm tóc thì “vang danh” một thuở” nhưng rồi bà lại chọn công việc nhặt rác tình nguyện suốt gần 40 năm.

Tháng 5, Sài Gòn đã vào mùa mưa. Trên con đường loang loáng nước, một đôi tình nhân chở nhau trên chiếc xe tay ga. Cô gái ngồi sau giận dỗi quăng bó hoa xuống vệ đường, chàng trai bực bội phóng vút đi. Chỉ còn lại những bông hoa tội nghiệp dập nát trên mặt cống. Lát sau, một đôi tay già cỗi, gầy guộc nhặt bó hoa lên, ngắm nghía thật lâu và đem đến thùng rác gần đó...

Pháp luật - 40 năm tình nguyện... nhặt rác

Bà Tư đẩy xe trên đường

Người đàn bà “vác tù và hàng tổng”

Đó chính là bà Tư, “công dân tiêu biểu của đường Võ Văn Ngân” như nhiều người dân ở đây vẫn thường trìu mến gọi. 37 năm qua, dường như con đường Võ Văn Ngân và những con đường khác ở Thủ Đức (TP.HCM) không thiếu bóng dáng bà Tư nhặt rác “tự nguyện”. Bà tên thật Nguyễn Thị Điểu, quê gốc ở thị xã Rạch Giá, Kiên Giang. Năm nay bà đã 77 tuổi nhưng không lúc nào chịu ở nhà. Nhìn áo quần, dáng vẻ lam lũ cơ cực, ai cũng nghĩ bà không có người thân, không nhà cửa.

Thật ra bà đã từng có nhà, nhưng vì thương một đứa cháu nợ nần chồng chất, bà đã bán. Từ đó, bà dọn về sống với vợ chồng em gái tại khu phố 2, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức. Nhà bà Tư không khó khăn, mọi người trong gia đình ngăn cản bà đi quét rác nhưng mỗi ngày, bà vẫn đẩy xe đi khi phố xá còn im lìm trong giấc ngủ. Người thân trong nhà năn nỉ bà đừng đi quét rác nữa nhưng tính bà đã quyết định cái gì thì không ai có thể cản được. Bà Tư tâm sự: “Nghề gì cũng là nghề. Tôi thích một công việc tự do, thoải mái và tôi thích cái nghề này”.

Cứ chừng 4 giờ sáng, bà Tư đã lọ mọ dậy đẩy chiếc xe rác đi khắp nơi tới trưa về nhà ăn cơm rồi chiều đi tiếp đến tận 9 giờ đêm mới về nhà nghỉ ngơi. Bà thu dọn tờ rơi, bao ni lông, chai nhựa và tất cả những gì vương vãi trên đường. Nhiều loại rác được bà Tư mang về phân loại bán lấy tiền cho mấy đứa cháu, cũng có khi tặng những người mua ve chai nghèo khổ khác. “Phải chi bả (bà) lượm ve chai, bán có tiền rồi bả ăn uống, lo cho bản thân mình thì gia đình cũng không nói gì. Đằng này, bả làm bao nhiêu đem cho hết, không lo gì cho bản thân cả. Có khi bà chỉ giữ 10 ngàn trong người thôi. Tính bả không thích xài tiền”, em gái bà Tư tâm sự.

Một đời tận tụy hy sinh...

Bà Tư xuất thân từ một gia đình khá giả. Khi 7 tuổi bà đã theo mẹ học nấu ăn. Từ các loại bánh mứt đến thức ăn Tây,Tàu gì bà cũng biết làm. Đặc biệt, bà có khả năng nêm nếm thức ăn rất chính xác. Rồi bà không thích nấu ăn nữa, bà đi học nghề may. Hồi đó, bà may rất đẹp và giỏi, rất nhiều quan chức lui tới tiệm bà may áo quần. Rồi bà chuyển sang làm thợ uốn tóc. Ngày đó, khách tiệm bà rất đông, ai cũng cố chờ để tới lượt tay bà làm. Được hơn 3 năm ở Nha Trang, bà chuyển về Thủ Đức mở tiệm uốn tóc lớn hơn…

Thế mà, không ai hiểu nổi người phụ nữ 30 tuổi đa nghề, có đầy đủ mọi thứ lại... không muốn lập gia đình. Nhiều người yêu bà, muốn tặng bà tiệm uốn tóc lớn trên đường Đồng Khơẩi. Có ông chủ vườn cà phê, ông chủ cửa hàng xe đò – xe lam muốn hỏi bà về làm vợ nhưng bà không chịu. “Ngày nào cũng có người tới dạm hỏi bả cho con trai họ nhưng bả lắc đầu nguầy nguậy. Gia đình cũng đành chịu”, em gái bà Tú nhớ lại. Lý giải về điều này, bà Tư chỉ cười hiền lành: “Tại Tư không có thương ai hết, Tư thích tự do. Không lấy chồng, Tư kiếm tiền lo được cho cả nhà, nuôi mẹ, nuôi em chứ lấy chồng là không lo được gì nữa hết...”.

Vì những đóng góp của mình, bà được UBND phường, quận tặng bằng khen “Công dân tiêu biểu có những đóng góp bảo vệ môi trường sống”.

Sau khi quyết định ở vậy để nuôi gia đình, bà dẹp tiệm uốn tóc để đi buôn bán ở chợ. Từ đây, bà quen với công việc thu lượm ve chai và đi nhặt rác. Cả nhà ngăn cản nhưng bà một mực nhất quyết theo nghề. Khi đã có tuổi, người nhà nhất quyết bắt bà Tư ở nhà nhưng chỉ vài ngày sau mọi người trên đường lại thấy bà Tư lọ mọ đẩy xe, nhặt rác khắp các con đường Thủ Đức. Bà tâm sự: “Ở nhà, Tư không chịu được, chân tay rỗi rãi lắm. Tư muốn ra đường đi làm”. Nhiều lần gia đình đem xe rác bán đi để bà không đi ra ngoài khổ cực nữa nhưng mỗi lần như vậy bà lại lấy tiền mua chiếc xe khác. Khuyên, ngăn cản không được, gia đình đành bất lực chiều theo ý nguyện “làm sạch đường phố” của bà Tư.

Theo lời ông Nguyễn Đình Thương, em rể bà Tư, dù trời mưa nắng, bão lốc gì bà cũng dắt xe đi. Trận bão lớn mới đây, nhiều cây cối đổ rạp ngoài đường, ai cũng lo ở trong nhà vậy mà bà vẫn đi nhặt rác ngoài đường. Bà không sợ mưa gió, vẻ lạc quan dâng đầy trong nụ cười móm mém: “Có gì đâu, gió to nhưng Tư đi qua rồi mới có gió”. Đi ngoài đường với chiếc xe đầy rác, năm 2010 bà Tư bị xe đụng gãy tay, phải đi bệnh viện và nghỉ dưỡng gần 10 tháng. Tay vừa lành, bà Tư lại tiếp tục đẩy xe đi.

Tạm biệt bà Tư, tôi được bà tặng cho những bông hoa còn tươi bà mới lượm trên đường. Rời chỗ tập kết rác của bà, tôi không sao quên được hình ảnh một bà cụ già nua, lam lũ, gầy guộc nhặt lấy bó hoa bên vệ đường và ngắm nghía thật lâu. Ở bà vẫn tràn trề sức sống dù rất giản dị: tự lập, lạc quan, yêu đời, yêu những gì còn đẹp và đáng quý hơn là tấm lòng dành cho những người thân, cho những con phố vẫn ngày đêm bị con người vô tình hay cố tình bôi bẩn...

Tiểu Tân


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.