Đừng cho rằng chỉ cần sở hữu yếu tố chuyên môn thôi đã là đủ, bên cạnh đó những kỹ năng cũng luôn cần học hỏi và rèn luyện không ngừng để trở thành nhà quản lý, quản trị, lãnh đạo mẫu mực trong xã hội hiện đại. Dưới đây là 5 kỹ năng mà bất kỳ nhà quản lý trong lĩnh vực nào cũng đều nên thành thạo.
Hoạch định chiến lược
Đây có thể là kỹ năng quan trọng bậc nhất mà tổ chức đòi hỏi ở nhà quản lý. Hoạch định chiến lược bao gồm những kỹ năng tư duy nghiên cứu, đề ra định hướng phát triển chung trong từ kỳ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Tùy vào tình hình chung và mục tiêu của tổ chức mà nhà quản lý cần có nhiệm vụ đảm bảo tính đồng bộ và nhất quán giữa xu thế vận động của xã hội và ý đồ phát triển của công ty trong vòng 5 năm, 10 năm hoặc thậm chí là 30 năm. Sự thành công và đạt được mục tiêu chung hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào các chiến lược đến từ quản lý cấp cao, người trực tiếp chịu trách nhiệm thực hiện sứ mệnh này.
Huấn luyện và tư vấn
Không những chịu trách nhiệm cho hướng đi chung, nhà quản lý cần có khả năng đào tạo đội ngũ nhân viên các cấp dưới về chuyên môn mà còn là phong cách, nhận diện thương hiệu,… Sự bảo đảm về việc luôn cung cấp cho nhân viên các khóa huấn luyện nâng cao nghiệp vụ khi cần thiết, tư vấn về định hướng cá nhân cụ thể trong tình hình cụ thể sẽ giúp nhà quản lý có được sự đồng nhất trong khối tổ chức, kết nối tốt giữa các phòng ban. Sau khi kết thúc các khóa huấn luyện, tư vấn, bạn cũng nên nghiệm thu kiểm tra chất lượng việc làm của mình và có những điều chỉnh kịp thời để hiệu quả luôn nằm ở mức ổn định.
Khả năng thể hiện sự quan tâm
Không những chú trọng vào chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ,… nhà quản lý cũng cần thể hiện sự quan tâm, để ý đến cấp dưới. Điều này rất có ý nghĩa khi bạn biết cách tạo động lực trong quá trình làm việc, lắng nghe những thắc mắc của nhân viên. Việc thấu hiểu tâm lý, nguyện vọng của tập thể không những giúp bạn có cơ sở điều chỉnh hướng đi chung của doanh nghiệp mà còn góp phần xây dựng mối quan hệ tích cực với các nhân viên, phục vụ cho việc quản trị nhân sự.
Giao tiếp
Đây là một trong những kỹ năng bắt buộc nhà quản trị nào cũng cần rèn luyện, trau dồi. Vì tính chất công việc đòi hỏi phải tiếp xúc, làm việc và giữ sự ổn định giữa các mối quan hệ mà bạn cần hiểu tầm quan trọng của giao tiếp tốt. Kỹ năng lắng nghe, thể hiện quan điểm ý kiến, tranh luận thông minh sẽ là cơ sở để nâng cao giá trị bộ mặt doanh nghiệp khi tiếp cận các chủ thể bên ngoài, cho thấy tinh thần chuyên nghiệp, hiện đại trong thời đại tương tác, kết nối liên tục. Đừng quên tìm hiểu những điểm đặc trưng văn hóa, lịch sử của các đối tác đến từ vùng miền khác, đây sẽ là điểm cộng lớn cho những cuộc gặp mặt giữa các nhà lãnh đạo.
Quản lý đúng mực
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là kỹ năng quản lý đúng mực. Nghe có vẻ hơi bao quát nhưng theo những khảo sát cụ thể đến từ các doanh nghiệp ở khắp các lĩnh vực thì các nhà quản trị tương ứng thường không đề cập đến kỹ năng này trong danh mục những kỹ năng cần thiết. Nghiên cứu cho thấy, quản lý quá mức như can thiệp sâu vào công việc nhân viên, quản lý những vấn đề cá nhân... sẽ khiến nhân viên cảm thấy bó buộc và kìm hãm tính sáng tạo. Để quản lý đúng mực không phải là câu chuyện dễ, đòi hỏi nhà lãnh đạo cần tôn trọng và tập thói quen để nhân viên tự chịu trách nhiệm với công việc của chính mình.
Tiến Huy