Đến sớm và quan sát đối thủ
"Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng", do đó hiểu đối thủ của mình trong cuộc phỏng vấn nhóm là điều cần thiết. Trong cuộc phỏng vấn này, bạn không chỉ phải đối diện trực tiếp với nhà tuyển dụng mà còn phải đối đầu cùng lúc với nhóm ứng viên khác. Việc hiểu họ trước khi bắt đầu phỏng vấn giúp bạn có chiến lược hiệu quả và phù hợp hơn.
Hãy đến buổi phỏng vấn xin việc làm ở TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội… sớm hơn để dành thời gian quan sát đối thủ, kết nối và trò chuyện với họ. Bạn có thể hỏi những điều xoay quanh công việc trước đó của họ, từ kinh nghiệm, lý do đến buổi phỏng vấn đến sở thích hoặc không thích, sau đó xác định điểm mạnh điểm yếu, tính cách và phần nào năng lực của đối thủ. Điều này sẽ giúp bạn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng và tự tin hơn khi bước vào buổi phỏng vấn.
Không nên "chiếm" hết sự nổi bật
Hầu hết các nhà tuyển dụng đều bị thu hút bởi ứng viên nhiều năng lượng, luôn đưa ra câu trả lời sớm nhất. Tuy nhiên không phải việc liên tục "chiếm sóng" hay cố tình "lấn át" ứng viên khác sẽ được chọn.
Nhà tuyển dụng luôn có cách để chia đều cơ hội cho các ứng viên còn lại. Hơn nữa, họ ưu tiên tìm người làm được việc, có khả năng phối hợp với đồng đội chứ không đi tìm một người chỉ thích đi một mình. Do đó, bạn không nên quá lo lắng nếu ứng viên khác lấn át hay tạo ấn tượng trước. Bạn càng không nên là người đầu tiên đưa ra câu trả lời nếu chỉ vì tâm lý sợ không có cơ hội thể hiện.
Điều bạn nên làm là bình tĩnh và tập trung để đưa câu trả lời chất lượng. Bởi quan trọng nhất không phải vấn đề thời gian mà nội dung câu trả lời của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn luôn "tụt" lại phía sau hoặc ngồi im lặng có nghĩa cơ hội việc làm dành cho bạn đã hết. Vì thế, bạn cũng nên chú ý đến việc nắm bắt tỉ lệ trả lời trước khoảng 1 đến 3 câu hỏi.
Tôn trọng ý kiến ứng viên khác
Hiệu quả và chất lượng buổi phỏng vấn nhóm không chỉ phụ thuộc vào năng lực mà còn là thái độ, phản ứng của các ứng viên. Bạn không phải là duy nhất nên đừng chỉ biết có mình mà không quan tâm đến ứng viên khác.
Bạn cần dành không gian im lặng khi ứng viên khác đang trao đổi với nhà tuyển dụng. Khi họ đưa ra ý kiến bạn cần tập trung lắng nghe. Dù là quan điểm trái chiều thì vẫn nên dành sự tôn trọng cho họ. Bạn nên thể hiện sự ủng hộ bằng cách gật đầu, vỗ tay nhẹ; tuyệt đối không nên có biểu cảm như lắc đầu, bĩu môi, cười nhạt… Thái độ chuyên nghiệp này không chỉ thể hiện sự trưởng thành, chín chắn của bạn mà còn góp phần tạo ra buổi phỏng vấn hiệu quả, văn minh.
Đặt câu hỏi thông minh
Câu hỏi ngược thực sự quan trọng trong buổi phỏng vấn nhóm. Nó cho thấy sự khác biệt về tầm nhìn công việc, sự hiểu biết sâu sắc của bạn về công việc và công ty.
Do đó, câu hỏi ngược không nên xoay quanh nội dung dễ tìm câu trả lời như lịch sử công ty, cơ cấu phòng ban hay câu hỏi về quyền lợi, giờ giấc làm việc. Thay vào đó, bạn nên hướng đến các câu hỏi về tầm nhìn doanh nghiệp, đối thủ của họ hoặc các phẩm chất để thành công trong công việc. Bạn cũng có thể chọn câu hỏi giúp mở rộng cuộc thảo luận như về thách thức công ty đang đối mặt và cách bạn cùng ứng viên khác có thể đóng góp để giải quyết vấn đề…
Kết nối và tạo mối quan hệ tốt
Bên cạnh nội dung trả lời và thái độ của bạn, nhà tuyển dụng cũng chú ý đến cách bạn tương tác với ứng viên khác. Vì thế, bạn nên kết nối với ứng viên khác bằng cách nhắc đến tên hoặc nhắn đến câu trả lời của họ trong quá trình trao đổi. Điều này cho thấy bạn quan tâm, chú ý đến họ. Đồng thời, bạn có thể bày tỏ thêm quan điểm hoặc thể hiện sự đồng tình, tán thưởng với ý kiến của họ khi có cơ hội.
Thái độ tích cực này được nhà tuyển dụng ghi nhận. Bạn sẽ ghi được nhiều điểm hơn nhờ khả năng xây dựng và tạo mối quan hệ với thành viên khác và có thể khả năng làm việc nhóm cũng như hòa nhập môi trường mới nhanh chóng, hiệu quả.
Phỏng vấn nhóm là cuộc đấu trí căng thẳng của các ứng viên nên bạn cần chuẩn bị kỹ và hành động có chiến lược. Hãy thể hiện rõ sự khác biệt của bạn bằng cách ưu tiên tập trung vào những lưu ý trên, điều đó sẽ giúp bạn "vượt mặt" ứng viên khác và ghi điểm với nhà tuyển dụng.
Nguyễn Lý