45 năm giải phóng Quảng Trị và những giá trị lịch sử

45 năm giải phóng Quảng Trị và những giá trị lịch sử

Nguyễn Thị Hường

Nguyễn Thị Hường

Chủ nhật, 30/04/2017 18:25

Chiến dịch giải phóng Quảng Trị 1972 đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến và tạo đà cho chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 để Việt Nam hoàn toàn được giải phóng.

LTS: Nhân dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất Đất nước (30/4/1975-30/4/2017), Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu – Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng bộ Quốc phòng đã hồi ức lại những năm tháng hào hùng của dân tộc. Báo điện tử Người Đưa Tin xin trân trọng đăng tải bài viết của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu gửi cho tòa soạn...

Cách đây 45 năm, khi đất nước chúng ta bị chia cắt tại vĩ tuyến 17, mảnh đất Quảng Trị là nơi gánh chịu nhiều nỗi đau trong chiến tranh bởi là tuyến đầu ngăn cách giữa bờ Nam và bờ Bắc. Năm 1972, quân và dân cả nước hướng vào chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Quảng Trị đã là tỉnh đầu tiên của Việt Nam được giải phóng trong tiến trình hướng đến độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ. Hôm nay, Quảng Trị đã xoa dịu nỗi đau sau những tháng ngày kháng chiến gian khó và vươn lên phát triển mạnh mẽ, nhưng giá trị lịch sử của những ngày tháng mang niềm vui ngày giải phóng vẫn còn nguyên vẹn.

Mở đường cho đàm phán quốc tế

Chiến dịch giải phóng Quảng Trị thành công bởi sức mạnh của nghệ thuật quân sự Việt Nam với sự kết hợp ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Đây được đánh giá là cuộc chiến ác liệt nhất, với những hi sinh và gian khổ nhất.

Sau ngày giải phóng, quân và dân Quảng Trị tiếp tục chiến đấu giữ và bảo vệ Thành cổ trong 81 ngày đêm với sự giành giật từng mét đất, với những phương án đấu trí đầy căng thẳng, đầy hiểm nguy. Chính bởi những gian lao, hi sinh, máu và nước mắt mà chiến dịch này được đánh giá là chiến dịch ác liệt nhất trong chặng đường hướng tới đất nước thống nhất.

Kết nối NĐT - 45 năm giải phóng Quảng Trị và những giá trị lịch sử

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng về thăm và dự ngày thành lập Quân đoàn 1.

Chiến dịch tiến công giải phóng Quảng Trị nằm trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son rực sáng, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong tiến trình tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành chiến tranh sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Kết thúc cuộc tiến công chiến lược Xuân Hè năm 1972, ta buộc Mỹ phải nghiêm túc ngồi vào đàm phán tại Hội nghị Paris và đặt bút ký Hiệp định vào tháng 1 năm 1973.

Chiến dịch giải phóng Quảng Trị 1972 đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến và tạo đà cho chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 để Việt Nam hoàn toàn được giải phóng, non sông nối liền một dải trong niềm vui trọn vẹn. Đúng như những câu thơ chúc Tết trong bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác Hồ năm 1969:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì Độc lập, vì Tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào

Tiến lên chiến sĩ đồng bào

Bắc – Nam sum họp, xuân nào vui hơn

Những giá trị lịch sử giúp Việt Nam có tên gọi trên trường quốc tế, tạo đà cho việc thực hiện mong ước của Bác Hồ “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, đó chính là một trong những giá trị lịch sử to lớn mà giải phóng Quảng Trị đã thể hiện.

Và cho dù 45 năm hay rất nhiều năm nữa, bài học và giá trị này vẫn sẽ còn nguyên vẹn trong chặng đường phát triển của đất nước chúng ta.

