Kỳ tích khống chế dịch Covid-19
Sau khi dịch Covid-19 từ Vũ Hán lan rộng ra thế giới, ngày 23/1, hai ca nhiễm nCoV đầu tiên xâm nhập Việt Nam, là cha con du khách Trung Quốc. Nhân viên lễ tân khách sạn tại Nha Trang tiếp xúc với hai cha con, trở thành bệnh nhân Covid-19 người Việt đầu tiên.
Trong vòng một tuần, ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 được thành lập, do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu, hoạt động tích cực với phương châm “chống dịch như chống giặc”. Cuối tháng 1, bộ đội biên phòng được tăng cường trên toàn tuyến biên giới đất liền để kiểm soát người nhập cảnh.
Cuối tháng 3, Chính phủ dừng nhập cảnh với người nước ngoài; đầu tháng 4, dừng toàn bộ đường bay thương mại với các nước.
Lần đầu tiên trong lịch sử, các biện pháp phong tỏa, cách ly y tế được thực hiện ở nhiều cấp độ. Tháng 4, Việt Nam cách ly toàn xã hội. Cuối tháng 7, Đà Nẵng cách ly toàn thành phố. Bên cạnh đó, cách ly quy mô cấp phường, xã cũng được áp dụng tại Trúc Bạch, Hạ Lôi (Hà Nội), Sơn Lôi (Vĩnh Phúc)...
Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ vào "cuộc chiến" chống dịch bệnh như xây dựng ứng dụng khai báo y tế điện tử (NCOVI), ứng dụng cảnh báo người tiếp xúc gần với F0 (Bluezone)...
Một điểm sáng quan trọng là Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia đầu tiên tự phát triển vaccine Covid-19. Lần đầu tiên, vaccine Covid-19 made in Vietnam có tên Nanocovax, được thử nghiệm trên người vào tháng 12.
Nhờ những quyết sách hiệu quả, kịp thời, cho đến nay Việt Nam mới xuất hiện hơn 1.400 ca bệnh (phần lớn là nhập cảnh), trong đó 35 ca tử vong (chủ yếu người cao tuổi có bệnh nền). Con số đó, và sự hồi phục kỳ diệu của phi công người Anh - bệnh nhân số 91 - đã đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trên toàn cầu về phòng chống dịch Covid-19.
Tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm 40 quốc gia cao nhất thế giới
Do vật lộn vì chống dịch Covid-19, nhiều quốc gia đã phải đóng cửa, giãn cách xã hội thời gian dài, khiến hàng loạt nền kinh tế suy thoái, tăng trưởng âm. Theo dự báo tăng trưởng kinh tế của quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2020, kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm 4,4%, trong đó Philippin âm 8,3%, Thái Lan âm 7,1%, Singapore và Malaysia âm 6%, Indonesia âm 1,5%...
Trong khi đó, Việt Nam nhờ thực hiện được mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa phát triển, phục hồi kinh tế nên sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là 2,5-3% của Chính phủ. Cụ thể, IMF và WB dự báo năm 2020 tỉ lệ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 2,9%, cao hơn Trung Quốc (1,9%), Myanmar (2%)… và nằm trong 40 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.
Bên cạnh đó, năm 2020 cũng là năm gặt hái về xuất khẩu của Việt Nam. Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy nặng nề, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vẫn đạt mức cao, đưa xuất siêu đạt mức kỷ lục với con số ước tính 20 tỷ USD. Trong năm, Việt Nam có tới 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Việt Nam làm chủ tịch ASEAN
Vào đúng thời điểm đại dịch Covid-19 gây ra nhiều cuộc khủng hoảng trên thế giới, Việt Nam tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020. Với chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng”, ASEAN đã ứng phó tốt với đại dịch, đồng thời đảm bảo thực hiện các ưu tiên đặt ra cho năm 2020, về cả phát triển nội khối và đối ngoại, cũng như tầm nhìn phục hồi và phát triển hậu Covid-19.
ASEAN đã nhanh chóng thành lập quỹ ứng phó với Covid-19 ASEA, kho dự phòng vật tư y tế ASEAN, với hàng chục triệu USD được cam kết đóng góp từ các nước ASEAN và đối tác; đồng thời ra Tuyên bố chung về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á, tuyên bố riêng đầu tiên về chủ đề hoà bình và an ninh khu vực.
Tại hội nghị tổng kết năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020 ngày 11/12 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Việt Nam không chỉ là thành viên tích cực, nghiêm túc thực thi các thoả thuận đã cam kết, mà đã trở thành chỗ dựa vững chắc, tin cậy, đặc biệt trong những thời khắc ASEAN phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, như đại dịch Covid-19 hiện nay"
Hội nhập sâu rộng trong các hiệp định thương mại tự do quan trọng
2020 là một năm Việt Nam gặt hái nhiều thành công về kinh tế đối ngoại, đặc biệt với dấu ấn đàm phán thành công hiệp định Thuơng mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sau 9 năm.
EVFTA có hiệu lực từ 1/8, khởi động quá trình loại bỏ gần 99% dòng thuế và rào cản thương mại trong vòng 10 năm tới, giúp Việt Nam tiếp cận gần hơn với thị trường EU có GDP trị giá 15.000 tỷ USD.
Đây được xem là hiệp định thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2020 và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví như "đường cao tốc" nối liền Việt Nam và châu Âu.
Cũng trong năm 2020, Việt Nam cùng các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand đã ký kết trực tuyến hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sau 8 năm đàm phán, trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ASEAN do Việt Nam làm Chủ tịch.
RCEP tạo nên một thị trường quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.
Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành quyết định về chuyển đổi số quốc gia, đặt ra mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực vươn tầm toàn cầu.
Mục tiêu của chương trình đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP, Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh.
"Hôm nay, nhìn lại cả chặng đường đã đi, tôi vui mừng được chia sẻ rằng đất nước ta thực sự tốt đẹp hơn bao giờ"
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 28/12.
Minh Minh