Lockheed Martin F-22
Raptor F-22 Raptor là phiên bản tiên phong trong dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5. Quân đội Mỹ cho F-22 bay thử lần đầu tiên ngày 7/9/1997. Tuy nhiên, phải 8 năm sau, chiếc máy bay độc đáo mới xuất hiện trước mắt công chúng thế giới. Công nghệ tàng hình mà F-22 sở hữu là một trong những bí mật quân sự mà Mỹ bảo vệ nghiêm ngặt nhất.
Chiến đấu cơ Lockheed Martin F-22 Raptor. Ảnh: Wikipedia.
Thiết kế của F-22 cho phép nó chiếm ưu thế trên không, tăng cường khả năng tấn công mặt đất, chiến tranh điện tử và do thám. Hãng Lockheed Martin chịu trách nhiệm chính trong dự án phát triển F-22, chế tạo phần khung, hệ thống vũ khí, hệ thống điều khiển và kiểm soát hỏa lực của máy bay. Boeing chế tạo cánh, thân sau, hệ thống điện tử tích hợp và đào tạo. Giá mỗi chiếc F-22 khoảng 350 triệu USD.
F-22 sở hữu chiều dài 18,9 m, sải cánh rộng 13,56 m, nơi cao nhất đạt 5,08 m. Tải trọng cất cánh rỗng đạt 19,7 tấn, còn tải trọng cất cánh tối đa đạt 38 tấn. Chiếc máy bay có khả năng bay với vận tốc gấp 2,25 lần âm thanh, tương đương 2.410 km/h. Trần bay tối đa của nó đạt 19,8 km, tầm hoạt động đạt 3.219 km. Nó mang theo một pháo 6 nòng, cỡ nòng 20 mm với 480 viên đạn cùng các tên lửa đối không, đối đất. 4 giá treo dưới cánh cho phép F-22 mang các thùng nhiên liệu phụ có khối lượng 2.268 kg.
Lockheed Martin F-35 Lightning II
F-35 Lightning II là sản phẩm của tập đoàn chế tạo máy bay Lockheed Martin. Đây là phản lực chiến đấu đa nhiệm thế hệ thứ năm, ra đời nhằm thực hiện các cuộc tấn công mặt đất, trinh sát và phòng không. F-35 có ba biến thể chính: F-35A, F-35B (cất cánh với đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng) và F-35C (dành cho các tàu sân bay).
Phản lực chiến đấu Lockheed Martin F-35 Lightning II. Ảnh: Wikipedia.
Chuyến bay đầu tiên của F-35 diễn ra vào ngày 15/12/2006. Ước tính, F-35A trị giá 153,1 triệu USD/chiếc, F-35B trị giá 196,5 triệu USD/chiếc trong khi F-35C trị giá 199,4 triệu USD/chiếc. Dự án phát triển F-35 do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ dẫn đầu. Anh, Israel, Italy, Hà Lan, Australia, Canada, Na Uy, Đan Mạch và Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham gia dự án.
F-35 dài 15,67 m, sải cánh 10,7m, nơi cao nhất đạt 4,33 m. Tải trọng cất cánh rỗng của F-35 đạt 13,3 tấn trong khi tải trọng cất cánh tối đa của chiếc máy bay lên tới 31,8 tấn. Một động cơ duy nhất cho phép F-35 di chuyển với vận tốc Mach 1,6+, tương đương 1.930 km/h. Trần bay tối đa của F-35 lên tới 18,288 m, còn phạm vi hoạt động tối đa của nó đạt 2.220 km. Nó mang một pháo 4 nòng GAU-22/A Equalizer, cỡ nòng 25 mm. Sáu giá treo dưới cánh cùng khoang vũ khí trong thân cho phép F-35 triển khai tên lửa đối không, đối đất, đối hạm và bom các loại.
Sukhoi T-50
Thuộc nhóm máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đầu tiên của Liên bang Nga, T-50 là máy bay tàng hình đa nhiệm do Sukhoi chế tạo. Chuyến bay đầu tiên của nó diễn ra vào ngày 29/1/2010, đưa nó trở thành mẫu phản lực chiến đấu tàng hình thứ ba trên thế giới. Sukhoi đã chế tạo 10 nguyên mẫu Sukhoi T-50 đầu tiên nhưng phải tới năm 2016, phiên bản tiêu chuẩn mới chính thức được hoàn thiện.