Xoa dịu những nỗi đau thời chiến

Có thể nói trong tất cả các mặt trận, Quảng Trị vẫn luôn là mặt trận đầy căng thẳng và cam go, với sự đầu tư chiến lược của phía bên kia vào mảnh đất được coi là mấu chốt này.

Kết nối NĐT - 45 năm giải phóng Quảng Trị và những giá trị lịch sử (Hình 2).

Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu (ngoài cùng bên trái) hạ quyết tâm tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới Mỹ tại Sáp Đá Mài Tân Kim, Cam Lộ, Quảng Trị (tháng 4/1970).

Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, chúng ta đã lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn nhờ vận dụng linh hoạt nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Từ lợi dụng địa hình, những mưu trí và cách đánh ít gây thương vong, nhưng giá trị cao nhất vẫn là sự đoàn kết giữa quân và dân để những tiếng hát vẫn vang lên trong bom đạn, khói lửa và những người dân vẫn sẵn sàng che giấu cho bộ đội về làng. Có những nắm cơm chia đôi, những bát nước chè xanh uống vội, nhường cái ăn, có khi nhường cả sự sống. Đó chính là tấm tình sâu của quân và dân Quảng Trị đối với quân giải phóng.

Để đến nay sau bao nhiêu năm giải phóng, Quảng Trị vẫn đang miệt mài khắc phục hậu quả sau chiến tranh.

Đã 45 năm sau ngày giải phóng, Quảng Trị hôm nay dù đã phát triển nhưng vẫn mang trong mình những vết thương không thể nói hết thành lời.

Quân và dân Bình Trị Thiên nói chung, quân và dân Quảng Trị nói riêng đối với quân giải phóng đó là tình sâu, đó là nghĩa nặng, đó là những món nợ mà trong suốt hành trình sau cuộc chiến, những người con đã chiến đấu ở mảnh đất này vẫn tìm về để tri ân, để hoài niệm.

Kết nối NĐT - 45 năm giải phóng Quảng Trị và những giá trị lịch sử (Hình 3).

Cắt băng khánh thành Tượng đài Hoài niệm tại Quảng Trị.

45 năm sau ngày giải phóng

Nhắc đến Quảng Trị là nhắc đến những ký ức

Buồn có

Vui có

Tự hào có

Và hiện nay mảnh đất lửa năm xưa vẫn đang bền bỉ gửi thông điệp hòa bình tới toàn thế giới thông qua những hành trình trên mảnh đất này.

Có những chương trình hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội

Có những tượng đài

Có rất nhiều nơi khắc ghi lại bao con người đã ngã xuống vì mảnh đất đầy những vết thương.

Hành trình hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội là hành trình cho hàng triệu người con trong nước, những người khách quốc tế ưa chuộng hòa bình cùng về thăm lại mảnh đất lịch sử để tri ân, báo đáp.

Hành trình hoài niệm lịch sử cũng là sợi chỉ kết nối nhân dân cả nước, người Việt ở nước ngoài, bạn bè quốc tế trong vòng tay gìn giữ và bảo vệ hòa bình.

Để góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thế hệ hôm nay và mai sau. Dù một hành động nhỏ nhưng đang từng bước đoàn kết toàn dân, kết nối các thế hệ, để thế hệ hôm nay vẫn nhớ về những hy sinh của thế hệ trước, những ngày tháng chiến đấu gian lao cho tự do trên mảnh đất này.

Nói bao nhiêu cũng không đủ, viết bao nhiêu cũng cảm thấy còn nợ mảnh đất Quảng Trị đầy đau thương, nợ ân tình, nợ sự sẻ chia, và 45 năm qua, biết bao giá trị lịch sử luôn nguyên vẹn, thế hệ hôm nay cũng luôn nhớ về ngày giải phóng Quảng Trị, một tỉnh đầu tiên của Việt Nam được giải phóng, một bước ngoặt thời cơ thật ý nghĩa trong lịch sử và còn vẹn nguyên giá trị cũng như thông điệp hòa bình của hôm nay và mai sau.

(Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.