Trong năm năm kể từ khi tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông, tình hình biển Đông và những vấn để liên quan đến biển Đông đã có nhiều thay đổi. Trong đó những thay đổi tích cực phải kể đến là nhận thức của cộng đồng khu vực và quốc tế về tầm quan trọng của biển Đông đã được thay đổi và ngày càng có xu hướng gia tăng.
Không chỉ vậy, các nước liên quan (trực tiếp/ gián tiếp) đến biển Đông đều cố gắng không để xảy ra xung đột, mâu thuẫn. Ngoài ra, mối quan hệ giữa ASEAN – Trung Quốc đã được củng cố bởi các cơ chế hợp tác song phương và đa phương.
Ông Đặng Đình Quý - Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam phát biểu khai mạc
Tuy nhiên, sự khác nhau về cách diễn giải và áp dụng luật Quốc tế, nhất là Công ước quốc tế về luật biển 1982 (UNCLOCS) đối với các vùng biển có chồng lấn yêu sách ở biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc vẫn chưa đồng nhất, còn tồn tại nhiều mâu thuẫn.
Nhìn bề ngoài, mối quan hệ ngoại giao giữa ASEAN - Trung Quốc có vẻ êm đềm và có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế, việc Trung Quốc liên tục có những hành động xâm lấn ở biển Đông trong năm 2013 đặt ra nghi vấn: Liệu rằng công tác ngoại giao đã thực sự hiệu quả chưa hay cần những hành động cụ thể và thiết thực hơn nữa?
Giải thích về vấn đề này, ông Kavi Chongkittavorn (Nhà nghiên cứu Cao cấp, Viện nghiên cứu An ninh và Quốc tế, Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan) cho hay: Dưới góc độ các nước ASEAN, chúng ta là nước nhỏ, vì là nước nhỏ nên chúng ta phải tuân thủ luật pháp. Tại biển Đông, vấn đề tranh chấp lãnh thổ liên quan đến luật pháp, vì thế chúng ta nên kêu gọi Trung Quốc áp dụng luật pháp tại biển Đông và không một cường quốc nào có thể áp dụng luật riêng của mình.
Ngoài ra, ông Kavi Chongkittavorn còn đề cao vai trò của truyền thông trong việc góp phần kêu gọi Trung Quốc phải có trách nhiệm trong việc thực thi luật pháp Quốc tế.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, học giả nghiên cứu về vấn đề biển Đông
Trong thời gian vừa qua, mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN có nhiều tiến triển tích cực. Trung Quốc đã bắt đầu tham vấn chính thức về DOC với ASEAN bằng việc đến thăm một số quốc gia Đông Nam Á.
Tuy nhiên, cách tiếp cận giữa ASEAN và Trung Quốc có nhiều điểm khác nhau dẫn đến thiếu sự đồng nhất trong quan điểm. ASEAN cho rằng DOC cần có biện pháp cam kết pháp lí chặt chẽ và có tính rằng buộc hơn để giải quyết các vấn đề xảy ra trên biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc luôn nói rằng quá trình tham vấn là một phần quá trình thực hiện DOC. Thực chất, không có điều gì mới trong quan điểm của Trung Quốc trong quá trình giải quyết tranh chấp ở biển Đông.
Việt Nam và các nước muốn đàm phán đa phương về vấn đề biển Đông, nhưng Trung Quốc chỉ chấp nhận đàm phán song phương với từng quốc gia trong khối ASEAN. Giải đáp điều này, ông Ông Kavi Chongkittavorn – Thái Lan cho rằng: ASEAN không thể đàm phán trực tiếp về các vấn đề tranh chấp trên biển Đông mà chỉ có thể thông qua quá trình đàm phán về DOC và COC vì ASEAN không phải là bên tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
“Biển Đông trong năm năm tới tiếp tục tiềm ẩn nhiều bất trắc. Là một trong những khu vực tranh chấp phức tạp nhất thế giới” – Đó là lời phát biểu tại hội thảo của ông Đặng Đình Quý – Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam.
Ông cũng cho rằng, trước tình hình này, “các nhà nghiên cứu cố vấn chính sách phải nỗ lực hơn, sang tạo hơn để công chúng quan tâm hơn tới biển Đông; giới lãnh đạo các nước tính toán kỹ hơn lợi ích của chính mình, của dân tộc mình trước khi quyết định tiến hành các hoạt động ở biển Đông và liên quan đến biển Đông, để thiết lập các cơ chết kiểm soát hiệu quả tranh chấp, ngăn ngừa xung đột ở biển Đông”.
Lan Anh