Không ăn nhộng tằm để quá 1 tuần
Nếu những con nhộng tằm để quá 1 tuần khi thời tiết lạnh hoặc quá 20 giờ khi thời tiết nóng thì tuyệt đối không nên ăn.
Lý do vì khi nhộng tằm chết thường chuyển màu sang vàng nhạt, thâm đen, các đốt trên thân rời rạc, không dính chắc vào nhau. Lúc này, chất đạm sẽ bị phân hủy không còn giá trị dinh dưỡng nữa, mà trở thành chất độc gây hại cho cơ thể.
Ngoài ra, khi mới mua nhộng tằm về, tốt nhất nên chế biến, nấu chín ngay trong ngày hoặc bảo quản trong nhiệt độ từ 0 -5oC.
Phải chế biến kỹ
Cũng như bất cứ thực phẩm khác, ăn nhộng tằm nhiễm độc có thể gây ngộ độc, thậm chí có thể dẫn đến tử vong khi không biết cách chế biến và bảo quản.
Do đó, để tránh ngộ độc từ nhộng tằm, tốt nhất không nên ăn nhộng tằm sống, hoặc mới qua chế biến sơ. Nhộng tằm phải được rửa kĩ lưỡng trước khi chế biến. Tuyệt đối không chế biến nhộng tằm kèm với cá hoặc tôm.
Người bị gút không nên ăn nhộng tằm
Nếu bạn đang mắc bệnh gút, tuyệt đối nên kiêng món này trong thực đơn.
Nhộng tằm có chứa nhiều chất đạm, vì thế những người bị bệnh gout ăn vào bệnh dễ tái phát và gây đau ngay lập tức.
Khi bị dị ứng hoặc hay bị dị ứng không ăn nhộng tằm
Là một món ăn chứa nhiều dinh dưỡng nhưng nhộng tằm có chứa một số chất gây dị ứng. Vì thế, những người cơ địa không hợp với một chất nào đó có trong nhộng dễ gặp hiện tượng này.
Khi ấy bạn có thể phải đối mặt với những triệu chứng khó chịu như: buồn nôn, chóng mặt, đau bụng dữ dội, đi ngoài, da bị mẩn đỏ…
Chỉ nên ăn nhộng tằm 2-3 bữa/tháng
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, dù bổ nhưng người dùng không nên ăn quá nhiều, chỉ ăn nhộng tằm một cách phù hợp, khoảng 2-3 bữa/tháng là đủ.
Ngoài ra, cũng không nên ăn nhộng tằm chế biến một lần rồi cất tủ lạnh ăn nhiều bữa vì đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc vì ăn nhộng từ tủ lạnh.
Minh Anh (tổng hợp)