Khi đến bản làng
Ở một số tỉnh vùng Tây Bắc, bạn sẽ bắt gặp những bản làng người Hà Nhì dưới chân núi, gần các con sông, con suối. Nếu vào bản người Hà Nhì, thấy một cánh cổng chào dựng tạm phía trên buộc những dao, kiếm gỗ, đầu cánh gà, bạn đừng nên vào bởi đó là lúc họ đang tổ chức lễ cúng xua đuổi tà ma.
Khi vào bản những người dân tộc Tày, Thái, Giáy, Lào, Bố y, Xá Phó, bạn cũng phải chú ý điều tương tự. Hàng năm các nghi lễ cũng thần làng, xua đuổi tà ma thường được tổ chức vào tháng 2, 6 và 7 âm lịch. Họ thường buộc chùm lá xanh ở trên cột cao hoặc đan phên mắt cáo, buộc vào đó những xương hàm lợn, trâu bò.
Vào những ngày cúng tế, người lạ không được phép vào làng. Nếu bạn vô tình lạc vào mà cầm nón, che ô, đeo ba lô... sẽ bị phạt bằng cách nộp đủ số lễ vật để làm lại lễ cúng làng. Nếu trường hợp khẩn cấp, bạn phải bỏ mũ, ba lô... mới có mong được giảm hoặc miễn phạt.
Đi lại trong bản không cười đùa huyên náo. Bạn đừng nên xoa đầu chúng bởi theo quan niệm của người dân tộc, xoa đầu, hôn đầu trẻ sẽ làm cho chúng hoảng sợ, dễ bị đau ốm.
Bạn đừng nên dừng chân nghỉ ngơi, hay ăn uống, vứt rác bừa bãi khi vào khu vực chung thờ cúng linh thiêng của người dân tộc. Nơi đây thường là một khu rừng cấm, có cây cổ thụ, một hòn đá kỳ vĩ thờ thần thánh. Tối kỵ là không huýt sáo khi dạo chơi ngắm cảnh bản. Âm thanh tiếng huýt sáo được cho là gọi ma quỷ về bản.
Trang phục mặc vào thăm bản không mặc loại lanh trắng chưa nhuộm, đó là màu sắc của tang lễ.
Vào thăm nhà
Trước khi vào thăm nhà, cần quan sát kỹ, nếu thấy ở trước cửa nhà, ở đầu cầu thang cắm hoặc treo một cành lá xanh, một cành gai hoặc cắm một tấm phên đan hình mắt cáo…đó là những dấu hiệu kiêng cấm, gia đình không muốn người lạ vào.
Nhà người Hà Nhì đen có hai lớp cửa, khách xa tới chỉ nên vào cửa thứ nhất. Nếu muốn vào cửa thứ hai phải được gia đình chủ đồng ý.
Nếu vào nhà người dân tộc, bạn phải làm theo sự chỉ dẫn của chủ. Thường thì gian giữa là gian thờ cúng, khách không được phép ngồi. Với người dân tộc Mông, ghế đầu bàn dành cho cha mẹ, dù cho cha mẹ đã khuất, khách cũng không được ngồi vào chiếc ghế đó.
Bạn cũng không được đặt mũ, nón, tư trang và đồ dùng khác ở nơi đó, không được sờ tay lên các đồ thờ cúng. Khi ngồi không được quay lưng vào nơi thờ.
Bếp lửa vừa là nơi nấu nướng vừa là nơi tiếp khách của đồng bào các dân tộc, đồng thời là nơi thiêng liêng thờ vua bếp, thần lửa. Bạn không đặt chân lên hoặc làm xê địch hòn đá kê làm kiềng, vì theo quan niệm của một số dân tộc, các hòn đá này là nơi trú ngụ của thần lửa.
Trong ngôi nhà đồng bào các dân tộc cửa và cây cột chính cũng là vị trí linh thiêng thờ thần cửa, thần cột cái. Vì vậy không nên ngồi bậu cửa hoặc treo mũ nón và tựa lưng vào cột cái. Ở vùng người Thái, Tày, Kháng, La Ha, Phú Lá kiêng không đem lá xanh, cành cây xanh, rau xanh vào cửa chính.
Chào hỏi
Bạn nên chủ động chào hỏi chủ nhà bằng thái độ chân thành. Khi chia tay có thể bắt tay, không cần nói lời tạm biệt nhưng hãy nhớ luôn nở nụ cười trên môi nhé.
Ăn uống
Khi ngồi ăn, phải chú ý vị trí ngồi vì mỗi dân tộc có quan niệm về chỗ ngồi khác nhau. Với những người Giáy, Dao phía dãy ghế ở gần bàn thờ dành riêng cho người cao tuổi nhất, khách quý nhất. Người Thái, Tày, Mường nơi giáp cửa sổ gia chủ đặt hai chén con có ý giành cho tổ tiên về tiếp khách, khách không ngồi ở vị trí đó.
Bạn cũng không được rót rượu, gắp thức ăn trước chủ nhà. Đặc biệt, khi dùng cơm xong không được úp bát, chén xuống mâm, chỉ thầy cúng mới được phép làm như vậy để đuổi tà ma.
Khách ngồi uống rượu cần, giao lưu, chuyện trò cùng gia chủ không được vừa nói, vừa chỉ trỏ ngón tay ra phía trước. Người Mông cho rằng hành vi đó là bày tỏ thái độ không bằng lòng hoặc coi thường người tiếp chuyện.
Khi ngủ
Bạn cần phải lưu ý chỗ ngủ theo sự chỉ dẫn của gia chủ. Không nằm để chân về phía bàn thờ. Ở một số vùng người Mông, Dao, Thái... kiêng không mắc màn màu trắng trong nhà.
Theo iOne