Theo cáo trạng của VKSND quận C, TP.H, ngày 5/12/2017, sau trận đòn từ mẹ kế Phạm Thị Trinh (34 tuổi), cậu bé Trần K. 10 tuổi, đã tìm cách trốn đến nhà ông bà nội. Từ đây người nhà phát hiện trên cơ thể cậu bé có rất nhiều thương tích, nghi bị bạo hành.
Khi bị cơ quan công an bắt giữ, Trần Nam (35 tuổi, ngụ quận B), bố bé K. khai đã dùng móc áo bằng nhôm để "dạy dỗ" con. Lần khác, Nam dùng muôi múc canh đánh vào đầu, đạp cháu K. gãy xương sườn.
Vợ Nam là Trinh (34 tuổi) thừa nhận, chiều 5/12, đã dùng đũa vụt mạnh vào mặt K. vì “lấy trộm đồ”.
Lúc đầu, Nam và Trinh bị khởi tố về tội Ngược đãi con theo Điều 151 Bộ luật Hình sự 1999. Tiếp tục điều tra, cơ quan điều tra xác định, ngoài ngược đãi con, Nam còn gây thương tích cho K. với tỷ lệ là 22%. Trinh gây tổn thương cho cậu bé là 3% nên cơ quan công an đã xử phạt hành chính về hành vi này. Trần Nam bị khởi tố thêm về tội Cố ý gây thương tích.
Căn cứ kết quả điều tra, VKS quyết định truy tố Trần Nam về các tội Ngược đãi con theo Điều 151 BLHS; Cố ý gây thương tích theo điểm d (Đối với trẻ em) khoản 1 Điều 104 BLHS năm 1999. Truy tố Phạm Thị Trinh về tội Ngược đãi con theo Điều 151 BLHS.
Ngày 16/3/2018, TAND quận C mở phiên tòa xét xử vụ án trên. Tham dự phiên tòa gồm có thẩm phán, chủ tọa Lê Xuân Hiển. Đại diện VKS, kiểm sát viên Trần Mai. Luật sư Hoàng Thị Hoa, đoàn luật sư TP.H cùng bào chữa cho 2 bị cáo Nam và Trinh. Mẹ cháu K. là người giám hộ hợp pháp không mời luật sư.
VKS: Bị cáo còn hơn cả hổ dữ
Tại cơ quan điều tra, bị cáo Nam đã nhiều lần “dạy dỗ” con trai bằng vũ lực, khi thì dùng móc áo, khi thì dùng muôi múc canh và tay chân. Cách dạy con của Nam thô bạo đến mức ngoài những vết thương ngoài da, bé K. còn bị gãy xương sườn. Không chỉ ngược đãi con, hành vi của Nam còn cấu thành tội Cố ý gây thương tích vì đã gây tổn hại đến sức khỏe của bé K. tới 22%.
Các cụ ta có câu “hổ dữ không ăn thịt con” thế mà Nam nỡ xuống tay với chính con đẻ của mình. Vì Nam dạy dỗ con đầy bạo lực nên vợ Nam mới “học theo” chồng. Tuy nhiên, do mức độ gây tổn hại cho cháu K. của Trinh chỉ là 3% nên Trinh không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích mà chỉ bị truy cứu về tội Ngược đãi con.
Điều 151 BLHS quy định người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
Với những hành vi trên, VKS đề nghị xử phạt bị cáo Trần Nam 24 tháng tù về tội Ngược đãi con, 24 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích; Đề nghị xử phạt bị cáo Phạm Thị Trinh 6 tháng tù về tội Ngược đãi con.
Bị cáo Nam: Tôi chỉ muốn con nên người
Thưa quý tòa, tôi biết nhiều người có mặt tại phiên tòa hôm nay căm hận, trách móc tôi về những gì tôi đã làm với con mình. Là một người cha, tận sâu trong tâm khảm, tôi chỉ mong con trai mình nên người. Sau khi tôi và mẹ cháu ly hôn, tôi đã dành cho cháu toàn bộ tình thương của mình, để cháu không cảm thấy thiếu thốn tình cảm. Tuy nhiên, không hiểu sao cháu rất bướng bỉnh, ngỗ nghịch, không chịu nghe lời người lớn. Thậm chí cháu rất lỳ lợm, hay cãi lại. Rất nhiều lần bắt gặp con ăn vụng, tôi và mẹ kế của cháu đã nhắc nhở, phân tích cho cháu hiểu làm như vậy là sai nhưng cháu vẫn chứng nào tật nấy. Có lần cháu còn lấy trộm tiền của tôi để đi ăn quà.
Tôi nghĩ “yêu cho roi cho vọt” nên có đánh con mấy cái. Không ngờ hậu quả lại nghiêm trọng như vậy. Giờ tôi rất hối hận về những gì mình đã làm, mong pháp luật khoan hồng để cho tôi có cơ hội sửa sai.
