Đó là đoạn kết của một mối tình kỳ lạ và mặn nồng, một tình yêu mà tác giả buộc chúng ta phải hiểu là chân chính. Đến một độ tuổi nào đó, người phụ nữ bắt đầu nghi ngờ những tính từ mỹ miều như “chân chính”, “đích thực” hay “mãi mãi”. Nhưng thật buồn (hay cũng có thể lấy đó làm vui) vì càng nghi ngờ, hình như phụ nữ “chín chắn” càng ngấm ngầm thích thú và cả ngấm ngầm chờ đợi những điều ấy.
Cũng từ một độ tuổi nào đó, phụ nữ không còn quá mức lẫn lộn giữa hư và thực, không còn đồng hóa người tình của mình với hào hoa Rhett Butler (Cuốn theo chiều gió), xù xì Heathcliff (Đồi gió hú) hay nồng nhiệt Vronski (Anna Karenina) nữa, hoặc giả nếu thấy đồng hóa như vậy vô lý quá thì lại đem so sánh hơn kém chàng của mình với những nhân vật kia.
Thời thiếu nữ, sách gối đầu giường của độc giả nữ thường là Anna Karenina, Đồi gió hú hay Nhà thờ Đức Bà Paris, còn sau này, nhân vật đàn ông chạm được đến tâm hồn họ nhiều hơn là những người đời thường hơn rất nhiều.
Nhân vật đàn ông trong văn học có thể yếu đuối như Marco Fogg trong Moon Palace, chia tay người yêu là khóc nhè liền, rồi đắm chìm vào cơn tuyệt vọng mãi không thoát ra nổi, đến cuối truyện cũng chỉ biết đứng trên bờ biển nhìn trăng trôi mênh mang chứ không đùng đùng bỏ lên đường ra mặt trận, biến đau thương thành hành động, ngày về khải hoàn thanh la chũm chọe, chàng trai yếu ớt ngày nào giờ mặt đã mang vài vết sẹo, thấy người yêu cũ trong đám đông thì chỉ khinh khỉnh liếc qua chẳng buồn chào. Bởi vì người đàn ông trong đời thường, nói vậy thôi, mặc dù họ có gồng mình lên đến như thế nào, thì cũng có nhiều lúc khóc lóc khổ sở lắm.
Và đàn ông trong đời thực cũng phức tạp kinh người, khó hiểu vô song và nhiều khi tinh tế tỉ mỉ phát sợ. Quasimodo của Nhà thờ Đức Bà Paris yêu đương nhiệt tình là thế, nhưng ta không tài nào biết được có lúc nào chàng đâm ra nghi ngờ tình yêu của mình hay không, hay có lúc nào nghe tiếng chim hót ngoài kia mà trái tim bỗng có giây phút lãng quên đi nàng Esmeralda một tý. Một nhân vật như Quasimodo thì thật là đẹp, nhưng vẻ đẹp lý tưởng ấy nghĩ kỹ thì không thực tế chút nào. Đàn ông, họ vẫn thế (chắc thế) nhưng các nhân vật nam trong các tiểu thuyết hiện đại đã bỏ đi chiếc áo kịch tính để người hơn, gần gũi hơn, trắc ẩn hơn. Càng ngày, tôi càng tìm đến những cuốn tiểu thuyết miêu tả người đàn ông sát sạt từ cự ly rất gần, phân tích kỹ càng có khi đến một điệu bộ cỏn con nhất.
Trong số những cuốn tiểu thuyết thuộc dạng này, Trên bãi biển Chesil (Ian McEwan), Người phàm (Philip Roth), Đổi chỗ (David Lodge) và Trái tim bạc nhược (Javier Marias) nổi bật hẳn lên vì cách đặt đàn ông vào những vị trí để quan sát thật đặc biệt, mà theo tôi là đặt họ vào đúng chỗ của mình, không kênh lên vì những gồng mình cho xứng đáng với một con người có sự nghiệp lớn lao hay một lý tưởng kỳ vĩ. Đêm tân hôn thảm bại của cặp vợ chồng mới cưới trong Trên bãi biển Chesil dựng một cảnh tượng thật ê chề của một chàng thanh niên tưởng chừng như đã đến được bến bờ của hạnh phúc lứa đôi. Người phàm lại cho ta hiểu đời một người đàn ông có những ngõ ngách khó lường đến thế nào, đàn ông có thể rộng lượng và đồng thời nhỏ mọn ra sao. Còn vở hài kịch Đổi chỗ làm bạn cười lăn cười bò từ đầu đến cuối thì lại vẽ biếm họa những người đàn ông học thức, cho thấy rằng yếu đuối và mạnh mẽ có thể là phẩm chất của cùng một người. Về phần mình, Trái tim bạc nhược chứng minh đàn ông nhiều khi còn tinh tế gấp nhiều lần chúng ta, cả trong các lĩnh vực tưởng chừng như chỉ thuộc về phụ nữ.
Những người đàn ông trong các tiểu thuyết trên, với tài năng của nhà văn viết ra chúng, sống động và gần gũi hơn nhiều những anh hùng hay “nhân vật lớn” của tiểu thuyết cổ điển. Nhưng cũng cần phải nói rằng, họ trở nên như vậy trong những câu chuyện đó phần lớn chính là nhờ ở vai trò của những người phụ nữ xung quanh họ.
Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy