Chị Phan Hồ Điệp kể lại rằng, chị đã rất nhiều lần nghe thấy những lời than phiền: “Em rất muốn ôm ấp con để trò chuyện nhưng con em không thích. Khi nhìn một đứa bé ngồi yên nghe mẹ giảng giải, em luôn ước ao, giá như con cũng như vậy thì em sẽ có thể dạy bé được bao điều. Thay vào đó, con em chạy nhảy không ngừng. Nó từ chối mọi sự âu yếm của em. Lỗi không phải do em không dành thời gian cho con mà bởi vì, con em không hợp tác”.
Theo chị Điệp, sau khi sinh con, các bà mẹ lại ấn tượng với hình ảnh một đứa bé ngoan ngoãn, dễ thương, ngồi yên nghe mẹ giảng giải mọi điều. Suy nghĩ đó khiến các mẹ trở nên căng thẳng khi đứa bé “không như hình dung”.
Và nhiều ông bố bà mẹ vẫn đang tìm ra cách để có thể trấn an, xoa dịu những em bé dễ nổi cáu.
Sau đây là những cách mà chị Phan Hồ Điệp mách nước cho những ông bố bà mẹ:
Cho bé chơi với nước
Tôi đã thử điều này và thấy rất hữu dụng. Bạn có thể cho bé vầy tay trong nước thậm chí ngâm mình trong bồn tắm. Nếu bạn đi đâu xa, bạn có thể dùng một khăn ướt mát lạnh cho vào trán. Với những trẻ hay nổi cáu, bạn cũng nên nghĩ ra những trò chơi với nước như: Rửa rau củ, hoa quả, đổ nước từ vật này sang vật kia, lấy nước nhào cát.
Nếu bạn làm việc này từ khi con còn nhỏ, khi con lớn, mỗi lần có việc giận dữ, trẻ có thể có cách tự điều hòa bằng việc ngâm trong bồn tắm để hát hò, đọc sách.
Hãy nghĩ ra những trò chơi tưởng tượng
Bạn cố gắng nghĩ ra những trò mà bạn có thể chạm vào trẻ. Ví dụ, tưởng tượng mình đi đến một buổi tiệc, cần gội đầu này (làm động tác như gội đầu cho bé), phải đánh phấn, bôi son (với bé gái) hoặc cạo râu với bé trai. Mình sẽ đeo vòng, đeo nhẫn (bạn có thể giả động tác xỏ từng cái nhẫn vào ngón tay,… Cứ thế, bạn làm cho bé tập trung vào những công việc mà bạn đang thực hiện.
Bạn cũng có thể chơi trò chơi “cái lá”. Giả cho trẻ làm cái lá. Khi bạn hát to, cái lá sẽ nghiêng ngả mạnh. Còn khi bạn hát thầm thì "cái lá” sẽ nằm ra đất. Thực chất của trò chơi này là kết hợp giữa vận động và nghỉ ngơi nên rất phù hợp với những trẻ hay chạy nhảy.
Những trò chơi sử dụng đa giác quan
Ví dụ: Chơi nhào đất nặn, chơi xúc hạt, xúc cát, nhào bột, tắm cho búp bê, thổi bong bóng, bọt biển. Những lúc bé rất bực tức, bạn có thể xoa dịu bằng cách cho bé chơi với bọt cạo râu. Sẽ rất tuyệt nếu bạn chơi trò “viết số không cần nhìn”, đó là, bạn gãi lưng theo kiểu cào từ trên xuống dưới chậm rãi, bạn gãi mấy lần thì con sẽ ghi số tương ứng. Trò này chính là cách xoa dịu trẻ rất hữu hiệu.
Hít thở sâu
Kể cả con bạn còn bé cũng có thể áp dụng điều này bằng cách làm mẫu và cho con sờ vào bụng để cảm nhận bụng phồng lên hay xẹp xuống. Cách này còn hữu hiệu với cả… bố mẹ mỗi khi cần kiềm chế cơn nóng giận. Tôi rất hay áp dụng phương pháp này.
“Rổ bình tĩnh”
Bạn hãy tìm những đồ chơi “tĩnh” như miếng bọt biển, cái bút màu, miếng xếp hình, thú bông… để vào một cái rổ. Bạn cất chiếc rổ đó đi và chỉ dùng khi trẻ cáu giận. Bạn đem cái rổ ra và nói: “Con chọn đồ chơi con thích đi”. Điều này sẽ giúp trẻ thu hút vào đồ chơi đó và quên đi cảm xúc tiêu cực.
Chị Phan Hồ Điệp chia sẻ thêm: “Những cách này tôi cũng học hỏi từ sách vở. Tôi nghĩ, tất cả trẻ em nếu có sự hiểu và đồng cảm của cha mẹ sẽ khiến đứa bé “tỏa sáng". “Mỗi chúng ta tỏa sáng theo nhiều cách khác nhau nhưng điều đó không khiến cho ánh sáng của chúng ta bớt rực rỡ đi”.
Việc hiểu để làm bạn, để tìm ra những khả năng của con thực sự cần thiết.