Căng thẳng Mỹ-Triều Tiên trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Đông ở PyeongChang đã giãn ra đáng kể. Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng “nhiệt độ” giữa Washington và Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ tăng lên sau khi sự kiện thể thao này kết thúc. Tờ Washington Post chỉ ra 5 lý do.
Đàm phán liên Triều không có chủ đề vũ khí hạt nhân
Trên thực tế căng thẳng trong thời gian diễn ra Thế vận hội chỉ được xoa dịu xung quanh quan hệ Triều Tiên và Hàn Quốc, thay vì giữa chính quyền Kim Jong-un với các cường quốc khác, đặc biệt là Mỹ.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tính toán rằng sẽ khuyến khích Triều Tiên tham gia vào Thế vận hội để tạm ngừng chương trình thử nghiệm tên lửa, hạt nhân trong thời gian sự kiện thể thao diễn ra.
Hai nước đã thảo luận về việc tổ chức các cuộc đàm phán chính thức sau khi Thế vận hội kết thúc, bao gồm một cuộc họp thượng đỉnh.
Tuy nhiên, ngoại giao liên Triều chủ yếu tập trung vào các chương trình chung của Triều Tiên và Hàn Quốc, như tái hợp gia đình bị ly tán bởi chiến tranh thay vì thảo luận về vũ khí.
Hơn nữa, phát biểu tại Hàn Quốc, Phó Tổng thống Mike Pence nhấn mạnh rằng sự hiện diện của Triều Tiên tại Thế vận hội là một "trò đùa” và kêu gọi chiến dịch gây áp lực tối đa cần được tiếp tục.
Liên minh gặp rắc rối
Nếu chính quyền ông Moon quyết định theo đuổi hội nghị thượng đỉnh liên Triều, ông có thể sẽ tiếp tục trì hoãn các cuộc tập trận quân sự hàng năm với Mỹ, vốn đã bị lùi lại trong thời gian diễn ra Thế vận hội ở PyeongChang.
Bình Nhưỡng luôn thấy các bài tập này có vấn đề, tin tưởng rằng Mỹ-Hàn đang chuẩn bị cho cuộc tấn công chống lại họ.
Từ góc nhìn quân sự, các cuộc tập trận hàng năm có thể sẽ được tạm dừng khi hai bên cùng đồng ý. Nhưng nếu Seoul đơn phương quyết định làm như vậy, phía Mỹ chắc chắn sẽ nổi giận.
Nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng Bình Nhưỡng đã rất khôn khéo khi lợi dụng và làm trầm trọng thêm sự bất hòa trong liên minh Mỹ-Hàn Quốc.
Triều Tiên muốn thấy các bài tập trận sẽ bị loại bỏ vì Seoul sẽ tìm thấy được lợi ích đáng giá ở người hàng xóm hơn là từ đồng minh.
Trong trường hợp ngược lại, nếu các cuộc tập trận vẫn tiếp tục bất chấp nỗ lực ngoại giao tích cực dành cho chính quyền Moon, Triều Tiên có lẽ sẽ thử nghiệm một điều gì đó để đáp trả.
Lập trường đàm phán của Mỹ không thay đổi
Trên đường về nhà, ông Pence cho biết Mỹ sẵn sàng nói chuyện với Triều Tiên mà không có điều kiện tiên quyết. Nhưng ngay cả khi điều này là sự thật, vẫn còn một trở ngại rõ ràng: Mỹ tiếp tục nhấn mạnh rằng, Triều Tiên phải đến bàn đàm phán với tâm thế chuẩn bị để phi hạt nhân hóa.
Gần như sẽ không có chuyện Triều Tiên dự định từ bỏ vũ khí hạt nhân, và do đó sẽ không đàm phán để đồng ý với yêu cầu của Mỹ.
Bình Nhưỡng có thể sẵn sàng tham gia vào tiến trình ngoại giao nếu nhận thấy yêu cầu từ phía Washington khiêm tốn hơn, nhưng nếu Washington vẫn tiếp tục tuyên bố giải trừ vũ khí công khai, Bình Nhưỡng dường như không tin rằng một thỏa thuận có thể đạt được.
Mục tiêu của Mỹ không thay đổi
Dưới sự quản lý của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã đưa ra một tuyên bố rằng Triều Tiên không được phép có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mang hạt nhân đe dọa nước Mỹ.
Thật không may, chính quyền Trump có rất ít lựa chọn để làm được điều này. Ngoại giao có vẻ không thành công trong ngắn hạn vì những lý do được mô tả ở trên, và các lệnh trừng phạt cũng không thể “đánh bật” tên lửa bay ra khỏi nước Mỹ.
Do đó Washington tiếp tục xem xét các phương án quân sự nổi bật. Trong vài tuần qua, không có nhiều tuyên bố đanh thép về việc tấn công Triều Tiên từ các quan chức Mỹ như trước.
Nhưng những lời đe dọa như vậy có thể sẽ được khôi phục vào thời gian tới, đặc biệt nếu nỗ lực đàm phán liên Triều sụp đổ.
Các cuộc tấn công trên thực tế không thể làm phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và có thể sẽ gây ra một cuộc xung đột thảm khốc.
Nhưng không có cách nào khác để ngăn chặn một ICBM và Nhà Trắng sẽ tiếp tục yêu cầu các lựa chọn quân sự từ Lầu Năm Góc. Đồng thời, chính quyền Trump sẽ tiếp tục úp mở về kế hoạch chuẩn bị này nhằm đe dọa Triều Tiên.
Chương trình hạt nhân của Triều Tiên tiến bộ nhanh
Triều Tiên đã không thử nghiệm tên lửa tầm xa hoặc vũ khí hạt nhân kể từ khi đồng ý tham dự vào Thế vận hội mùa Đông. Nhưng điều đó không có nghĩa là Bình Nhưỡng sẽ dừng lại chương trình vũ khí hạt nhân.
Nếu các quan chức Mỹ tiếp tục gửi tín hiệu rằng họ đang tìm "cơ hội" để tấn công, Bình Nhưỡng sẽ khẩn trương hoàn thành mục tiêu vũ khí chiến lược của mình. Nước này sẽ cần thêm nhiều bài kiểm tra khác để hoàn thiện và động thái này sẽ lại càng khiến Mỹ giận dữ.
Thế vận hội mùa Đông đã chào đón những căng thẳng được giải tỏa ở Triều Tiên. Điều này cũng chứng minh giải pháp ngoại giao đôi bên cùng có lợi - Triều Tiên dừng các vụ thử nghiệm, đổi lấy liên minh Mỹ-Hàn dừng tập trận và tập trung vào đàm phán là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, vì ngoại giao liên Triều đang đi trước ngoại giao hạt nhân, vì không có tiến bộ thực sự giữa Bình Nhưỡng và Washington, và bởi vì lập trường của Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa được giải tỏa nên không khí hòa hoãn ở Thế vận hội sẽ chỉ là tạm thời.