Dạy con khó lắm, đâu phải chuyện thường! Tâm lý chung của những bậc phụ huynh là mong con có cuộc sống thoải mái, bình yên. Từ lúc con còn nhỏ các bố mẹ đã phải làm tất cả mọi thứ cho con: Đặt tên con, cho con ăn, dạy con học, nuôi con lớn.
Nhưng khi sự bảo bọc quá kỹ càng thì điều này lại gây ra những tác hại không ngờ tới cho sự phát triển thể chất cũng như ý thức, tinh thần của con. Do đó, điều cần thiết nhất là dạy con cách đối mặt và giải quyết những vấn đề của bản thân.
Không nên là những bố mẹ “máy bay trực thăng”
Thuật ngữ “bố mẹ máy bay trực thăng” dùng để chỉ những ông bố bà mẹ bảo bọc con quá mức, giữ cho con ở trong một vùng an toàn nhất định và không muốn con vượt ra khỏi vùng an toàn ấy. Họ chú tâm một cách thái quá vào việc chỉ dẫn con phải làm thế nào và bảo vệ con như thế nào trong khi bọn trẻ hoàn toàn có khả năng làm những điều chúng thích và thể hiện cảm xúc của mình.
Kiểu phụ huynh này luôn không muốn con cái họ đối mặt với hệ quả của những gì con đã làm nếu cảm thấy việc đấy không an toàn. Giống như máy bay trực thăng luôn ở phía trên và sẵn sàng ứng cứu bất kỳ lúc nào. Điều này dẫn đến hậu quả lớn về thiếu hụt kỹ năng sống và kinh nghiệm giải quyết vấn đề của trẻ.
Nên khuyến khích trẻ tư duy sáng tạo
Trẻ phải tự giải quyết những điều chúng thấy mâu thuẫn và sáng tạo ra cách chơi mới. Những người sáng tạo thường có trí óc linh hoạt trong việc giải quyết các vấn đề, các ông bố bà mẹ không nên nghĩ thay con. Thay vào đó, nên khuyến khích con nên nghĩ thoát ra khỏi những tư duy định kiến. Đây là cách quan trọng để các vị phụ huynh dạy con cách giải quyết vấn đề của mình.
Làm thế nào để kích thích tư duy sáng tạo của con?
Bạn hãy đặt ra những câu hỏi đóng, câu hỏi mở ví dụ như: "Con nghĩ thế nào về việc này” hay “Theo con chúng ta nên làm cách nào”. Khuyến khích con nhập vai vào những vở kịch để con có sự thấu cảm với nhân vật và suy nghĩ về những cái kết khác ngoài cái kết trong bản gốc của câu chuyện.
Dạy trẻ về sự kiên trì
Dạy con về tính kiên trì trong cuộc sống. Đây là kỹ năng mà hầu hết trẻ em đều thiếu. Khi bọn trẻ rơi vào thế bí và mong chờ giải pháp từ bạn, hoặc các bé có thái độ nóng nảy khi làm việc không thành thì bạn đừng nên vội chỉ trích. Thay vào đó, hãy khích lệ con rằng con có thể làm được và làm tăng sự tự tin của chúng.
Cuộc sống đầy thách thức và bạn phải nuôi dạy con giải quyết được vấn đề của chính mình. Nếu không, bọn trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc vượt qua những rào cản trong cuộc sống sau này.
Thách thức là cơ hội
Sẽ có những lúc bọn trẻ phải rơi nước mặt vì gặp khó khăn. Thay đổi cách nhìn của bọn trẻ về những thách thức của cuộc sống bằng cách hướng dẫn con chia nhỏ vấn đề, giải quyết từng bước. Đây là cách để con nâng cao khả năng phân tích vấn đề và tiếp nhận nhiều luồng ý kiến. Khi vấn đề được co nhỏ lại, các con sẽ giải quyết chúng tốt hơn.
Có một vài câu hỏi mà các bố mẹ có thể tham khảo
“Có chuyện gì không ổn sao?”, “Vì sao con thấy chán nản vậy?”, “Con đã thử chưa?”,
“Con sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?”, “Nếu giải quyết vấn đề theo cách này thì chuyện gì sẽ xảy ra?”,
“Nếu con bỏ mặc vấn đề, khó khăn ở đấy thì chuyện gì sẽ xảy ra?”,
Trẻ học theo những gì chúng thấy chứ không học theo những gì chúng nghe.
Các bố mẹ luôn nhớ rằng nếu muốn dạy con cách giải quyết vấn đề cần phải cho chúng biết phải làm thế nào. Khi rơi vào hoàn cảnh tương tự, trẻ sẽ nhớ những gì bạn thể hiện.
Nếu bạn nói với con rằng cần phải giữ bình tĩnh trong một tình huống phát sinh, hãy đảm bảo bạn phải chứng minh điều đó. Nếu chính bạn còn bị rối loạn thì bọn trẻ sẽ coi đó là phản ứng thông thường khi đối mặt với tình huống. Phải cho con thấy rằng bản thân bạn đã vượt qua khó khăn như thế nào, như vậy chúng sẽ học theo và hình thành cách ứng xử tốt với những khó khăn, thử thách.
Bạn nên tự nhận ra lỗi sai của bản thân và nói với con. Sai lầm là điều khó tránh khỏi trong cuộc đời, đó là điều bạn cần nói với con. Nhận sai lầm và sửa sai để mọi chuyện được giải quyết tốt hơn.
Hà Trang (Theo sg.theasianparent, channel news Asia)