Tự cô lập
Để có thể học tốt ở xứ người thì chuyện hòa nhập vào cuộc sống, văn hóa và môi trường học tập ở nước bạn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, đặc biệt là ở những nước có sự khác biệt lớn về lối sống so với Việt Nam. Ấy vậy nhưng…một số du học sinh Việt Nam lại quên đi điều này.
Mai Anh - một cô gái thế hệ 9X Hà Thành khiến nhiều người ngạc nhiên khi giành một suất học bổng đi học ngành truyền thông tại một quốc gia tiên tiến tại châu Âu. Nhưng chính Mai Anh và gia đình cũng không hề nghĩ được rằng, tính hiền lành, khép mình đã khiến giấc mơ du học của cô bạn không đẹp như mong đợi.
Dù có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh rất tốt nhưng Mai Anh không tham gia bất cứ một hoạt động sinh hoạt tập thể nào, không yêu, không đi xa khỏi thành phố nơi mình đang học tập…Hệ quả là cô bạn cứ lủi thủi một mình một bóng. Trong khi những sinh viên Việt Nam khác tổ chức sinh nhật chung, đi du lịch, dã ngoại thì Mai Anh lại ôm chiếc lap và… trò chuyện với mẹ ở Việt Nam.
Sau hai học kì, nhận thấy con gái thường xuyên liên lạc về nhà trong tình trạng… u uất, có vẻ mệt mỏi, chán chường hơn thì bố mẹ Mai Anh mới tá hỏa, vội vàng bay sang ngay. Và nguyên nhân của tình trạng trên chỉ là dù đã “sang Tây” học, cô con gái rượu “vẫn ngoan như ở nhà”.
Nhiều bạn du học sinh cũng gặp những tình trạng tương tự khi mà họ quá sống khép mình, lo lắng bị ảnh hưởng bởi những trào lưu không tốt như trên phim ảnh, có trường hợp lại cho rằng, chỉ cần học tốt là đủ mà không nghĩ: để học tốt, thì trước hết phải sống tốt đã. Cũng lại xảy ra tình huống, nhiều chàng trai, cô gái Việt cũng cố gắng tỏ ra mình đang hòa nhập, nhưng lại “độc” chơi, nói chuyện với… người Việt. Cách ứng xử này sẽ khiến thầy cô, bạn bè nước không thể “ưa” cũng là điều kéo theo tất yếu.
Hòa nhập quá đà
Ngại hòa nhập, khó hòa nhập đương nhiên là không tốt, nhưng hòa nhập đến độ… hòa tan thì cũng là điều chẳng ai khuyến khích. Dù ít, nhưng cũng không phải là quá khó để tìm những ra những gương mặt du học sinh là người Việt nhưng đã sớm “tan” ở xứ người.
Không chỉ thực hiện được lời hứa với bạn thân trước khi lên đường sang Úc du học, Tuấn Anh còn khiến cho những người bạn mới của mình taị Melbourne phải “phục” về độ “hòa nhập” của mình.
Dù mới sang, nhưng Tuấn Anh rất chịu chơi. Ổn định chỗ ở, một tuần liền đó, cậu đề nghị đám bạn mới dẫn đi hết những quán bar, sàn nhảy… trong khu vực. Trong khi người khác lo làm thủ tục nhập học, chuẩn bị học kì mới thì Tuấn Anh lại có mặt ở những khu vui chơi, giải trí để “thăm thú”. “Phải tìm hiểu thực tế về nơi mình đang sống thì mới nhanh hòa nhập được”, Tuấn Anh lý giải.
Với vốn tiếng Anh kha khá, Tuấn Anh không khó để làm quen với những người bạn Úc hay sinh viên quốc tế trong trường. Mấy cô bạn Úc thấy một anh chàng Việt khá bảnh bao, lại “vui tính” như vậy thì cũng rất hứng thú, vậy là mời nhập hội luôn. Dần dần, thời gian để đi chơi, đi dã ngoại hay đi bar với những người bạn mới này còn nhiều hơn thời gian cậu gặp bạn cùng phòng.