Bị cáo Trinh: Thương con nên mới dạy con như vậy
Tuy chỉ làm mẹ kế nhưng tôi thương bé K. như con đẻ của mình. Chính vì thế khi thấy cháu phạm lỗi, bị bố cháu đánh, tôi rất thương. Tuy nhiên, K. rất khó bảo. Dù hay bị bố đánh nhưng cháu vẫn không chịu thay đổi thói quen xấu là ăn vụng và trộm cắp vặt. Hôm đó, thấy cháu ăn vụng thịt bò hầm, tôi có quật vào mông cháu mấy cái để cháu sợ. Ai ngờ sau đó cháu trốn về nhà bà nội. Mọi người lên án tôi, rằng “mẹ kế ngược đãi con chồng” nhưng có mấy ai hiểu việc nuôi dưỡng một đứa trẻ bướng bỉnh vất vả như thế nào? Nếu chúng tôi không dạy cháu, thì sau này cháu hư, ai sẽ chịu trách nhiệm? Mọi người phải đặt mình vào địa vị của chúng tôi thì mới hiểu vì sao chúng tôi làm như vậy.
Luật sư bào chữa cho các bị cáo: Có ở trong chăn mới biết chăn có rận
Tuy không đồng tình với hành vi của các bị cáo nhưng tôi cũng muốn mọi người hiểu rằng chuyện gì cũng có nguyên do của nó. Có câu “có ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Chỉ những người trực tiếp sống và nuôi dưỡng cháu K. mới hiểu rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, cách dạy dỗ con của vợ chồng bị cáo hơi thái quá, khiến cháu bé bị tổn thương thể xác. Có ai biết rằng sau khi đánh con, Nam đã ngồi khóc rất lâu? Vợ chồng tan vỡ, được quyền nuôi dạy con trai, Nam luôn lo sợ con thiếu thốn tình cảm nên rất yêu chiều cháu. Nhưng có lẽ vì chiều chuộng quá nên bé K. mới trở nên bướng bỉnh, không nghe lời như vậy. Và trong lúc giận quá mất khôn, các bị cáo đã có hành vi đánh cháu.
Sau khi bị bắt, Nam đã rất hối hận. Bản thân Trinh thì lại đang có thai nên tinh thần cũng khá khủng hoảng. Trước khi phạm tội, các bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo…Đó là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo. Đề nghị HĐXX xem xét.
Người giám hộ của cháu K.: Tôi không nhận ra con mình
Khi biết thông tin vụ việc, tôi như rụng rời chân tay. Trước khi về sống với bố, cháu K. nặng gần 40 kg. Chỉ sau một thời gian không gặp con, cháu chỉ còn hơn 20 kg, khiến bản thân tôi cũng không nhận ra con của mình. Sau khi ly hôn, mỗi lần tôi đến thăm con đều bị Nam cản trở, gây khó dễ. Có lẽ anh ta sợ cháu K. gặp tôi thì sẽ lộ ra việc bị cha và mẹ kế bạo hành. Hiếm hoi lắm mẹ con tôi mới nói chuyện được với nhau 2, 3 câu qua điện thoại và lần nào cháu cũng khóc. Khi đó tôi chỉ nghĩ là cháu khóc vì nhớ mẹ, ai ngờ...
Tôi không ngờ Nam lại cư xử tàn ác với con trai như vậy. Nếu tôi biết anh ta là người như thế, khi tòa xử cho ly hôn, tôi đã không để cho anh ta được quyền nuôi con. Tôi cảm thấy có lỗi vì không bảo vệ được con mình. Bây giờ nguyện vọng của tôi là pháp luật trừng trị những kẻ đã gây tổn hại đến sức khỏe của con trai tôi.
HĐXX: Cần có hình phạt nghiêm khắc
Căn cứ hồ sơ vụ án, lời khai nhận tội của các bị cáo và nhân chứng cũng như diễn biến của phiên tòa hôm nay, HĐXX nhận thấy việc VKS truy tố các bị cáo là có cơ sở. Trong suốt thời gian dài, 2 bị cáo đã có hành vi hành hạ, ngược đãi con đẻ của mình gây tổn hại rất lớn về sức khỏe, tâm lý của cháu bé. Hành vi đó không những vi phạm nghiêm trọng pháp luật mà còn gây hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức, thuần phong mỹ tục,…cần phải xử lý nghiêm để làm gương.
Áp dụng điểm d khoản 1 Điều 104, Điều 151 BLHS năm 1999 phạt bị cáo Trần Nam 24 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích; 24 tháng tù về tội Ngược đãi con; Tổng hợp hình phạt mà bị cáo Nam phải nhận cho cả 2 tội là 48 tháng tù giam.
Phạt bị cáo Phạm Thị Trinh 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Ngược đãi con. Buộc các bị cáo phải bồi thường cho cháu K. 50 triệu đồng tiền chi phí điều trị, 30 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần. Các bị cáo, người giám hộ của bị hại có 15 ngày để kháng cáo bản án này, kể từ ngày hôm nay.
Ánh Dương