Trong cuộc sống hàng ngày, cách bạn nói chuyện cùng với ngôn từ bạn dùng chính là nhân tố quyết định một cuộc hôn nhân hạnh phúc hay cuộc hôn nhân mang nhiều chịu đựng.
Nếu bạn muốn có kỹ xảo hơn không chỉ ở việc đưa ra nhu cầu mà còn ở việc thỏa mãn nhu cầu của vị hôn thê, hãy tham thảo những gợi ý dưới đây.
Khi muốn yêu cầu bạn đời:
Hãy nói thẳng
Đơn giản là vì việc bạn nhai đi nhai lại tới vài lần một ngày rằng bạn sẽ thấy phấn khích thế nào khi nhìn vào cái bếp sạch sẽ không có nghĩa chồng bạn sẽ tức tốc đi lau chùi khu nhà bếp. Bạn không thể đổ lỗi cho chồng khi mà chính bạn cũng không dành thời gian để nói thẳng nguyện vọng của mình.
Cách tốt nhất để tránh những bực bội không mong muốn là nói chính xác bạn đang cần gì. Với những người vợ muốn được giúp việc nhà nhiều hơn, có thể “tà lưa” kiểu như: “Anh yêu, anh có thể giúp em rửa bát sau bữa tối được không? Em sẽ cảm ơn anh lắm lắm. Nếu chúng ta dọn dẹp xong sớm, ta sẽ có nhiều thời gian cho nhau hơn.” Đây là lời mời gọi (chứ không phải mè nheo đòi hỏi) sự giúp đỡ của chồng. Anh nhà sẽ có cảm giác mình thực sự rất quan trọng trong lúc này.
Chú ý giọng điệu khi nói
Theo giáo sư Albert Mehrabian, nổi tiếng với ấn phẩm về tầm quan trọng của thông điệp ngôn từ và phi ngôn từ, giọng điệu của chúng ta làm nên khoảng 35-40% thành công cho những thông điệp mà ta muốn gửi. Khi vợ hoặc chồng nhờ bạn đón con từ sân tập bóng đá và bạn “Ừ/ Vâng”, giọng của bạn mang tính mỉa mai, không quan tâm, mất tập trung hay chân thành? Đặc biệt khi nói chuyện với người yêu, bạn rất cần phải lưu tâm đến ngữ điệu.
Lựa chọn thời gian hợp lý
Hãy lựa chọn không gian và thời gian hợp lý cho cuộc trò chuyện. Nếu bạn muốn nói về vấn đề tiền bạc, nên chọn thời điểm khi cả hai đang ở trong một môi trường không căng thẳng và có thể nói chuyện mà không bị gián đoạn – ví dụ như sau khi bọn trẻ đã đi ngủ. Thời gian hợp lý sẽ tạo nên sự khác biệt giữa một cuộc trò chuyện tâm đầu ý hợp và một trận phun trào như ngọn núi lửa St. Helens.
Khi đang trong cuộc hội thoại:
Hãy lắng nghe
Lắng nghe đòi hỏi nhiều cố gắng hơn việc đưa ra những lời nói vô nghĩa trong khi mắt và tay đang lướt web. Một số điều cần lưu ý khi vợ hoặc chồng của bạn đang tâm sự: giao tiếp bằng mắt, bỏ qua mọi phiền nhiễu (như tắt điện thoại, TV), không ngắt lời, và nhắc lại mục tiêu của nàng/chàng để tránh hiểu lầm. Chúng ta thường xuyên nghĩ rằng ta biết những gì người khác sẽ nói hoặc đang cố gắng nói ra nên ta chưa để họ nói hết câu mà đã xen vào. Đặc biệt, điều này hay xảy đến với người bạn đời của bạn, bạn cần phải thể hiện tình yêu và sự quan tâm của bạn bằng cách lắng nghe và thực sự nhập tâm - cho dù là đề tài nào đi nữa.
Công nhận
Công nhận là bước cuối cùng để bạn đời biết bạn thực sự đã nghe và muốn hiểu rõ nhu cầu của họ.
Mark D. Ogletree và Douglas E. Brinley đã từng nói: “Chúng ta thường bỏ qua bước cuối cùng trong giao tiếp. Khi chia sẻ với nhau, chúng ta luôn có nhu cầu được công nhận. Để bạn đời chia sẻ thôi là chưa đủ; chúng ta phải tiến một bước xa hơn và công nhận những vấn đề mà người đó vừa chia sẻ với chúng ta”.
Bạn có thể trả lời đơn giản như: “Cảm ơn anh đã tâm sự cùng em. Em muốn được nghe chuyện của anh mỗi ngày”. Hay nếu bạn đang thảo luận các vấn đề hệ trọng hơn, bạn có thể nói như sau: “Hẳn là khó diễn tả lắm, nhưng em rất vui vì anh đã nói ra. Có thể bây giờ em chưa hiểu hết cảm giác của anh, nhưng em rất muốn hiểu. Em hy vọng chúng ta có thể giải quyết được vấn đề này.”
Trong hôn nhân, bạn phải rất “chỉn chu” trong việc nói cái gì và nói như thế nào với bạn đời của mình. Hầu hết chúng ta dễ xúc động và dễ bị tổn thương hơn là ta vẫn thể hiện. Tôi nhớ lại lời của ông Thomas S. Monson, một người theo phái ủng hộ hôn nhân, “Đừng bao giờ để một vấn đề cần giải quyết trở nên quan trọng hơn một người cần được yêu thương.”
Hãy tập giao tiếp hiệu quả hơn, trước hết bằng cách nói ra những nguyện vọng của mình một cách thẳng thắn và trìu mến, sau đó là đón nhận nhu cầu của bạn đời với lòng từ bi và tình yêu thương. Bằng cách đó, bạn sẽ mang lại sự đồng cảm sâu sắc giữa hai vợ chồng.
Thùy Ngân (theo familyshare.com)