“Nhất nhật tù, thiên thu tại ngoại”, những tháng ngày tù tội đã mang bao mất mát đến trong cuộc đời. Ông cố tìm quên nhưng nỗi ám ảnh cứ thường trực trong lòng mỗi khi ông nhớ đến “tuồng xưa, tích cũ”.
Bị khởi tố sau khi bắt tay hòa giải
Chuyện xảy ra vào khoảng tháng 7/1997. Chiều hôm đó, trên đường đi lấy mây trên rừng về đến phân trường Bờ Hào (lâm trường Mã Đà), ông Đinh Công Thành (ngụ ấp 4, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) và một số người đi cùng bất ngờ bị ông P.V.L. (thời điểm đó là bảo vệ lâm trường Mã Đà) chặn đường. Ngay lúc đó, L. lấy súng bắn vào ông Thành. Sự việc việc xảy ra đột ngột khiến ông Thành hốt hoảng ngã xuống và bị xe mây đè lên người. “Lúc chặn đường, L. quát lớn bảo chúng tôi quay trở về Be 18. Chúng tôi đáp lại, trời tối rồi về Be 18 làm gì. L. lại quát lớn “mày muốn chạy à” và nổ súng. Tôi may mắn không bị trúng đạn mà chỉ xây xát ngoài da do bị xe mây đè”, ông Thành nhớ lại.
Ông Thành dựng xe mây lên và lồm cồm đứng dậy. Trong lúc đó, trên tay L. vẫn còn cầm khẩu súng Côn và hướng đầu súng về phía ông Thành. Ông Thành liền rút dao chặt mây đi rừng tiến về phía L. và uy hiếp. “Tôi sợ L. tiếp tục nổ súng nên lấy dao tự vệ. Thấy vậy, hắn lùi lại vấp ổ mối dưới chân ngã xuống. Trên tay hắn vẫn còn cầm súng nên tôi phải dùng dao dọa để hắn không làm càn. Tôi gí súng hắn xuống. Trong lúc hai bên giằng co, hắn bị đứt tay. Thất thế, nên hắn nhỏ giọng và xin lỗi tôi. Hắn còn thừa nhận trong người đã uống rượu nên nhầm. Tình thế ép buộc tôi mới làm thế, thực tình tôi cũng không muốn. Thấy L. bị thương, tôi xé túi quần để bắn vết thương cho L.. Hai bên bắt tay làm hòa”, ông Thành kể lại.
Ông Thành kể lại nỗi oan khuất đang dồn nén trong lòng.
Theo ông Thành và một số người dân nơi đây, thời đó, Nhà nước chưa ra lệnh nghiêm cấm người dân thu nhặt những sản phẩm phụ từ rừng (mây, tre, lá). Quanh khu vực ông Thành sinh sống, nhiều điểm thu mua mây và vận chuyển ra bên ngoài với quy mô lớn, nhỏ vẫn xem là hợp pháp. Như bao người dân nơi đây, ông Thành và con trai lên rừng đốn mây kiếm sống qua ngày. Sau khi chuyện xảy ra, ông Thành cũng không để tâm đến và tiếp tục lao vào cuộc sống mưu sinh. Ông cứ đinh ninh nghĩ tất cả mọi vấn đề liên quan đến L. đã được giải quyết ổn thỏa.
Những nhức nhối sau bản án 6 tháng tù giam
Tháng 11/1997, ông Thành bất ngờ bị bắt trước sự ngỡ ngàng của gia đình và bà con lối xóm. Khi đến cơ quan điều tra, ông mới vỡ lẽ. Hóa ra vụ xung đột của ông và L. khoảng 4 tháng trước nay đã đến tai chính quyền. “Tôi tìm gặp ông L.. Ông ấy cũng xác nhận không đưa đơn kiện chồng tôi và đổ lỗi cho lâm trường Mã Đà. Tôi đến gặp Ban giám đốc lâm trường Mã Đà tìm hiểu vụ việc. Sau khi biết chuyện chẳng có gì lớn lao, lâm trường đồng ý ký đơn để tôi bảo lãnh chồng tôi về”, bà Nguyễn Thị Dự (vợ ông Thành) cho biết.
