Xác định công việc hướng đến
Trước hết, ứng viên nên xác định công việc hướng đến một cách cụ thể, rõ ràng. Thay vì tìm kiếm chung chung như “việc làm marketing” hay “công việc lập trình” thì bạn nên “gọi tên” cụ thể như chuyên viên Digital Marketing (tiếp thị số) trong ngành hàng F&B; hoặc vị trí thực tập sinh Front-end developer (lập trình viên giao diện) chuyên lĩnh vực game…
Một mẹo nhỏ là để làm được điều này bạn nên phân tích bản thân và tìm hiểu về chức danh bạn đang hướng đến. Một số từ khóa cơ bản khi kiếm việc bao gồm vị trí công việc, lĩnh vực chuyên môn, loại hình công việc, phạm vi và môi trường làm việc. Điều đó sẽ thu hẹp phạm vi tìm kiếm và giúp bạn nhanh chóng tìm được công việc phù hợp với mình hơn.
Khai thác hiệu quả các nền tảng trực tuyến
Sự đa dạng của cơ hội việc làm kéo theo khả năng tiếp cận công việc của ứng viên cũng trở nên năng động hơn. Các nền tảng kết nối nghề nghiệp được xem là công cụ hỗ trợ đắc lực. Không chỉ cung cấp số lượng lớn cơ hội việc làm với đa dạng lĩnh vực và vị trí, các nền tảng này còn chia sẻ cẩm nang và kinh nghiệm trong suốt quá trình tìm việc. Một số mạng tuyển dụng trực tuyến như LinkedIn, CareerLink.vn sẽ là lựa chọn uy tín để giúp bạn tiết kiệm thời gian khi tìm kiếm việc làm. Ngoài ra, xu hướng tiếp cận doanh nghiệp thông qua các cổng thông tin cũng là bí quyết để bạn trò chuyện trực tiếp và có thêm những thông tin cần thiết.
Định lượng giá trị của bản thân
Trước khi nộp đơn xin việc, bạn cần suy nghĩ về những gì mình có thể mang lại cho doanh nghiệp ở vị trí này. Sau khi viết ra những kinh nghiệm làm việc và kỹ năng, bước tiếp theo là định lượng thành những giá trị cụ thể để nhà tuyển dụng dễ dàng hình dung. Điều này rất hữu ích vì nó thể hiện rằng bạn hiểu rõ năng lực bản thân, biết mình phù hợp như thế nào với công việc sắp tới.
Đặc biệt là đối với những công việc đòi hỏi khả năng làm việc cá nhân cao như chuyên viên kinh doanh, thiết kế đồ họa thì mục tiêu làm nổi bật giá trị của bản thân trong hồ sơ xin việc càng trở nên quan trọng. Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh đáng kể để doanh nghiệp có cơ sở lựa chọn bạn vào những vòng tiếp theo.
Hướng đến các công ty cụ thể
Ngoài xác định công việc trước khi ứng tuyển thì bạn cũng có thể tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả bằng cách nhắm tới các công ty cụ thể. Bí quyết này phù hợp với những ứng viên có kinh nghiệm ở nhiều vị trí đang muốn phát triển ở một môi trường mới hoặc những bạn trẻ mới ra trường và đang sẵn sàng thử sức. Hãy viết ra danh sách từ 3 – 4 doanh nghiệp phù hợp với tiêu chí mà bạn đưa ra, ví dụ như văn hóa thương hiệu, cơ hội thăng tiến, quyền lợi và phúc lợi,…
Mẹo tìm việc nhanh này ngày càng trở nên phổ biến khi mà hầu hết các doanh nghiệp lớn đều bắt đầu trau chuốt đến hình ảnh và giá trị trên các nền tảng mạng xã hội để quảng bá tới không chỉ đối tượng khách hàng mà còn hướng đến những nhân sự tiềm năng.
Tối ưu hóa hồ sơ xin việc trước khi gửi
Một lỗi sai mà rất nhiều bạn gặp phải đó là muốn gia tăng khả năng được mời phỏng vấn bằng cách gửi CV cho quá nhiều doanh nghiệp. Thói quen này là nguyên nhân chính khiến CV của bạn bị bỏ qua vì thiếu sức hút, nhạt nhòa. Nên thay vào đó, bạn hãy đầu tư thời gian điều chỉnh những chi tiết nhỏ để mang đến cảm giác chỉn chu khi nhà tuyển dụng đọc CV của bạn. Một số điều chỉnh tuy đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao mà bạn có thể tham khảo:
- Nhắc đến tên doanh nghiệp trong cover letter (thư xin việc) hoặc portfolio (hồ sơ kinh nghiệm);
- Sử dụng lại các từ khóa có trong tin bài tuyển dụng;
- Lồng ghép vào CV các yếu tố nổi bật của thương hiệu mà bạn ứng tuyển;
- Tích cực thể hiện tư duy để giải quyết vấn đề thực tế của doanh nghiệp trong các bài kiểm tra năng lực.
Trên đây là 5 bí quyết tìm việc nhanh hơn và thông minh hơn. Hy vọng thông qua bài viết vừa rồi bạn đã có thêm những thông tin hữu ích để chinh phục công việc phía trước.
Tiến Huy