5 điều cần biết về giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH

5 điều cần biết về giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 3, 16/06/2020 07:30

Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những giấy tờ quan trọng để người lao động được hưởng các chế độ từ việc tham gia BHXH.

Chính sách - 5 điều cần biết về giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH

Mẫu giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT.

Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH dùng làm gì?

Dù không định nghĩa Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội là gì, tuy nhiên, cả Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội trong lĩnh vực y tế đều đề cập đến loại giấy tờ này.

Do đó, có thể hiểu, Giấy chứng nhận này sẽ liên quan tới hồ sơ hưởng các chế độ bảo hiểm. Cụ thể:

- Chế độ ốm đau: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội trong trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú (theo khoản 1 Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

- Chế độ thai sản: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp điều trị ngoại trú nếu lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý hoặc người lao động thực hiện biện pháp tránh thai (theo khoản 2 Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

3 điều kiện để Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hợp lệ

Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Thông tư 56/2017/TT-BYT, việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội phải đáp ứng các yêu cầu:

- Do cơ sở khám, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động cấp. Người hành nghề (y sĩ, bác sĩ) làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh này được ký Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo sự phân công của người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh đó.

- Phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh nơi cấp Giấy đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

Mỗi lần khám chỉ được cấp 1 Giấy chứng nhận

Cũng theo Thông tư này, cụ thể khoản 2 Điều 20 nêu rõ, một lần khám chỉ được cấp 1 Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Với trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên Giấy, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.

Nếu trong cùng một thời gian, người bệnh được nhiều chuyên khoa của các cơ sở khám, chữa bệnh khác nhau khám và cùng cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc thì chỉ được hưởng 1 trong những Giấy có thời gian nghỉ dài nhất.

Trường hợp khám nhiều chuyên khoa trong cùng 1 ngày tại cùng 1 cơ sở khám, chữa bệnh thì cũng chỉ được cấp 1 Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

4 trường hợp được cấp lại Giấy chứng nhận

Khoản 5 Điều 26 Thông tư 56/2017/TT-BYT có nêu, cơ sở khám, chữa bệnh đã cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH có trách nhiệm cấp lại giấy này trong các trường hợp:

- Bị mất, bị hỏng.

- Người ký Giấy chứng nhận không đúng thẩm quyền.

- Việc đóng dấu trên Giấy chứng nhận không đúng quy định.

- Có sai sót về thông tin được ghi trên Giấy.

Trong những trường hợp cấp lại, Giấy sẽ có dấu "Cấp lại".

Ngoài ra, nếu có sai sót về thông tin được ghi trên Giấy thì cơ sở khám, chữa bệnh cũng có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung cho đúng và đóng dấu treo của cơ sở khám, chữa bệnh tại phần nội dung sửa đổi, bổ sung.

Trường hợp có giấy chứng nhận nghỉ việc vẫn không được hưởng BHXH

Nội dung đáng chú ý này được đề cập tại Công văn 4733/BHXH-CSXH do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành ngày 18/12/2019 nhằm chấn chỉnh và hướng dẫn xử lý một số tồn tại trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội (BHXH).

Theo Công văn này, cơ quan BHXH sẽ không giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản cho người có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH của:

- Cơ sở khám chữa bệnh là pháp nhân mà không đăng ký mẫu dấu sử dụng trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

- Cơ sở khám chữa bệnh không phải là pháp nhân mà không đăng ký con dấu và mẫu chữ ký của người hành nghề được phép ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH trên Cổng thông tin giám định bảo hiểm y tế.

Đồng thời, mọi giấy tờ trong hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ bảo hiểm do người lao động cũng như người sử dụng lao động cung cấp như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy khai sinh… đều được kiểm tra, rà soát chặt chẽ hơn.

Ngoài ra, liên quan đến việc thu, chi BHXH, cơ quan BHXH sẽ thường xuyên kiểm tra những trường hợp tăng mức đóng BHXH bất thường đối với thời gian 06 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Với các trường hợp giảm mức đóng, giảm quá trình đóng mà thời gian này đã tính hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản thì sẽ thu hồi số tiền chênh lệch đã thanh toán…

Hoàng Mai

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.