Mải mê với việc thăm thú, tìm hiểu những địa chỉ vui, thú vị mà giới trẻ bản địa hay tìm đến, Tuấn Anh bẵng đi nhiệm vụ chính của mình khi sang đây là học tập. Chỉ khi kì thi đến gần, cậu mới hoảng lên, học ngày học đêm để chỉ mong đủ điểm qua. Lúc này cậu mới nhận ra, cậu có thể dễ dàng “hòa nhập” với bạn bè ở đây, nhưng kiến thức thì lại chẳng dễ “nhập” vào đầu như thế.
Tham bát bỏ mâm
Học lại tưởng chừng như là một điều hiếm với du học sinh học tập nơi xứ người nhưng nay không còn là điều quá lạ lẫm với các bạn trẻ đi du học, trong đó có du học sinh người Việt.
Ngoài những đối tượng xin được học bổng ra thì có rất nhiều các bạn du học sinh Việt thường đi học theo dạng tự túc, tự lo kinh phí chi trả học tập ở nước ngoài. Việc theo học tốt được hay không ở môi trường nước ngoài không phải là một thử thách dễ dàng vượt qua với các bạn...
Do quá mải mê với việc làm thêm với mức lương đầy hấp dẫn tại nước bạn mà Tuấn – du học sinh công nghệ thông tin tại Mỹ bỏ bê công việc học tập của chính mình. Tuấn đến trường luôn trong tình trạng mệt mỏi vì thiếu ngủ do đi làm thêm, thời gian không đến trường thì Tuấn lại đi làm, không có thời gian dành cho việc tự học tại nhà nên kết quả học tập sau khi kết thúc nửa khóa học vô cùng bết bát, chính vì thế mà Tuấn buộc phải chuyển đến một ngôi trường khác chất lượng thấp hơn và học lại từ đầu.
Đành rằng đi du học là mở mang kiến thức, trình độ mỗi du học sinh lên một tầm cao mới thế nhưng không phải ai lên đường nhập học nơi xứ người cũng có được kết quả tốt.
Gian lận thi cử
Có lẽ, điểm trừ “xấu xí” nhất mà một vài du học sinh Việt mang theo trong hành trang học tập của mình ở nước ngoài chính là… gian lận.
Dường như đây là hệ quả tất yếu xuất phát từ việc thiếu hòa nhập với môi trường xung quanh, khả năng tiếp thu bài học không cao hay tình trạng trốn học thường xuyên dẫn đến việc không thể nắm bắt được kiến thức.
Do đó muốn có thể vượt qua các kì thi, các du học sinh này đã phải gian lận mới hi vọng có thể hoàn thành chương trình học. Nhất là hiện nay, khi các phương tiện kĩ thuật số đang ngày càng phát triển, những chiêu trò lại càng được sử dụng nhiều hơn với những cách thức thật tinh vi!
Có nhiều lý do để các bạn trẻ phải dùng đến “thủ thuật” trong học tập, nhưng dù thế nào thì đó cũng là điều chẳng hay ho gì, nhất là khi bạn đi du học.
Sang Úc du học với học bổng toàn phần, vì gia đình không có điều kiện nên M.N (22 tuổi) rất cố gắng.Vừa học hành chăm chỉ vừa tranh thủ làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống và có thể phụ giúp gia đình. Nhưng cũng vì mức hỗ trợ tài chính dựa trên điểm trung bình học tập, dù đã cố gắng phân bố thời gian học và làm thì N cũng rất lo sợ bị mất học bổng. Vì thế, “đôi khi tôi cũng phải gian lận trong một vài môn học mà tôi không tự tin” – N nói!
Cuộc sống xứ người vốn đã đầy những vất vả, khó khăn; học và thành danh nơi nước bạn càng không dễ. Nhưng dù với lí do gì thì việc gian lận trong học tập cũng đều là điểm trừ nặng, đặc biệt khi đó là những người Việt mang theo hy vọng, công sức và tiền bạc của gia đình, xã hội mà đi du học. Cầm tấm bằng về nước với những điểm số chẳng phải của mình, chắc hẳn những du học sinh đó sẽ cảm thấy áy náy.
H.Minh (tổng hợp)