1. Thôi em giấu cho riêng em biết
Khách hàng khi dùng thẻ ngân hàng (thẻ ATM, thẻ tín dụng,...) đều cần phải bảo mật các thông tin cá nhân như: số tài khoản, số CMND…và các thông tin liên quan như: tên đăng nhập, mật khẩu, thẻ eSecure, điện thoại nhận mã xác thực SMS…
Tuyệt đối không cho mượn thẻ hay chụp ảnh lại, đặc biệt là các chữ số trên thẻ tín dụng đều phải được “tránh xa tầm tay kẻ khác”.
Trong trường hợp cần cung cấp thông tin cá nhân khi mất thẻ, làm lại thẻ hoặc kiểm tra thông tin thẻ, bạn phải chắc chắn rằng bạn đang được làm việc với nhân viên ngân hàng.
2. Cẩn tắc vô áy náy
Thiết lập mật khẩu với độ an toàn cao nhất theo hướng dẫn đặt mật khẩu của ngân hàng và nên thay đổi định kỳ 3 tháng/lần hoặc ngay khi nghi ngờ bị lộ.
Nếu bạn không may có trí nhớ “cá vàng”, đừng ghi lại mật khẩu, mã PIN vào bất kỳ thứ nào, kể cả nơi riêng tư nhất. Hãy nghĩ rằng kể cả khi Trái Đất diệt vong, bạn vẫn phải tự nhớ mật khẩu của mình.
Chắc hẳn bạn không muốn tài khoản báo giảm hàng chục triệu đồng, mua sắm ở tận New York khi vẫn đang say giấc ở nhà?
3. Tai vách mạch rừng
Không sử dụng máy tính công cộng/wifi công cộng để truy cập, thực hiện các giao dịch trên Ngân hàng điện tử (Internet Banking); Không lưu lại/ghi nhớ tên đăng nhập và mật khẩu trên các trình duyệt web.
Ngay sau khi hoàn tất giao dịch, nhớ đăng xuất và thoát khỏi trình duyệt Internet Banking và Mobile Banking.
Tuy chị Google nổi tiếng là thông minh và có trí nhớ siêu phàm rồi, nhưng cô nàng lại chưa được cài đặt cơ chế nhận biết kẻ gian đâu.
4. Của rẻ là của ôi
Chỉ tải các ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng trên kho ứng dụng chính thống (App Store hoặc Google Play). Chỉ truy cập Internet Banking qua địa chỉ chính thức.
Không cài đặt các phần mềm lậu, bẻ khóa; không thực hiện bẻ khóa (jailbreak hoặc root) các thiết bị sử dụng để truy cập dịch vụ SHB Online và SHB Mobile.
Bạn cũng nên cài đặt các phần mềm diệt virut chính hãng trên các thiết bị truy cập dịch vụ Ngân hàng điện tử để hạn chế sự xâm nhập của virut, malware, key-logger…nhằm lấy trộm thông tin tài khoản.
Nhiều người đã tiết kiệm vài ngàn đồng và trả giá bằng hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng mà không biết kêu ai. Nếu gọi cho ngân hàng để xử lý, thời gian giải quyết thủ tục theo quy định ngân hàng cũng khiến bạn “mất ăn mất ngủ".
5. “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”
Đương nhiên, trong mọi trường hợp, nếu cả bốn điều trên bạn đều bỏ qua, nhân viên tổng đài các ngân hàng vẫn “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” bạn 24/24.
Sau đây là những đường dây nóng một vài ngân hàng mà bạn có thể cần đến trong những lúc rối bời thay vì lên Facebook than vãn:
Vietcombank |
1900 54 54 13 |
Vietinbank |
1900 55 88 68 |
BIDV |
1900 92 47 |
Agribank |
1900 55 88 18 |
Ngân hàng Á Châu ACB |
1900 54 54 86 |
Ngân hàng Đông Á DongABank |
1900 54 54 64 |
Ngân hàng Đông Nam Á SeABank |
1800 555 587 |
Ngân hàng Đại Dương OceanBank |
1800 58 88 15 |
Ngân hàng Hàng Hài Maritime Bank |
1800 59 9999 |
Ngân hàng Kỹ Thương Techcombank |
1800 588 822 |
VPBank |
1900 54 54 15 |
HDBank |
1800 68 68 |
Ngân hàng Phương Đông OCB |
1800 66 78 |
Ngân hàng Quân Đội MBBank |
1900 54 54 26 |
Ngân hàng Đại chúng PVComBank |
1900 5555 92 |
Ngân hàng Quốc tế VIB |
1800 81 80 |
Ngân hàng Sài Gòn, SCB |
1800 54 54 38 |
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội SHB |
1800 54 54 22/1800 58 88 56 |
NH Sài Gòn Thương Tín Sacombank |
1900 55 55 88 |
Hoa Liên