Phản lực tàng hình Sukhoi T-50. Ảnh: Wikipedia.
Giá của mỗi chiếc Sukhoi T-50 lên tới hơn 50 triệu USD. Tuy nhiên, phiên bản tiêu chuẩn của mẫu máy bay này có thể vượt 100 triệu USD/chiếc. Ngoài quân đội Nga, không quân Ấn Độ cũng có cơ hội sở hữu những chiếc T-50 do cùng tham gia nghiên cứu chế tạo.
Sukhoi T-50 sở hữu chiều dài 19,8 m, sải cánh 14 m, điểm cao nhất đạt 6,05 m. Nó có tải trọng cất cánh tối thiểu 18,5 tấn, còn tải trọng cất cánh tối đa lên tới 37 tấn. Tốc độ của nó đạt Mach 2+, tương đương 2.135 km/h. Phạm vi hoạt động của T-50 lên tới 5.500 km, trần bay tối đa đạt 20.000 m. Nó có 12 giá treo vũ khí (6 trong thân và 6 ngoài thân), cho phép nó mang tên lửa và bom các loại.
Thành Đô J-20
Thành Đô J-20 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm do Tập đoàn Công nghiệp máy bay Thành Đô chế tạo cho không quân Trung Quốc. Đây là loại máy bay một ghế lái, hai động cơ có khả năng tàng hình. Thành Đô J-20 cất cánh lần đầu vào tháng 1/2011. Trung Quốc hi vọng mẫu J-20 đầu tiên sẽ góp mặt trong biên chế không quân vào năm 2019.
Máy bay chiến đấu Thành Đô J-20 của Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia.
J-20 có 2 vây đuôi thẳng đứng cùng một cặp cánh phụ gần cửa hút gió. Cấu tạo cửa hút gió của J-20 khá giống F-22 Raptor của Mỹ. Ngoài ra, khoang chứa vũ khí của chiếc máy bay này giống mẫu phản lực chiến đấu thế hệ thứ 5 đầu tiên trên thế giới. Các góc cạnh của J-20 giống mẫu máy bay tàng hình F- 117 Nighthawk của Mỹ.
Thành Đô J-20 dài 20,3 m, sải cánh 12,88 m, nơi cao nhất đạt 4,45 m. Theo ước tính, tải trọng tối đa của J-20 đạt 36,288 kg. Nó mang tên lửa đối không tầm ngắn PL-10 SRAAM, tên lửa đối không tầm trung PL-15 AAM.
KAI KF-X
KAI KF-X là dự án phát triển máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ 5 của Hàn Quốc. Nếu thành công, KAI KF-X sẽ góp mặt trong biên chế Hàn Quốc (ROKAF) và đối tác chính của không quân Indonesia. Tính tới thời điểm hiện tại, KAI KF-X là dự án chế tạo phản lực chiến đấu thứ hai của Hàn Quốc sau mẫu chiến đấu cơ FA-50.
Phản lực chiến đáu tàng hình KAI KF-X của Hàn Quốc. Ảnh: Wikipedia.
Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-Jung tiết lộ Dự án phát triển KAI KF-X vào tháng 3/2001. Tới tháng 7/2010, Hàn Quốc và Indonesia ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, phát triển KAI KF-X. Theo phía Hàn Quốc, KAI KF-X là máy bay chiến đấu một ghế lái, hai động cơ phản lực có khả năng tàng hình. Hàn Quốc tự đánh giá KAI KF-X vượt trội hơn các loại chiến đấu cơ thế hệ 4+ Dassault Rafale của Pháp hay Eurofighter Typhoon của châu Âu nhưng kém Lockheed Martin F-35 Lightning II.
Theo dự kiến, KAI KF-X sẽ cất cánh lần đầu tiên vào năm 2021. Nó sẽ có chiều dài 16,7 m, sải cánh 11,4 m, nơi cao nhất đạt 4,58 m. Hai động cơ phản lực đẩy cho phép KAI KF-X di chuyển với vận tốc Mach 1.8, tương đương hơn 2.000 km/h
Theo Zing