Theo Bộ GD&ĐT, năm nay có 69 đơn vị đăng ký dự thi với 4.589 thí sinh tham gia dự thi. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia đã hoàn tất.
Bộ GD&ĐT sẽ công bố kết quả thi vào giữa tháng 3. Những học sinh có kết quả tốt nhất sẽ được chọn tham gia kỳ thi chọn các đội tuyển Olympic Việt Nam dự thi khu vực và quốc tế diễn ra trong 3 ngày 6, 7, 8/4/2023 và Kỳ thi Vật lý và Tin học Châu Á - Thái Bình Dương diễn ra trong tháng 5/2023; các Kỳ thi Olympic Quốc tế trong tháng 7 và 8/2023.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 02/2003/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Thông tư có hiệu lực từ ngày 21/2/2023.
Theo Quy chế sửa đổi, đối tượng và điều kiện dự thi là thí sinh là học sinh đang học ở cấp THPT, có xếp loại hạnh kiểm (hoặc rèn luyện) và học lực (hoặc học tập) từ khá trở lên theo kết quả cuối kỳ (hoặc năm học) liền kề với kỳ thi và được chọn vào đội tuyển của đơn vị dự thi.
Số lượng thí sinh trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia được quy định cụ thể: Đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi (trừ đơn vị dự thi Hà Nội) có tối đa 6 thí sinh.
Đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong 2 kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ GD&ĐT xét tăng đến tối đa 10 thí sinh.
Đội tuyển mỗi môn thi của đơn vị dự thi Hà Nội có tối đa 12 thí sinh. Đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong 2 kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ GD&ĐT xét tăng đến tối đa 20 thí sinh.
PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết các khâu tổ chức thi được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất. Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia THPT được tổ chức với mục tiêu động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi. Cùng với đó, góp phần cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học hướng đến năng lực, phẩm chất và chất lượng công tác quản lý. Kỳ thi đồng thời phát hiện người học có năng khiếu để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu học thật, thi thật, chọn được nhân tài thật.
Kỳ thi nhằm phát hiện người học có năng khiếu về môn học cụ thể, song cũng là sân chơi với những kiến thức bổ ích, gắn với thực tế. Học sinh có thể bày tỏ quan điểm cá nhân về những vấn đề trong chính đời sống xã hội, giúp các em phát triển toàn diện trong tương lai.
Với thành tích cao của các Kỳ thi Olympic từ trước đến nay, rất nhiều học sinh giỏi đoạt giải quốc tế đã trưởng thành và trở thành những nhà khoa học lớn cho thấy đây cũng là cơ hội để giáo dục Việt Nam hội nhập quốc tế.
Về phía Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục có những chính sách phù hợp để phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, đổi mới giáo dục; có giải pháp để ngày càng nhiều học sinh thể hiện, phát huy được năng lực và phát triển toàn diện.
“Ngày thi đang đến gần, các thí sinh không nên quá áp lực về kỳ thi và hãy bình tĩnh, tự tin thể hiện năng lực vượt trội của mình ở bài thi để đạt kết quả tốt nhất. Tham gia kỳ thi như là một hoạt động trải nghiệm trong cuộc sống để hướng đến tương lai tốt đẹp hơn cho cá nhân, gia đình, ngôi trường và địa phương nơi các em đang theo học và lớn hơn nữa là cho quốc gia”, PGS.TS Huỳnh Văn Chương nhắn nhủ.
Trúc Chi (theo Giáo Dục & Thời Đại, Đại Biểu Nhân Dân)