Bà Dự chạy vạy, gõ cửa khắp nơi để cầu cứu vì vụ việc không đến nỗi đưa chồng bà đến con đường tù tội. Bà làm đơn trình lên cơ quan chức năng xin bảo lãnh chồng. Trong đơn có hẳn chữ ký của giám đốc lâm trường thời đó. Tuy nhiên, nguyện vọng của bà không được đáp ứng. Cơ quan chức năng còn gợi ý “phải làm đơn nhận chồng tôi có tội, họ mới đồng ý cho bảo lãnh”.
Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng lúc đó, ông Thành phạm vào tội chống đối người thi hành công vụ. Kết quả điều tra khiến gia đình ông vô cùng bức xúc. “Tôi cũng không làm điều gì sai, không khai khác gỗ hay săn bắn thú rừng trái phép thì lý do gì bắt tôi. Lúc chặn đường tôi, L. cũng không hề mặc đồ bảo vệ của lâm trường. Tôi bảo đưa ra bằng chứng thuyết phục chứng minh L. là người đang thi hành công vụ thì không ai đưa ra được”, ông Thành bức xúc.
Quyết định khởi tố đối với ông Thành cách nay 15 năm.
Một số người đi cùng ông Thành trong hôm xảy ra vụ việc cũng đồng ý ký vào đơn xác nhận ông Thành vô tội nhưng không có tác dụng. Ông Bùi Trọng Điệp (hàng xóm của ông Thành, người đi cùng hôm xảy ra vụ việc) cho biết: “Vụ việc không đến nỗi nào nhưng họ cứ bức ép. Hành động cầm dao đáp trả L. của ông Thành hoàn toàn là để tự vệ. Nếu thực sự L. đúng là người đang thi hành công vụ và không làm sai thì liệu có xin lỗi giảng hòa với ông Thành ngay hôm đó?”.
Tháng 3/1998, TAND huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) mở phiên sơ thẩm xét xử vụ việc và tuyên án “ông Thành sáu tháng tù giam về tội chống đối người thi hành công vụ”, mặc dù ông không ký vào biên bản điều tra của cơ quan chức năng trước đó. Ông Thành cho biết thêm: “Những điều được nêu trong bản cáo trạng trước tòa hoàn toàn khác xa với sự thật. Trên thực tế, tôi chỉ làm L. đứt tay nhẹ nhưng giám định pháp y chứng nhận thương tật trên người L. đến 11%. Một số người đến tòa làm chứng cho L. để tôi “danh chính ngôn thuận” trở thành người có tội hoàn toàn không có mặt tại hiện trường hôm xảy ra vụ việc”.
Có dấu hiệu oan sai
Theo một số người dân địa phương, vụ án ông Thành là một vụ án có dấu hiệu oan sai. Phần vì gia đình khó khăn lại “thấp cổ bé miệng” nên ông Thành cam chịu lãnh 6 tháng tù giam. Và trong suốt 15 năm qua, câu chuyện tù tội trong đời cứ như “quả nặng ngàn cân” đè nén trong lòng ông. “Ngày ra tù, tôi cố tìm L. hỏi cho ra lẽ để thỏa cơn ấm ức. Nhưng hắn tránh mặt. Tù tội thì cũng đã rồi. Nhiều lần tôi cố quên, không nhớ đến chuyện này nữa nhưng không tài nào thoát khỏi ám ảnh. Tôi từng đi bộ đội, tuy không học cao hiểu rộng, nhưng vẫn biết thế nào gọi là luật pháp, là công lý. Đáng lý ra, tôi là người trong sạch nhưng giờ đây phải mang danh là người có tiền án, tiền sự cả đời”, ông Thành trăn trở.
Để tìm hiểu và xác minh câu chuyện của ông Đinh Công Thành, PV tìm đến UBND xã Mã Đà. Trao đổi với PV, một cán bộ ở đây cho biết, chuyện xảy ra đã khá lâu, một số người chịu trách nhiệm xử lý vụ án hiện không còn tại chức. Ông Thành năm xưa dùng hung khí uy hiếp người. Nếu cân nhắc xem xét kỹ lưỡng, ông chỉ bị xử nhẹ để thị chúng”. |
Vinh Điền – Trọng Nghĩa