PGS. TS Mai Duy Tôn - Bác sĩ khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai cho biết: Khoa Cấp cứu vừa tiếp nhận trường hợp người đàn ông đi tập thể dục buổi sáng ven Hồ Tây tầm 4h sáng nên đã bị đột quỵ. Rất may người tập thể dục sau đó đã phát hiện và gọi xe cấp cứu đưa vào viện. Nhờ được phát hiện kịp thời, ông được cấp cứu qua cơn nguy kịch.
Bình thường, mỗi ngày, bệnh viện Bạch Mai chỉ tiếp nhận 3 - 4 bệnh nhân đột quỵ, nhưng trong 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch chìm trong rét đậm vừa qua, số bệnh nhân đến cấp cứu do đột quỵ đã tăng lên gần 40 trường hợp/ngày.
Bác sĩ Tôn chia sẻ với báo Vov.vn: “Các đợt rét đậm, số bệnh nhân đột quỵ thường có xu hướng tăng. Trời lạnh gây ra co thắt mạch, có thể gây ra tăng huyết áp, đột quỵ chảy máu. Nếu việc ăn uống không đảm bảo đủ năng lượng, mà máu bị cô đặc thì dễ gây ra tắc mạch, đột quỵ do thiếu máu não…”.
Nguyên nhân nhiều người dễ bị đột quỵ trong mùa đông
Trên tờ Dân trí đăng tin, một nghiên cứu thực hiện tại bệnh viện Đại học Jena ở Thuringia, miền trung nước Đức, thời tiết lạnh có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên đến 30%. Nguy cơ này xuất hiện tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, trong những tháng mùa đông vừa rồi, bác sĩ tại khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai cho biết, riêng tại phòng cấp cứu 1, số lượng bệnh nhân đột quỵ tăng 10-15% so với ngày thường. Nhiều trường hợp đột quỵ, nhồi máu não do thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự thay đổi nhiệt độ đột ngột (ví dụ như từ trong nhà hoặc trong chăn ấm ra ngoài lạnh) khiến cho cơ thể không kịp thích nghi, các mạch máu bị co lại, dẫn đến huyết áp tăng nhanh và bị đột quỵ.
Không những thế, nhiệt độ lạnh cũng làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu và độ nhớt của máu. Khi đó lượng enzyme tiêu hủy sợi huyết giảm, lòng mạch bị thu hẹp, máu hay bị vón cục và lưu lượng máu qua não giảm, dẫn đến tai biến. Nhiệt độ quá lạnh cũng dễ làm tăng tiết các catecholamine - chất trung gian cho nhiều hoạt động sinh lý và chuyển hóa. Khi chúng tăng lên có thể dẫn đến co mạch ngoại biên, giãn mạch thụ động ở những nơi ít chịu ảnh hưởng như mạch não, mạch phổi, từ đó, dẫn đến biến chứng đứt mạch não.
Dấu hiệu nhận biết người bị đột quỵ
Theo TS. BS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu thì cách đơn giản nhất để ai cũng có thể nhận biết được dấu hiệu đột quỵ là yêu cầu người bệnh nói – cười – giơ tay, chân.
Nói: Có biểu hiện nói ngọng, khó nói, nói không tròn vành rõ chứ, không nói được.
Cười: Mồm méo, lệch một bên.
Giơ tay chào, nhấc chân: Không giơ được tay lên để chào hoặc giơ hai tay lên ngang vai nhưng 1 bên tay bị sệ hơn. Nhấc chân lên nhưng không nhấc được hoặc nhấc khó…
Nếu có 3 dấu hiệu này thì chính là đột quỵ và cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời trong thời gian vàng.
Cách phòng tránh nguy cơ đột quỵ vào mùa đông
Giữ cho cơ thể đủ ấm, tránh những đợt gió lạnh bất thường, không bước ra ngoài gió ngay khi thức dậy tránh để cơ thể bị thay đổi nhiệt độ đột ngột... là những điều ai cũng phải làm để phòng ngừa bệnh vào mùa đông.
Ngoài ra, để ngừa đột quỵ vào mùa đông mọi người cần lưu ý các vấn đề sau:
Hạn chế uống rượu: Nhiều người cho rằng uống rượu vào thời gian này sẽ ấm bụng tuy nhiên mùa đông, khi uống rượu chất cồn lưu lại trong máu lâu do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm, dẫn tới tăng huyết áp, nhịp tim, tăng lưu lượng máu và làm giảm độ kết dính của máu.
Điều trị tốt các bệnh lý cao huyết áp, bệnh đái tháo đường, máu nhiễm mỡ: Người bị nhóm bệnh này đặc biệt có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn hẳn những người khác. Huyết áp cao làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, gây tắc nghẽn mạch máu dẫn, đồng thời là nguyên nhân trực tiếp của những bệnh tim mạch nguy hiểm như: Huyết áp cao, động mạch vành, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, suy tim, đột quỵ... Nhóm bệnh nhân bị huyết áp cao thường rơi vào những người mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu...
Ăn nhiều rau củ quả, hạn chế muối để tránh nguy cơ cao huyết áp - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ: Một chế độ ăn không quá nhiều muối, hạn chế thịt sữa, tránh xa thực phẩm chứa nhiều cholesterol, ăn thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước, tránh hút thuốc lá và rượu bia... sẽ có tác dụng giúp bạn phòng bệnh.
Thay đổi nếp sống: Hãy cố gắng duy trì đời sống tình cảm tâm lý ổn định, tránh những xúc động hay chấn thương quá mức. Việc làm này không những giúp cơ thể khỏe mạnh, lưu thông, tuần hoàn tốt mà còn giảm hẳn stress và các bệnh về tâm lý nên cũng giảm tải áp lực cho não.
Thăm khám sức khỏe định kỳ: Bạn nên đi khám ít nhất 1-2 lần 1 năm để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những nguy cơ gây đột quỵ.
Luyện tập thể dục đều đặn: Một chương trình tập thể dục toàn diện, bao gồm cả bài tập sức mạnh, bài tập cốt lõi, kéo giãn cơ thể cũng như cường độ cao... sẽ giúp tuần hoàn máu trong cơ thể thuận lợi hơn, nhịp tim ổn định, nhờ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch dẫn đến đột quỵ.
Chọn thực phẩm bảo vệ sức khoẻ chất lượng cao, uy tín để phòng ngừa đột quỵ hiệu quả: Khi lựa chọn sản phẩm bổ trợ sức khỏe phải chọn sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí: Nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (và có thể dễ dàng kiểm chứng được); Thành phần được trình bày công khai, đầy đủ (từ hóa chất hay thành phần tự nhiên có ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào)...
Phong Linh (tổng hợp)